Tài chính quốc tế

'Giải mã' mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, kích thích nhu cầu bất động sản và nới lỏng chính sách tiền tệ.

'Giải mã' mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc

Ảnh minh họa

Theo Bloomberg, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay của Trung Quốc khoảng 5,5% là một mục tiêu mang tính thách thức, hơn nữa sẽ thúc đẩy chính phủ tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kích thích nhu cầu bất động sản, nới lỏng chính sách tiền tệ hơn.

Sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày báo cáo công tác chính phủ và xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2022 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khóa XIII ngày 5/3, các chuyên gia kinh tế đã có những phân tích, đánh giá xoay quanh mục tiêu này. 

Theo Vinh Tịnh, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của ngân hàng BNP Paribas, động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc có thể thấp hơn 5,5%, do đó vẫn cần nhiều hỗ trợ của chính sách tiền tệ. Dự đoán, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 5 điểm cơ bản vào tháng Tư hoặc tháng Năm, đồng thời sẽ giảm 50 điểm cơ bản dự trữ bắt buộc của ngân hàng trong nửa cuối năm. 

Chuyên gia Vinh Tịnh nhấn mạnh, mặc dù trọng điểm của năm nay là tăng trưởng ổn định, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ hoàn toàn từ bỏ phòng ngừa rủi ro và điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tỷ lệ thâm hụt ngân sách 2,8% cho thấy tính bền vững của chính sách tài khóa trung dài hạn đã được xác định.

Liên quan đến mục tiêu thâm hụt ngân sách thấp hơn dự báo trung bình của các nhà kinh tế, chuyên gia Vinh Tịnh ước tính có khoảng 3.000-4.000 tỷ NDT của năm trước được bổ sung cho nguồn thu ngân sách, do đó mặc dù quy mô thâm hụt ngân sách không tăng, nhưng sự hỗ trợ thực tế của tài khóa đối với nền kinh tế cũng sẽ được duy trì mạnh mẽ.

Trương Trí Uy, nhà kinh tế trưởng của công ty quản lý đầu tư Pinpoint Asset Management Ltd, cho rằng muốn thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc sẽ đối diện với một năm đầy thách thức trong bối cảnh ngành bất động sản đang suy giảm và dịch COVID-19 cản trở nghiêm trọng ngành dịch vụ.

Hiện nay, vẫn chưa rõ đầu tư xây dựng cở hạ tầng tăng bao nhiêu trong năm 2022 để triệt tiêu những ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường bất động sản và tình hình dịch bệnh. 

Chuyên gia Trương Trí Uy dự đoán, PBoC có thể sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong nửa đầu năm, đồng thời sẽ hạ lãi suất 2 lần trong năm nay, mỗi lần 10 điểm cơ bản. Ngoài ra, chính phủ có thể sẽ cho phép các chính quyền địa phương nới lỏng chính sách kiểm soát bất động sản.

Việc nhấn mạnh “phòng ngừa hiệu quả các rủi ro bên ngoài” cho thấy Chính phủ Trung Quốc ý thức đối với các rủi ro địa chính trị tiềm tàng, trong đó cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã thể hiện rõ điểm này. 

Đinh Sảng, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á của ngân hàng Standard Chartered, cho rằng Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu cần phải có sự nỗ lực nhất định mới có thể đạt được, điều này đòi hỏi cần có sự hỗ trợ về chính sách và nỗ lực của chính quyền địa phương.

Theo chuyên gia Đinh Sảng, mục tiêu này vẫn nằm trong phạm vi tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc. Trước đó, PBoC dự đoán tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc trong thời kỳ “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” vào khoảng 5-5,7%.

Chang Shu và David Qu, hai chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nhấn mạnh thông điệp của Kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc rất rõ ràng, Chính phủ Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn xảy ra sự suy giảm mạnh về tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng 5,5% - thấp hơn mức tăng 6% của năm 2021 - cho thấy chính phủ muốn tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh đối diện với sức ép lớn của thị trường bất động sản sa sút và những rủi ro mới gây nên từ cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine hiện nay. Mục tiêu ngân sách xem ra có vẻ thận trọng, nhưng đã để lại không gian kích thích lớn, có thể mạnh hơn so với mức độ hỗ trợ để giảm nhẹ tác động của dịch bệnh năm 2020.

Mục tiêu tăng trưởng xác định ở mức 5,5% có thể đạt được sự cân bằng tích cực: Vừa không đặt mục tiêu quá cao dẫn đến chính sách đã có hiệu quả kích thích chuyển hướng sang thúc đẩy tăng trưởng quá mức, vừa không đặt mục tiêu quá thấp vì điều này làm suy giảm niềm tin.

Lưu Bồi Can, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng NatWest, cho rằng thâm hụt ngân sách giảm phản ánh kỷ luật tài khóa, đồng thời hạn mức phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương không thay đổi sẽ tiếp tục nâng cao đòn bẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong trung và dài hạn.

Theo chuyên gia Lưu Bồi Can, lập trường chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn là ổn định và thận trọng nhưng sẽ có xu hướng nới lỏng hơn, dự kiến lãi suất niêm yết trên thị trường cho vay năm nay sẽ tiếp tục giảm 20 điểm cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giảm 100 điểm cơ bản. Nếu tăng trưởng tín dụng cho vay suy yếu, thì sẽ có không gian tăng cường mức độ hỗ trợ chính sách.

Chu Hạo, chuyên gia kinh tế cao cấp về thị trường mới nổi của ngân hàng Commerzbank, cho biết, tăng trưởng nửa đầu năm sẽ được quyết định bởi cơ sở hạ tầng và bất động sản, trong nửa cuối năm cần quan tâm đến việc liệu chính phủ có thể nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để tạo điều kiện cho nhu cầu trong nước hay không. 

 Chính phủ cam kết “tăng cường thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng”, đồng nghĩa với việc PBoC sẽ giảm lãi suất nhiều lần. Tuy nhiên mức độ giảm mỗi lần khá nhỏ để đảm bảo sự ổn định. Chuyên gia Chu Hạo dự đoán, lãi suất chính sách kỳ hạn 1 năm sẽ giảm 10 điểm cơ bản vào quý II/2022, và có khả năng giảm nhiều hơn.

Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P, cho rằng ngân sách đối diện với nhiều áp lực. Trong bối cảnh đó, phương án chính phủ sẽ huy động nguồn tiền chưa sử dụng trong một số năm trước là hợp lý và khả thi. Trên thực tế, thâm hụt ngân sách tổng thể vẫn có thể tăng nhẹ. 

Là một biện pháp ứng phó ngắn hạn, đây là cách tiếp cận hợp lý, rất nhiều nước đều thực hiện như vậy, và rất nhiều gia đình cũng hành động như vậy. Trong giai đoạn khó khăn, có thể sử dụng nguồn lực tích lũy của quá khứ, nhưng điều này không thể kéo dài.

Tin mới lên