Thị trường

Giá vàng thế giới tăng mức chênh lệch, cao hơn giá vàng trong nước gần 6 triệu đồng/lượng

(VNF) - Giá vàng trong nước hôm nay giảm 150.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng thế giới cũng tiếp tục đà giảm, giảm nhiều hơn, với mức khoảng 17 USD/ounce (khoảng 400.000 đồng).

Giá vàng thế giới tăng mức chênh lệch, cao hơn giá vàng trong nước gần 6 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới tăng mức chênh lệch, cao hơn giá vàng trong nước gần 6 triệu đồng/lượng.

Sau 13 giờ ngày 4/2/2021, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra ở mức 56,15 - 56,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.821,3 USD/ounce.

Chênh lệch giá mua - bán vẫn được giữ theo niêm yết là 500.000 đồng/lượng. Đáng chú ý là trong những ngày qua, khi giá vàng thế giới giảm nhiều, giá vàng trong nước tuy cũng giảm nhưng ít hơn. Vì vậy khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn giữ ở đỉnh cao. Quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng trong nước hôm nay đang cao hơn giá thế giới khoảng 5,9 triệu mỗi lượng.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh mức 54,2 triệu đồng/lượng mua vào, 54,7 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giá mua bán vàng trang sức cũng ở mức khoảng 500.000 đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC tới 2 triệu đồng/lượng.

Diễn biến trên thị trường vàng trong ngày 3/2 cho thấy bên bán áp đảo bên mua. Khi giá vàng tăng được 5 USD/ounce, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt bán ra thu hồi vốn. Số khác thì bán khống chờ vàng giảm giá sẽ mua lại hưởng chênh lệch. Lập tức, giá vàng chìm xuống vùng 1.834 USD/ounce. Tiếp đến, những người đã bán khống bắt đầu mua vào nhưng do sức mua yếu nên giá vàng chỉ tăng vài USD/ounce. Sau đó, giới đầu tư lại tiếp tục bán ra. Giá vàng buộc phải lùi về vùng 1.830 USD/ounce. Đến 6 giờ ngày 4/2, giá vàng giao dịch tại 1.834 USD/ounce.

Đầu ngày 4/2, giá vàng thế giới giao dịch tại 1.834 USD/ounce, giảm thêm 3 USD/ounce sau khi đã giảm 25 USD/ounce trong ngày giao dịch trước. Như vậy, sau hai ngày giao dịch (tính từ đầu ngày 2 đến đầu ngày 4/2) người mua vàng với giá 1.862 USD/ounce (mức giá vào đầu ngày 2/2) đã mất tổng cộng 28 USD/ounce, tương đương 800.000 đồng/lượng.

Theo chuyên gia vàng trong nước, dù vàng SJC đang chênh lệch kỷ lục so với giá thế giới nhưng thực tế nhu cầu trên thị trường không tăng đột biến. Phân tích kỹ sẽ thấy, giá vàng bán ra SJC cao hơn thế giới gần 6 triệu đồng/lượng nhưng giá mua vào cũng cao cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng mua giá cao – bán giá cao, nhưng nhiều người kỳ vọng vàng còn tiếp tục tăng giá nên không vội bán ra.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong năm 2020, các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia đã mua gần 273 tấn vàng. Quốc gia mua nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với 134,5 tấn vàng. 7 quốc gia đã giảm dự trữ vàng là Đức, Philippines, Colombia, Tajikistan, Uzbekistan, Mông Cổ và Sri Lanka. Các ngân hàng trung ương cũng xác nhận đã bán vàng trong quý III/2020. Tuy nhiên, họ đã mua trở lại 44,8 tấn vàng trong quý IV/2020.

Giá vàng trong nước và thế giới đã cùng nhau lao dốc trong ngày hôm nay (4/2). Vàng thế giới đã tuột mất mức hỗ trợ quan trọng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, vàng trong nước vẫn có cơ hội tăng trở lại nhờ "ngày vía thần tài" đang tới dần.

Hằng năm, nhu cầu mua vàng của người dân ngày này tăng cao, đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và không theo giá vàng thế giới. Giá vàng trong ngày thần tài thường cao hơn so với giá trị thực tế khoảng 3 - 5%.

Mặc dù vàng đã mắc kẹt trong biên độ giao dịch 1.800 - 1.900 USD/ounce trong tháng qua, ngân hàng Standard Chartered vẫn nhận thấy kim loại quý này sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại mới trong quý II/2020.

Những tín hiệu về lạm phát và các kế hoạch bơm tiền là những thông tin khiến giới đầu tư vẫn theo sát biến động của giá vàng. Sức cầu bắt đáy đối với mặt hàng kim loại quý này vẫn rất lớn mỗi khi giá giảm. Nhiều nhà đầu tư vẫn đánh cược vào triển vọng dài hạn của mặt hàng này.

Từ khoá: vàng, giá vàng,
Tin mới lên