Tài chính quốc tế

Giám đốc IMF: Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ‘đang chậm đi đáng kể’

(VNF) - Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này đang chậm lại.

Giám đốc IMF: Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ‘đang chậm đi đáng kể’

Giám đốc IMF đưa ra nhận định đáng chú ý về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong cuộc họp với Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Người đứng đầu tổ chức tiền tệ quốc tế có trụ sở tại Washington đã có một cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để thảo luận về các chủ đề từ lạm phát đến phục hồi sau đại dịch, theo một tuyên bố của IMF.

Trong cuộc họp, bà Georgieva đưa ra những nhận định về những thách thức của nền kinh tế thế giới trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và những lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc trong thời gian tới.

Giám đốc IMF cũng đưa ra nhận định đáng chú ý về sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Theo bà Georgieva, Trung Quốc đã đạt được sự phục hồi thực sự đáng chú ý, nhưng đà tăng trưởng đang chậm lại đáng kể.

"Vì Trung Quốc là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, nên thực hiện các hành động mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng chất lượng cao sẽ hỗ trợ cho cả Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung”, bà Georgieva nói.

Vào tháng 10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc do chi tiêu công đang giảm nhanh, dự đoán tăng 8% trong năm nay và tăng 5,6% vào năm 2022.

Trong khi con số năm 2021 là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của Bắc Kinh kể từ năm 2011, các nhà phân tích cũng đang cảnh báo Trung Quốc phải đối mặt với sự suy yếu “khủng khiếp” từ ngành bất động sản và những cú sốc từ tình trạng thiếu hụt và giá than tăng cao.

“Hỗ trợ sự phục hồi toàn cầu sẽ là một nhiệm vụ chung mà chúng ta cần giải quyết cùng nhau”, Giám đốc điều hành IMF với thủ tướng Lý Khắc Cường.

Đồng thời, bà Georgieva cũng nói rõ 4 lĩnh vực hợp tác toàn cầu với Trung Quốc, bao gồm việc tiêm chủng vaccine Covid-19, giảm căng thẳng thương mại, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang không phát thải carbon ròng và gói phân bổ quyền rút vốn đặc biệt (SRD) trị giá 650 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia phục hồi hậu đại dịch.

Cụ thể, bà Georgieva cho rằng Bắc Kinh đã có "những đóng góp quan trọng" trong việc mở rộng khả năng tiếp cận vắc-xin để thế giới có thể đạt được mục tiêu của IMF là mỗi quốc gia có 40% dân số được tiêm vắc-xin vào cuối năm nay và 70% dân số được tiêm vào giữa năm 2022.

Nói về cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, bà Georgieva nói rằng các nước cần "hợp tác để giảm căng thẳng thương mại và củng cố hệ thống thương mại đa phương, vốn là động lực chính cho tăng trưởng và việc làm".

IMF hiện cũng thúc đẩy nhóm G-20 gồm các quốc gia giàu nhất thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, gia hạn và cải thiện sáng kiến xóa nợ, do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà không có sự trợ giúp.

Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI) của G-20 sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Georgieva cho biết bà "hoan nghênh việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc” về khuôn khổ chung của G-20 nhằm tiếp tục một số biện pháp cứu trợ.

Xem thêm >> IMF cảnh báo rủi ro tiềm ẩn, giá Bitcoin lao dốc

Tin mới lên