Tiêu điểm

'Giải cứu' tàu đắm trên sông Lòng Tàu, lo nhất năng lực đơn vị trục vớt

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tính đến ngày 16/12, các đơn vị đã tìm thấy thi thể 3 thợ lặn bị mất tích trong quá trình “giải cứu” tàu đắm trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TP.HCM). Hiện Cục hàng hải Việt Nam (HHVN), Cảng vụ hàng hải Tp. HCM  cùng các đơn vị liên quan đang lên phương án sớm trục vớt chiếc tàu trên.

'Giải cứu' tàu đắm trên sông Lòng Tàu, lo nhất năng lực đơn vị trục vớt

Các đơn vị nỗ lực thông luồng 2 chiều cho sông Lòng Tàu

Nỗ lực thông luồng, giảm thiệt hại kinh tế

Trước đó, vào khuya ngày 18/10 tàu hàng VietSun Integrity, số hiệu XVPI9 (Công ty cổ phần Nhật Việt), dài 132 m, tải trọng hơn 8.000 tấn đang vận chuyển khoảng 285 container từ cảng VICT - TP.HCM đi Hải Phòng.

Đến đoạn hạ lưu phao số 28 đến 30 sông Lòng Tàu, thượng lưu mũi An Thạnh (huyện Cần Giờ), tàu hàng bất ngờ gặp nạn. 2/3 chiếc tàu chìm xuống nước, khoảng 10 container rơi xuống sông.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, tuyến luồng bị ách tắc nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cùng Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Xuân Sang đã xuống hiện trường trực tiếp khảo sát, chỉ đạo xử lý sự cố, giảm thiểu tắc luồng để đảm bảo cho tàu thuyền qua lại.

Ảnh: Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Xuân Sang trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố đắm tàu

Ngày 18/11, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi thông báo về việc xử lý sự cố chìm tàu Vietsun Integrity, theo đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và khẩn trương thực hiện Công điện số 1400/CĐ-TTg ngày 22/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành công tác trục vớt tàu và bảo đảm giao thông hàng hải trong thời gian sớm nhất, giảm thiểu thiệt hại phát sinh do sự cố chìm tàu gây ra. 

Với nhiều nỗ lực từ Bộ GTVT, Cục HHVN, Cảng vụ HH Tp.HCM, ngày 24/11, các tàu lớn có mớn nước trên -10m đã có thể lưu thông 1 chiều qua khu vực này. Khảo sát cho thấy, từ ngày 24/11 - 1/12, đã có 53 lượt tàu vào, rời cảng biển Tp.HCM an toàn. Tàu vào cảng lớn nhất có chiều dài tới 207m, mớm mớn nước là -9,8 m. Tàu rời cảng lớn nhất là 221,6m, mớn nước -9,4 m.

“Đến ngày 2/12, Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố thông luồng 2 chiều trên sông Lòng Tàu”, ông Nguyễn Hải Nam cho biết.

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Cục HHVN đánh giá: “Việc sớm thông luồng trên sông Lòng Tàu cũng ghi nhận nhiều nỗ lực từ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khi đơn vị này đã có chính sách hỗ trợ chi phí phát sinh. Trong đó, hỗ trợ 50% giá dịch vụ vận chuyển container đối với các tàu giảm tải làm hàng tại cảng container quốc tế Tân Cảng-Cái Mép và cảng Tân Cảng-Cái Mép-Thị Vải đã ký hợp đồng trước đó, giảm 26% nếu ký hợp đồng dịch vụ xếp dỡ vận chuyển container. Ngoài ra, cảng cũng hỗ trợ giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa Tân Cảng-Hiệp Phước và Cát Lái tùy theo trường hợp”.

Ám ảnh nỗi lo tàu đắm

Bên cạnh nỗ lực thông luồng, một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay đó là sớm trục vớt tàu hàng VietSun Integrity. Nên nhớ, đây là sự cố nghiêm trọng để tràn dầu và tiếp tục phải phục vụ nhu cầu vận tải hàng hoá dịp Tết dương lịch và Tết Canh Tý. Theo lộ trình ban đầu, trong Quý I/2020 buộc phải giải phóng luồng. Thế nhưng, nhiệm vụ này dường như khá gian nan.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, ngày 7/11, Công ty cổ phần Việt Nhật đã trình phương án trục vớt tài sản chìm đắm (gồm tàu Vietsun Intergrity, các container hàng hóa trên tàu) và đã được Cảng vụ Hàng hải TPHCM phê duyệt với thời gian trục vớt hết container và kéo xác tàu ra khỏi luồng là 28 ngày, thời gian trục vớt và di dời xác tàu về vị trí an toàn là 45 ngày.

Báo cáo tại hiện trường, ngày 15/11, đơn vị thi công là Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải Thái Bình Dương và Công ty TNHH Trục vớt cho biết, các đơn vị đang giải phóng các container từ tàu để có thể sớm di dời tàu ra biên luồng hàng hải, thông luồng Sài Gòn-Vũng Tàu.

“Trong trường hợp số container còn lại trong hầm (khoảng 180 container) quá nặng, đơn vị trục vớt sẽ tiến hành cẩu bớt rồi sử dụng bơm ballast để di dời tàu sang biên luồng. Chậm nhất là ngày 12/12 sẽ hoàn thành trục vớt tàu”, đại diện đơn vị trục vớt cho hay.

Tuy nhiên, trong quá trình trục vớt, đến ngày 11/12, đã xảy ra sự cố khiến 3 thợ lặn bị mất tích trên sông Lòng Tàu. Phải đến 5 ngày sau (tức ngày 16/12), nhờ nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi của các đơn vị chức năng, xác 3 nạn nhân trên đã được tìm thấy. Sự cố đáng tiếc này cũng khiến công tác trục vớt bị chậm trễ.

Ảnh: Đắm tàu trên sông Lòng Tàu, sự cố nối tiếp sự cố

Đại tá Đặng Đức Phong, Phó Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Văn phòng Ủy ban Ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quốc gia cho biết, trước liên tiếp các sự cố xảy ra, các đơn vị chức năng phải có đánh giá trách nhiệm và mức độ thiệt hại để kiểm điểm các đơn vị có liên quan và có giải pháp trục vớt tiếp theo, phải đảm bảo an toàn, nhanh chóng.

Trên thực tế, không chỉ riêng việc trục vớt trên sông Lòng Tàu, mà năng lực trục vớt tại nhiều Công ty, các đơn vị trục vớt thực sự là đặt dấu hỏi lớn.

Một lãnh đạo Cục HHVN chia sẻ: “đây giống như là câu chuyện “nuôi quân ba năm, dùng quân một giờ”, vì thế, để chọn được những đơn vị đủ năng lực trục vớt những tàu lớn, tại từng địa điểm cũng không hề dễ dàng. Đó cũng là nỗi lo chung mỗi khi xảy ra đắm tàu. Ngoài ra, với chi phí trục vớt quá cao, nhiều chủ tàu đã phải bỏ tàu”.

Tin mới lên