Tiêu điểm

Giám đốc Công an Nghệ An muốn xử lý hình sự người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy

(VNF) - Theo quy định hiện hành, hành vi tổ chức và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy do những người nghiện ma túy thực hiện đều không bị xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng quy định này đang "trói tay, trói chân các cơ quan bảo vệ pháp luật, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm sót, lọt tội phạm, phát sinh băng nhóm và gia tăng người nghiện trong lớp trẻ".

Giám đốc Công an Nghệ An muốn xử lý hình sự người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy

Ông Nguyễn Hữu Cầu

Tại hội trường Quốc hội hôm nay (4/11), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu đã phát biểu tình hình tội phạm ma túy.

Theo ông, số lượng ma túy thu được trong các vụ án ngày càng lớn, không phải tính bằng lượng, bằng kilogram như trước đây mà tính bằng tạ và nguy cơ Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy ngày càng hiện hữu.

Điều đáng lo ngại là người nghiện ma túy đang trẻ hóa và gia tăng nhanh; tình trạng ngáo đá và nhiều đối tượng ngáo đá ngày càng nhiều, gây ra các vụ thảm án gây dư luận bức xúc. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhận xét lượng ma túy ở nước ngoài thẩm lậu vào nước ta là rất lớn. Trong khi đó, việc "đánh ma túy từ xa" chưa thực sự hiệu quả; còn có sự chia cắt trong tổ chức lực lượng và địa bàn đấu tranh; nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy ngày càng thu hẹp; lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm còn rất mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy của Việt Nam còn nhiều bất cập, nhất là những bất cập quy định tại điểm a tiết 6.2, điểm b tiết 7.2 mục II Thông tư số 17 năm 2007 của liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp. Theo đó, hành vi tổ chức và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy do những người nghiện ma túy thực hiện đều không bị xử lý bằng hình sự.

Theo ông Cầu, hướng dẫn này là "trái với thực tiễn, làm trói tay, trói chân các cơ quan bảo vệ pháp luật, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm sót, lọt tội phạm, phát sinh băng nhóm và gia tăng người nghiện trong lớp trẻ".

Dẫn trường hợp của tỉnh Nghệ An, ông Cầu cho biết chỉ tính riêng năm 2019, công an tỉnh phát hiện 21 vụ, 73 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy đá và thuốc lắc để mừng ngày sinh nhật trong các vũ trường, quán bar, khách sạn nhưng không bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Để ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm ma túy trong thời gian tới, ông Cầu kiến nghị 4 điều:

Một là Quốc hội chỉ đạo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản liên quan, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với thực tiễn; tăng cường chế tài xử lý nghiêm khắc với tội phạm ma túy, nhất là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong lớp trẻ, các đối tượng ngáo đá.

"Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện phải thông thoáng hơn, dễ dàng hơn, coi cai nghiện tập trung vẫn là ưu tiên hàng đầu, đồng thời bổ sung kinh phí ngân sách đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh".

Hai là Chính phủ cần tổng kết chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020 và ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy trong giai đoạn tiếp theo; nghiên cứu, tổ chức lại lực lượng đấu tranh phòng, chống ma túy theo hướng giao cho Bộ Công an đấu tranh phòng, chống ma túy từ xa, từ trên biên giới, bên kia biên giới và trong nội địa, đảm bảo không chia cắt địa bàn và lực lượng đấu tranh.

Ba là các cơ quan tư pháp trung ương cần nhanh chóng ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 07 năm 2017 và Thông tư số 08 năm 2015; theo sát tình hình bức xúc nổi lên của từng loại tội phạm, từ đó phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương để hướng dẫn các cơ quan cấp dưới đấu tranh mạnh tay với các tội phạm mới nổi lên để ổn định tình hình trong từng thời điểm cụ thể.

Bốn là Bộ Công an tổ chức lại lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy theo hướng ở các tỉnh, các huyện trọng điểm về ma túy phải thành lập Đội cảnh sát phòng chống ma túy;

Tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách đặc thù và ưu tiên nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác phòng, chống ma túy. Có chính sách động viên, hỗ trợ người có công, người bị thương, người bị phơi nhiễm HIV và thân nhân cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

"Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ này, từ năm 2016 đến nay đã có 45 đồng chí hy sinh, hơn 365 đồng chí bị phơi nhiễm HIV, 1314 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trong đó, nhiều đồng chí bị thương, di tật, di chứng để lại suốt đời và hết sức nặng nề", ông Cầu cho biết.

Tin mới lên