Thị trường

‘Giảm thuế nhập khẩu ngô xuống 0% sẽ ảnh hưởng dư địa đàm phán các FTA mới’

(VNF) - Thay cho phương án giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (thuế suất MFN) của mặt hàng ngô xuống 3% như trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng này xuống 2%.

‘Giảm thuế nhập khẩu ngô xuống 0% sẽ ảnh hưởng dư địa đàm phán các FTA mới’

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó một số nội dung đáng chú ý là điều chỉnh mức thuế nhập khẩu MFN nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (mặt hàng lúa mỳ và ngô) và mặt hàng thịt lợn.

Đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN ngô xuống 2% thay vì 3% như trước đó

Theo Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá ngô hạt tăng 35%, khô dầu đậu tương tăng 35,5%, cám mì tăng 32,8%. Giá nguyên liệu tăng đẩy giá thức ăn thành phẩm tăng từ 12-14% tùy loại.

Ngoài ra, đa số doanh nghiệp phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nên giá nguyên liệu nhập khẩu tăng đã tác động trực tiếp tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ và gặp nhiều khó khăn.

Bộ Tài chính cho biết nhiều chuyên gia đánh giá trong thời gian tới, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục ở mức cao do tình hình thời tiết bất lợi ở nhiều quốc gia, sản lượng thu hoạch các mặt hàng như ngô, lúa mỳ trên thế giới giảm nhưng nhu cầu tiêu dùng lại có xu hướng tăng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã dự kiến giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ dùng làm thức ăn chăn nuôi (mã HS 1001.99.99) từ 3% xuống 0%, giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô (mã HS 1005.90.90) từ 5% xuống 3%.

Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố cơ bản nhất trí giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN như trên, duy chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô và lúa mì xuống 0%. Ủy ban Ngũ cốc Mỹ và Đại sứ quán Mỹ cũng liên tục có ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN toàn bộ nhóm ngô và lúa mì các loại xuống 0%, không phân biệt loại lúa mì dùng cho người và làm thức ăn.

Về phía Bộ Tài chính, bộ này cho rằng nếu giảm thuế nhập khẩu MFN đối với ngô xuống 0% sẽ dẫn đến mức thuế suất nhập khẩu MFN của mặt hàng này thấp hơn mức thuế suất quy định tại Hiệp định CPTPP (1%) và Hiệp định EVFTA (năm 2021 là 3,3% và năm 2022 chỉ còn 2,5%), ảnh hưởng đến dư địa đàm phán các FTA mới trong thời gian tới.

Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng dù sản lượng trồng các mặt hàng này ở trong nước là khá thấp, chỉ để phục vụ làm thức ăn cho người nhưng cũng cần có mức thuế nhất định để hỗ trợ người trồng ngô trong nước. Bên cạnh đó, việc giảm thuế suất theo phương án này cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính.

Thay cho phương án giảm tối đa 3% mức thuế suất thuế nhập khẩu như trước đó đã xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ mức thuế suất này từ 5% xuống 2%.

Cùng với đó, trên cơ sở ý kiến tham giá của các đơn vị, bộ cũng đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mì các loại (bao gồm loại dùng để làm giống, loại dùng làm thức ăn cho người, loại dùng làm thức ăn chăn nuôi) xuống 0%.

Bộ Tài chính cho biết khi thực hiện theo phương án này thì số ngân sách nhà nước dự kiến giảm khoảng 1.601 tỷ đồng/năm đối với mặt hàng ngô và giảm khoảng 219,5 tỷ đồng/năm đối với mặt hàng lúa mì.

Đề xuất chỉ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với nhóm thịt lợn đông lạnh

Về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng thịt lợn, trong 3 nhóm là thịt lợn tươi/ướp lạnh, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn và nhóm thịt lợn đông lạnh thì Bộ Tài chính đề xuất không điều chỉnh cho 2 nhóm đầu.

Riêng nhóm thịt lợn đông lạnh, trên cơ sở cân nhắc các mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm tạm thời mức thuế nhập khẩu MFN mặt hàng thịt lợn đông lạnh (mã HS 0203.21.00; 0203.22.00; 0203.29.00) từ mức 15% xuống 10%.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện theo phương án này dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 77 tỷ đồng/năm tính theo thu nhập chịu thuế MFN, nhưng bản chất sẽ tăng thu do việc chuyển dịch thương mại sang các nước khác như Mỹ thay cho việc chỉ nhập tại các nước có cam kết FTA thấp. Đồng thời, việc giảm thuế sẽ góp phần bình ổn giá thịt lợn trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.

Tin mới lên