Bất động sản

Giảm dân số nội đô: Nhật Bản cho mỗi người 1 triệu yên để rời đi, Hà Nội có làm được không?

(VNF) – Hà Nội có 1,4 triệu dân trong nội đô lịch sử, nếu muốn giảm xuống 800.000 vậy sẽ giảm đi đâu?

Giảm dân số nội đô: Nhật Bản cho mỗi người 1 triệu yên để rời đi, Hà Nội có làm được không?

Cải tạo chung cư cũ vẫn đang là vấn đề nan giải tại Hà Nội và TP. HCM.

Tiếp nối bài viết TS Đào Ngọc Nghiêm: ‘Cải tạo được 1% chung cư cũ đã là thành công’, VietnamFinance xin đưa tiếp quan điểm của vị chuyên gia này trong việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, để cải tạo chung cư cũ, Hà Nội cần nhận diện đầy đủ các vấn đề và phân loại, trên cơ sở đó xác lập trình tự xử lí từng trường hợp khu chung cư.

“Hiện ta có trình tự khung, gồm 5 bước: một là phân loại (theo tiêu chí an toàn), hai lập thẩm định phê duyệt, ba là tìm kiếm chủ đầu tư, bốn là chỉ định xác lập chủ trương, năm là chọn chủ đầu tư thực hiện. Cái này rất chung chung”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cho rằng trình tự đầu tiên phải ở cấp thành phố. “Trước hết là để giảm dân số chung cư, anh phải nhớ thành phố có chủ trương giảm dân số trong nội đô lịch sử, hiện từ 1,4 triệu dân xuống 800.000 dân. Vậy 600.000 dân đó sẽ đi đâu?

“Nhật Bản có chính sách ông nào ra khỏi nội đô thì cho 1 triệu yên. Các nước khác như Trung Quốc cũng có chính sách bù thêm diện tích. Vậy Hà Nội với 5 đô thị vệ tinh sẽ giải quyết được bao nhiêu đây? 1,4 triệu dân, ta có chính sách nào? Chả có chính sách nào cả”, ông Nghiêm thẳng thắn.

Theo ông Nghiêm, để Hà Nội phát triển bền vững, không thể điều chỉnh dân số sau quy hoạch chung được. “Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt vấn đề điều chỉnh tổng dân số mà nên xem lại cơ cấu dân số”.

Ông Nghiêm mong rằng Sở Xây dựng Hà Nội xây dựng được tiêu chí đồng bộ 4 nhận diện đã nêu (ở bài viết trước – PV) để tìm giải pháp cho chung cư chứ không nên can thiệp vào một vấn đề, ví dụ như chung cư hạng D phải được cải tạo trước.

Một vấn đề khác được ông Đào Ngọc Nghiêm nêu lên là việc có nên điều chỉnh diện tích căn hộ chung cư xây mới hay không.

“TP. HCM muốn giảm diện tích căn hộ xuống 25m2, Hà Nội thì đề nghị không có căn dưới 30m2. Tôi cho rằng dùng tiêu chí căn hộ thì rất chung chung. Ta nên sử dụng chỉ tiêu diện tích ở.

“Bởi vì có căn hộ có 2 vợ chồng già thì chỉ có 2 người thôi nhưng căn hộ 2 vợ chồng trẻ thì căn đó sẽ là 4 người. Thế thì phải đăt chỉ tiêu là diện tích sàn ở/người”, ông Nghiêm nêu quan điểm.

Vị Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cũng kiến nghị rằng bên cạnh chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, cần có thêm chính sách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trên toàn địa bàn thành phố và thuận lợi cho người dân tự nguyện ra khỏi chung cư cũ.

Ngoài ra, ông kiến nghị cần thành lập một cơ quan độc lập trực thuộc thành phố Hà Nội để phụ trách cải tạo - xây dựng mới chung cư. “Cơ quan này đa ngành và thuộc thành phố chứ đừng để nó là một phòng của Sở Xây dựng hay 1 ban nào đó”, ông Nghiêm nói.

Cuối cùng, ông Nghiêm cho rằng việc lập quy hoạch chung cư phải thực hiện toàn khu chung cư và phải do cơ quan nhà nước phê duyệt chứ không giao cho nhà đầu tư.

“Ông nhà đầu tư thì phải tính lợi nhuận thế nên ta không lạ khi có đề xuất lấn hồ Thành Công để xây nhà. Cái này phải do nhà nước lập quy hoạch chi tiết. Nhà nước duyệt nhưng nhà nước phải đề xuất biện pháp để cân bằng lợi ích” ông Nghiêm kết luận.

Tin mới lên