Bất động sản

Giá vật liệu tăng, cầu Mỹ Thuận 2 có nguy cơ đội vốn

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công được 4/5 gói thầu nhưng đang gặp khó khăn do giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến.

Giá vật liệu tăng, cầu Mỹ Thuận 2 có nguy cơ đội vốn

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 gặp khó vì giá thép tăng cao.

Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT (Ban 7), chủ đầu tư dự án cầu Mỹ Thuận 2 (thuộc dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam), cho biết ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dự án còn gặp khó khăn do giá vật liệu tăng cao so với lúc khởi công. Điều này khiến dự án có nguy cơ bị đội vốn và tiến độ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đang đẩy nhanh tiến độ các gói thầu

Ông Đinh Công Minh, Phó giám đốc Ban 7, cho biết hiện nay tỉnh Tiền Giang đã chi trả tiền bồi thường cho 381/389 hộ (đạt 98%), còn 8 hộ thuộc phạm vi xử lý đất nền yếu.

Về phía tỉnh Vĩnh Long, hiện đã chi trả xong 111/112 hộ (đạt 99%), còn 1 hộ (chiếm 1%) chưa nhận tiền do tranh chấp ranh đất. Ngoài ra, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm do vướng một số thủ tục.

Theo ông Minh, dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công 4/5 gói thầu, tổng khối lượng thực hiện đạt hơn 43% giá trị hợp đồng. Dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2023.

Cụ thể, gói thầu thi công đường dẫn cầu phía Tiền Giang (XL.02) có sản lượng đạt 34,02%, nhanh so với kế hoạch 0,4%, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2022.

Tương tự, gói thầu thi công cọc khoan nhồi và bệ các trụ nhịp chính dây văng từ trụ T14 đến trụ T17 (XL.03A) đạt 21,05%, đang đẩy nhanh thi công bù lại khối lượng chậm, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021.

Đối với gói thầu thi công cầu dẫn phía Vĩnh Long (XL.04) đạt 42,4%, vượt so với kế hoạch 2,8%, dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2022. Gói thầu còn lại là thi công thân trụ từ T14 đến trụ T17 và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng (XL03B) sẽ dự kiến khởi công trong năm 2023.

Ông Minh cho biết Ban 7 đã chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với gói thầu XL03A thi công đường găng phục vụ vận chuyển máy móc, vật liệu vào dự án.

Tuy nhiên, theo ông Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung nguyên vật liệu gặp khó khăn, giá cát sỏi tăng 15%-20%, giá thép tăng trên 35%... khiến các nhà thầu điêu đứng vì chi phí phát sinh tăng cao. Với mức tăng đột biến này, chi phí vật liệu thép các gói thầu của dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã tăng khoảng 135 tỷ đồng.

Đã kiến nghị Bộ Xây dựng

Ông Minh cho biết các nhà thầu đã có văn bản báo cáo Ban 7 về việc giá vật liệu tăng cao. Sau đó, ban cũng đã báo cáo Bộ GTVT về việc có ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận cho phép điều chỉnh giá hợp đồng theo hướng tách riêng các hạng mục công việc có sử dụng vật liệu thép để áp dụng công thức điều chỉnh giá riêng. Các hạng mục còn lại của hợp đồng được áp dụng công thức điều chỉnh riêng. Các công thức này sẽ được xác định phù hợp theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2016 của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, Ban 7 cũng kiến nghị Bộ GTVT đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng, diễn biến giá của thị trường. Đối với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu có biến động giá lớn (như giá thép, cát, đá...) cần công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng hằng tháng hoặc sớm hơn để các bên tham gia hợp đồng áp dụng điều chỉnh giá hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc chi phí đầu tư xây dựng được tính đúng, tính đủ và phù hợp mặt bằng giá thị trường.

“Các khó khăn nói trên phần nào cũng đã được giải quyết bởi Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao. Nhất là giá thép tăng đột biến đã gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng, đặc biệt đối với các gói thầu lớn”, ông Minh thông tin.

Theo ông Minh, cần sớm có giải pháp tháo gỡ để giảm thiểu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng

Bộ GTVT cho biết thời gian qua, giá vật liệu thép có sự biến động bất thường, việc sử dụng chung một công thức tính trượt giá sẽ không phản ánh đúng thực tế biến động của thép. Vì hệ số trượt giá chung bao gồm cả sự biến động của tất cả yếu tố chi phí của cả hợp đồng.

Do vậy, việc tách các hạng mục công việc có sử dụng thép để áp dụng riêng một công thức điều chỉnh giá sẽ phản ánh chính xác hơn biến động giá vật liệu, phù hợp hơn với thực tế thi công, nghiệm thu và thanh toán từng đợt. Việc điều chỉnh giá theo phương pháp này phù hợp hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Trước tình hình biến động giá vật liệu xây dựng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng có văn bản hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng. Từ đó phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, cho phép được điều chỉnh phương pháp điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng đã ký kết.

Tin mới lên