Thị trường

Giá vàng: Thế giới sóng sánh, trong nước rung rinh

(VNF) -  Sáng nay, khi giá vàng thế giới tăng hơn 10 USD/ounce thì giá vàng trong nước chỉ nhích nhẹ thêm 100.000 đồng/lượng. Nguyên nhân do thị trường vàng trong nước mua bán khá chậm nên các công ty kinh doanh không thể lập tức điều chỉnh giá vàng tăng theo thế giới.

Giá vàng: Thế giới sóng sánh, trong nước rung rinh

Thị trường quá trầm lắng nên giá vàng trong nước chưa thể tăng theo giá thế giới.

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 6/10, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra ở mức 56 – 56,5 triệu đồng/lượng.

Sau 14 giờ, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào - bán ra ở mức 55,9- 56,4 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với chiều hôm qua.

Giá vàng thế giới ở thời điểm này đang ở mức 1.910,3 USD/ounce, tăng hơn 11 USD/ounce so với giá 1 ngày trước đó.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch mua vào 52,83 triệu đồng/lượng, bán ra 53,53 triệu đồng/lượng, tăng gần 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, hiện giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Chính giá vàng trong nước tăng ít hơn so với giá vàng thế giới đã khiến khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang xa hơn.

Theo nhận định của giới đầu tư tài chính, các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục đẩy mạnh gia tăng vàng dự trữ trong năm 2021 sau giai đoạn hạ nhiệt nửa cuối năm 2020. Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), lượng mua vào của các ngân hàng trung ương trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 152,3 tấn so với cùng kỳ 2019.

Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý của Standard Chartered, cập nhật dữ liệu trong tháng 8, một số ngân hàng mua vào như sau: Qatar mua 1,6 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ mua 3,6 tấn, Mông Cổ mua 1,3 tấn. Tuy nhiên, trước đó, Mông Cổ đã bán ra 11,8 tấn; trong tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán 44 tấn sau khi mua 224 tấn kể từ đầu 2020.

Bên cạnh đó, trong báo cáo tháng 9, Citigroup cho biết nhu cầu vàng của khu vực chính thức chỉ đạt 375 tấn khi năm 2020 kết thúc, mức thấp nhất một thập kỷ qua và nhu cầu trong năm 2021 có thể vượt 450 tấn.

Trong phiên giao dịch đêm 5/10, giá vàng thế giới tăng 1% nhờ tâm lý lạc quan của thị trường về gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ và sự suy yếu của đồng USD. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,7% lên 1.920,10 USD/ounce.

Từ khoá: giá vàng, vàng miếng,
Tin mới lên