Ngân hàng

Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc không ảnh hưởng lớn đến các tổ chức tín dụng

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước vừa giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ có ảnh hưởng không đáng kể tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng sẽ giảm áp lực chi cho ngân sách nhà nước.

Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc không ảnh hưởng lớn đến các tổ chức tín dụng

Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Hiện, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất trước. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND duy trì 0%/năm. Lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 0,2% xuống 0,8%/năm.

Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước giảm 0,2% xuống còn 0,8%/năm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... (giúp giảm chi phí đi vay của ngân hàng thương mại, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường). Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại không phải là động thái thể hiện nới lỏng thêm tiền tệ.

Theo BVSC, các quyết định này nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm chi phí hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước. Điều này đồng nghĩa thu nhập của các ngân hàng thương mại từ tiền gửi dự trữ bắt buộc gửi tại Ngân hàng Nhà nước theo đó sẽ bị giảm theo.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.

Theo ước tính sơ bộ của KBSV, mức tác động của việc giảm lãi suất này tới tổng hệ thống ngân hàng là vào khoảng 600 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng thương mại nhà nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khoảng trên dưới 60 tỷ đồng/ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc có ý nghĩa đối với việc giảm gánh nặng trả lãi suất cho ngân sách nhà nước, bởi bên phải trả lãi suất cho lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc là Ngân hàng Nhà nước và đây là tiền ngân sách nhà nước.

“Việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc giúp ngân sách giảm 1 phần chi phí trong bối cảnh bội chi ngân sách năm nay dự kiến ở mức cao do các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ dưới tác động của Covid-19  như các gói giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ…”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là phù hợp trong bối cảnh ngân hàng đang cho vay ra ít, trong khi lượng tiền gửi lớn.

Theo Ngân hàng Nhà nước thì việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc nằm trong định hướng giảm lãi suất điều hành nhằm phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay. Việc này sẽ tác động giảm các loại lãi suất khác trên thị trường.

Tin mới lên