Thị trường

Giá vàng tuần qua: Thế giới 'bốc hơi' 1 triệu đồng, trong nước giảm 50 nghìn/lượng

(VNF) - Chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.644,9 USD/ounce, giá vàng thế giới đang xuống mức thấp nhất trong 2,5 năm qua. Trong khi giá vàng trong nước vẫn chỉ giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng suốt tuần qua.

Giá vàng tuần qua: Thế giới 'bốc hơi' 1 triệu đồng, trong nước giảm 50 nghìn/lượng

Tuần giá, giá vàng trong nước chỉ giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng (ảnh minh họa)

Hôm nay (24/9), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 65,8- 66,6 triệu đồng/lượng.

So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước đã giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và cả chiều bán ra. Còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 7,8 triệu đồng mỗi lượng.

Đáng chú ý, biên độ giá mua và bán vàng tuần này tiếp tục duy trì ở mức 800.000 đồng/lượng, bằng với 2 tuần trước.

Giá vàng thế giới ngày 24/9 đang ở 1.644,9 USD/ouce, giảm thêm 32 USD/ounce so với cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 50,35- 51,25 triệu đồng/lượng, giảm thêm 50.000 đồng/lượng so với tuần trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng trang sức tuần này duy trì ở mức 900.000 đồng/lượng.

Tuần này, giá vàng trong nước vẫn đang tiếp tục níu giữ ngưỡng 67 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục giảm mạnh trong nhiều tuần. Hiện chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức khá cao, quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới thấp hơn giá vàng SJC khoảng 19,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần xấp xỉ 1.645 USD/ounce. Đêm qua, đồng USD tiếp tục tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua được cho là yếu tố chính gây áp lực lên giá vàng hôm nay. Thêm vào đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tích cực hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã thúc đẩy dòng tiền chảy ra khỏi thị trường vàng.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất nhanh hơn, nguy cơ xung đột quân sự Nga- Ukraine leo thang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sâu hơn, đè nặng lên tâm lý giới kinh doanh vàng.

Trước bối cảnh trên, có lẽ nhiều người nhận thấy việc nắm giữ vàng sẽ gặp rủi ro. Thế nên khi giá vàng giao dịch trong vùng 1.672 USD/ounce, họ đã ồ ạt bán tháo. 

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.664,4 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.665,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10/2022 trên sàn Comex New York là 1.671,4 USD/ounce.

Hiện USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ sau khi Fed quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên biên độ 3% - 3,25%, và dự báo còn nhiều mức tăng lớn hơn trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát.

Chuyên gia của Công ty dịch vụ tài chính Religare Broking nhận định, tốc độ tăng lãi suất gây áp lực lớn lên giá vàng. Lo ngại về tăng trưởng và suy thoái sẽ tác động tới giao dịch vàng trong tương lai.

Chuyên gia thuộc công ty môi giới Oanda cho rằng, khi mối lo về suy thoái kinh tế toàn cầu phủ bóng lên thị trường, vàng sẽ có cơ hội lên giá.

Đồng USD tăng tốc đã khiến giới đầu tư bán tháo vàng chuyển sang nắm giữ tiền. Quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới SPDR phiên ngày 23/9 tiếp tục bán ròng 2,9 tấn vàng, đưa mức nắm giữ xuống 947,23 tấn.

Chuyên gia nhận định, nếu đồng USD tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao, giá vàng khó có thể đi lên. Sang tuần, Mỹ còn công bố chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, nếu chỉ số này tăng sẽ gây áp lực mạnh lên giá vàng.

 

Tin mới lên