Tiêu điểm

Giải ngân đầu tư công ở Quảng Bình: Vướng mắc ở… trung ương

(VNF) – Việc giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Bình bị ách tắc có phần do sự chậm trễ của các cơ quan trung ương.

Giải ngân đầu tư công ở Quảng Bình: Vướng mắc ở… trung ương

Một dự án đầu tư công tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chậm trễ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đến hết tháng 8/2020 đạt 49,84%, tăng 7,78% so với cùng kì năm trước.

Trong đó, tỷ lệ giải ngân nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu năm 2020 đạt 61,91%; nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 đạt 49,61%; nguồn ODA năm 2002 đạt 21%; nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2002 đạt 67,48%; nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 đạt 3,4%; nguồn vốn năm 2018-2019 kéo dài sang năm 2020 đạt 63,32%.

Như vậy, việc giải ngân nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu và vốn cân đối ngân sách địa phương thực hiện tốt, dự kiến tỷ lệ giải ngân đạt 100% năm nay. Các nguồn còn lại như ODA, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn năm 2018-2019 chuyển sang năm 2020, vốn dự phòng ngân sách trung ương 2019 thực hiện còn chậm.

Trung ương chậm trả lời, tỉnh loay hoay

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn do khối lượng các hồ sơ xây dựng công trình khởi công mới khá lớn, biên chế cán bộ làm thẩm định tại các sở ngành chuyên môn và cấp huyện lại ít, gây quá tải trong quá trình thẩm định, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án. Một số dự án vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhưng việc xử lí còn chậm, lúng túng.

Về giao vốn, Sở cho biết nguồn vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi theo Quyết định 2085 của Thủ tướng là 9,78 tỷ đồng và nguồn vốn chương trình 135-dự án 02 là 2,26 tỷ đồng (thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững) vẫn chưa thực hiện phân bổ được do đang chờ hướng dẫn của các bộ ngành trung ương.

Cụ thể, theo Quyết định 2085 của Thủ tướng, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ được sử dụng để tiếp tục thực hiện chính sách, kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư theo Quyết định 1342 ngày 25/8/2009 của Thủ tướng. Tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ 11 dự án, đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư 32,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 2008 – 2015 và năm 2020, ngân sách trung ương bố trí vốn cho các dự án là 39,1 tỷ đồng (năm 2020 bố trí 9,78 tỷ đồng), cao hơn tổng mức đầu tư các dự án đã được phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đã báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc đề nghị hướng dẫn thủ tục triển khai đầu tư song tới nay hai cơ quan này vẫn chưa có phản hồi.

Với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia – giảm nghèo bền vững năm 2020, toàn tỉnh có 4 thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã Quy Hóa (huyện Minh Hóa), Mai Hóa, Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã được công nhận hoàn thành Chương trình 135 nên nguồn vốn của 4 thôn này chưa phân bổ.

Mặt khác, theo Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 ngày 10/1/2020, có 2 xã đặc biệt khó khăn là Thạch Hóa và Nam Hóa sáp lại thành xã Thạch Hóa, do vậy tỉnh mới phân bổ vốn cho xã Thạch Hóa, chưa phân bổ vốn của xã Nam Hóa. Ngày 7/2/2020, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay cơ quan này cũng chưa có phản hồi.

Một khó khăn khác được Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình nêu ra là theo quy định, các dự án khởi công mới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia phải hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư mới được giao vốn nên việc giao chi tiết vốn cho các dự án khởi công mới ở các huyện, thị xã, thành phố còn kéo dài (đến tháng 7 mới xong).

Với các Chương trình mục tiêu quốc gia, do năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện 2 chương trình với số vốn đầu tư phát triển chiếm khoảng 40% tổng vốn toàn giai đoạn 2016 – 2020 nên khối lượng hồ sơ xây dựng công trình khởi công mới là rất lớn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao vốn chi tiết cho các dự án khởi công mới.

"Vật vã" với ODA

Với các dự án ODA, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết các dự án phải thực hiện rất nhiều thủ tục theo quy định của hiệp định và sổ tay hướng dẫn của từng dự án, do đó mất rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.

Các bộ chủ quản của các dự án có cơ chế đồng chủ quản thường thông qua kế hoạch hoạt động và ngân sách của dự án muộn (từ giữa tháng 4 – 7 hàng năm) nên các ban quản lý dự án không đủ thời gian thực hiện các thủ tục và giải ngân nguồn vốn. Điều này đã làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Điển hình của tình trạng này là dự án LRAMP (Bộ Giao thông Vận tải) và dự án Ô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đồng chủ quản.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cũng cho rằng thủ tục điều chỉnh thời gian giải ngân tại các bộ ngành trung ương chậm là nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện của các dự án ODA bị chậm trễ.

Ví dụ như dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các bản của những xã điện lưới quốc gia không đến được, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản từ ngày 21/4/2020 gửi Bộ Tài chính về việc gia hạn thời gian giải ngân dự án, tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được phản hồi để làm cơ sở thanh toán và quyết toán, kết thúc dự án. Do đó, thời gian tỉnh phải đề nghị gia hạn giải ngân cho dự án đến 30/9/2020 đến thời điểm hiện nay không còn phù hợp nữa.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, việc thực hiện các thủ tục kí thỏa thuận vay lại của các dự án ODA có cấu phần vay lại kéo dài, làm các dự án đã được giao vốn nước ngoài nhưng không giải ngân được.

Các dự án gặp phải trường hợp này là: dự án hiện đại hóa lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng – giai đoạn 2, dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - dự án thành phần tỉnh Quảng Bình (vay vốn WB).

Đối với dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải – tiểu dự án thành phố Đồng Hới (WB), vấn đề chồng lấn mặt bằng thi công giữa các dự án trong tỉnh xảy ra tại rất nhiều điểm của các giói thầu, việc xử lí gặp nhiều khó khăn. Hầu hết gói thầu đều phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với thực tế thi công. Nhiều việc diễn ra hằng ngày như điều chỉnh một số thiết kế nhỏ nhưng ban quản lý dự án không có thẩm quyền xử lí mà phải trình qua nhiều đơn vị và cấp trên để có phương án. Điều này làm cho ban quản lý dự án thiếu tính chủ động trong việc điều hành, xử lí công việc.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, một số dự án sử dụng các nguồn vốn kéo dài từ năm 2018 – 2019 qua năm 2020 triển khai còn chậm, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (dự án hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến nhánh đông đường Hồ Chí Minh, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và dự án môi trường bền vững thành phố Đồng Hới sử dụng vốn WB bị chồng lấn);

Một số dự án được thông báo bố trí vốn một lần vào cuối năm, sau khi thông báo bố trí vốn các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư mới bắt đầu thực hiện các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư, mất rất nhiều thời gian, đến nay một số dự án vẫn chưa được phê duyệt;

Một số dự án chưa tổ chức đấu thầu nên khó có khả năng giải ngân 100% nguồn vốn này trong tháng 8/2020 theo đúng quy định tại Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ (dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông son đoạn qua xã Sơn Trạch và Hưng Trạch, huyện Bố Trạch và bời sông Phú Vinh đoạn qua phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới; dự án đường cứu hộ cứu nạn từ Quốc lộ 1A đến di tích lịch sử chiến thắng Xuân Bồ kết nối khu du lịch và khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; dự án kè biển Nhân Trạch).

Đáng chú ý, với các dự án sử dụng nguồn vốn từ tiền bồi thường của Công ty Formosa Hà Tĩnh, theo quy định của khoản 2, Điều 3 Quyết định 476 ngày 1/5/2019 của Thủ tướng, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, kiểm tra sự phù hợp của mục tiêu, quy mô, tổng mức vốn, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư, đến nay mới hoàn thành các thủ tục đầu tư. Dự kiến đến hết năm 2020 tỉnh cũng không giải ngân vốn theo tiến độ được Chính phủ quy định tại Quyết định 476 (thời hạn hết năm 2020).

Tin mới lên