Thị trường

Giá vàng thế giới và trong nước cùng giảm mạnh, khoảng nửa triệu đồng

(VNF) - Giá vàng trong nước hôm nay giảm mạnh với mức giảm 400.000 đồng/lượng, giá vàng thế giới giảm mạnh hơn với 22 USD/ounce (khoảng 510.000 đồng).

Giá vàng thế giới và trong nước cùng giảm mạnh, khoảng nửa triệu đồng

Giá vàng thế giới và trong nước cùng giảm mạnh, khoảng nửa triệu đồng

Sau 14 giờ ngày 30/3, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra ở mức 54,45 – 54,85 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.703,8 USD/ounce.

So hôm qua, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào lẫn chiều bán ra. Giá vàng thế giới giảm 22 USD/ounce (khoảng 510.000 đồng).

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay vẫn được SJC giữ ở mức 400.000 đồng/lượng. Một số tiệm vàng như Mi Hồng (ở TP. HCM) giao dịch vàng SJC ở khoảng 54,65- 54,85 triệu đồng/lượng chênh lệch mua- bán chỉ còn 200.000 đồng/lượng.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại cũng lùi sâu về 50,35 triệu đồng/lượng mua vào, 50,65 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn vàng SJC trên 4 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức chênh lệch rất cao giữa vàng trang sức và vàng miếng SJC.

Quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng thế giới thấp hơn vàng SJC hơn 7 triệu đồng/lượng, và thấp hơn vàng trang sức khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 29/3 cao hơn khoảng 12,2% (186 USD/ounce) so với đầu năm 2020.

Trước đó, giá vàng thế giới từ 9- 17 giờ ngày 29/3 biến động không nhiều. Giao dịch trên thị trường cho thấy vào đầu ngày 29/3, giá vàng vật lộn trong vùng 1.730 USD/ounce để tìm hướng đi lên.

Đến 20 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam, thị trường tiếp nhận và bàn tán về việc các quỹ đầu tư vàng cỡ lớn đang "xả hàng", đồng thời lãi suất trái phiếu bất ngờ tăng lên… nhiều người đã mạnh tay bán vàng. Lập tức, giá vàng rơi thẳng đứng 22 USD/ounce, từ 1.737 USD/ounce rớt xuống 1.705 USD/ounce. Sau đó, đầu ngày 30/3, giá vàng thế giới giao dịch tại 1.712 USD/ounce.

Vàng thế giới suy yếu khi giới đầu tư tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh chóng với những số liệu tích cực cùng với số lượng vaccine tăng lên. Kim loại quý cũng liên tục chịu sức ép trước một đồng đô la liên tục mạnh lên, lãi suất tăng và các đồng tiền kỹ thuật số thăng hoa.

Việc Visa mới đây chính thức chấp nhận tiền điện tử trong thanh toán đã đưa cả Bitcoin và Ethereum tăng giá mạnh. Trong 24h qua, Bitcoin đã tăng 3,16% lên 57.470 USD/BTC.

Vàng đang chịu áp lực giảm trong ngắn hạn do đồng USD đi lên và các quỹ bán vàng. Tuy nhiên, áp lực bán cũng giảm dần. Quỹ SPDR Gold Trust bán ròng tổng cộng hơn 15 tấn vàng trong 3 phiên trong tuần, đẩy lượng vàng nắm giữ về mức thấp nhất nhiều tháng là 1036,62 tấn.

Theo Kitco, giá vàng đang bị giằng co bởi hai luồng quan điểm trái chiều. Về ngắn hạn, vàng vẫn chịu áp lực giảm do dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư rủi ro hơn. Còn về dài hạn, lạm phát có thể tăng khiến vàng sẽ trở nên hấp dẫn.

Theo nhận định của một số chuyên gia, kim loại quý đã không còn nhiều sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Từ khoá: vàng, giá vàng,
Tin mới lên