Tài chính

Giải mã mối quan hệ giữa các công ty họ ‘Eresson’

(VNF) - Đại gia xứ Thanh Trương Lâm có ít nhiều liên quan tới quá trình “làm ăn” của Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson.

Giải mã mối quan hệ giữa các công ty họ ‘Eresson’

Giải mã mối quan hệ giữa các công ty họ ‘Eresson’

Cách đây không lâu, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã công bố thông tin bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson. Theo đó, mức giá khởi điểm là 145 tỷ đồng.

Tính đến 31/8/2018, giá trị các khoản nợ của Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson là nợ gốc hơn 140,7 tỷ đồng và 128.484 EUR; lãi trong hạn gần 120 tỷ đồng và 69.608,18 EUR; lãi quá hạn là hơn 16,7 tỷ đồng và 12.215,10 EUR.

Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ theo đó là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 134 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội với diện tích là 726,3 m2 tài sản trên đất nhà xưởng và máy móc thiết bị, xe ô tô… hình thành trong tương lai của Dự án nhà máy rượu, bia tại lô 46  - Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội gắn liền với 26.928m2 đất.

Một tuyên bố từ phía Công ty Cổ phần Eresson Việt Nam, tiền thân là Công ty TNHH Eresson Việt Nam, đã khẳng định, họ và chủ thể của Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson là các pháp nhân không liên quan tới nhau.

Thực tế, Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson và pháp nhân Công ty Cổ phần Eresson Việt Nam có sự liên hệ nhất định.  

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson thành lập ngày 11/6/2007 với trụ sở tại Lô 46, khu công nghiệp Quang Minh - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội. Chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp này là ông Lê Thanh Sơn. Ngành nghề kinh doanh chính là chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh.

Được biết, cơ cấu góp vốn tính đến 15/8/2018 là một doanh nghiệp khác cũng mang "họ Eresson" - Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Eresson (40,3%) và ông Lê Thanh Sơn (59,7%).

Dữ liệu cho thấy, ông Lê Thanh Sơn từng là Chủ tịch Công ty Cổ phần Eresson Việt Nam. Công ty Cổ phần Eresson Việt Nam mới thành lập vào ngày 2/12/2015.

Ngoài ra, người góp vốn thành lập nên Công ty Cổ phần Eresson Việt Nam cũng chính là ông Lê Thanh Sơn (96%) và ông Vũ Phúc Quý (10,67%).  

Tuy vậy tính đến tháng 10/2018, cơ cấu cổ đông công ty này đã chuyển thành Lê Thúy Hạnh (65%), Lê Thành Đạt (31%), Nguyễn Công Quân (4%). Bà Hạnh sau đó đã trở thành Chủ tịch  Công ty Cổ phần Eresson Việt Nam.

Điều thú vị nằm ở chỗ các pháp nhân Lê Thúy Hạnh, Lê Thành Đạt và Lê Thanh Sơn đều có cùng một địa chỉ hộ khẩu thường trú.

Nói cách khác, dù hai pháp nhân này hoạt động độc lập với nhau nhưng thực tế nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp này thực chất là “người cùng một nhà” với nhau.

“Bí ẩn” đại gia Trương Lâm

Quá trình tìm hiểu về pháp nhân còn lại của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Eresson đã hé lộ vị đại gia xứ Thanh: Trương Lâm. Cụ thể, đơn vị này được thành lập ngày 9/11/2005, người đại diện theo pháp luật/Chủ tịch HĐQT là ông Trương Lâm. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của công ty đạt 350 tỷ đồng.

Đại gia Trương Lâm là cái tên quen thuộc, hiện tại ông cũng nắm các doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thương mại An Việt và Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế xây dựng Thanh Hóa.

Tính đến cuối năm 2016, Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa (đại diện là ông Trương Lâm) nắm 90,8% vốn Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế xây dựng Thanh Hóa.

Hai đơn vị này đều có địa chỉ tại số 5 Phan Chu Trinh, Phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đây cũng là một doanh nghiệp được ông Lâm nắm hơn 90% cổ phần.

Trước đây truyền thông từng khẳng định Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa của ông Lâm đã mua lô đất số 9 Phạm Hùng từ chính Công ty Bia rượu Eresson.

Do đó, việc cùng góp vốn cổ phần trong Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson có thể là mối quan hệ “làm ăn” thông thường giữa ông Lâm và ông Lê Thanh Sơn.

Bản thân Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Eresson cũng là đơn vị phát hành thiết bị cho Công ty TNHH MTV Bia Rượu Eresson, cụ thể: thiết bị hệ thống thành phẩm pha chế; thiết bị hệ thống xử lý nước; thiết bị hệ thống chưng cất 3.000 lít/mẻ; thiết bị hệ thống lên men; thiết bị hệ thống Silo chứa bã; thiết bị hệ thống khu nấu đường;….

Đây đều là một trong các tài sản đảm bảo cho khoản vay 145 tỷ của Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson với BIDV chi nhánh Thăng Long.

Tin mới lên