Diễn đàn VNF

‘Giao Chính phủ quyết danh mục đầu tư công trung hạn là ngược quy trình, ngược thẩm quyền’

(VNF) – Đây là đánh giá của đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) trong phiên thảo luận sáng 28/5 về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

‘Giao Chính phủ quyết danh mục đầu tư công trung hạn là ngược quy trình, ngược thẩm quyền’

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Bài phát biểu của bà Vũ Thị Lưu Mai được đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đánh giá là “phát biểu sâu sắc nhất của buổi sáng nay”.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng Quốc hội phải nắm quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vì 5 lý do.

Thứ nhất, việc quyết định danh mục thể hiện quyền của đại biểu Quốc hội và đó cũng là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân.

“Tôi xin phép không nhìn đó là thẩm quyền mà là trách nhiệm. Trách nhiệm hiến định được quy định tại Điều 69, Điều 70 của Hiến pháp”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, quyết định danh mục là vấn đề rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng chi ngân sách nhà nước là 8 triệu tỷ đồng, riêng đầu tư phát triển chiếm 2 triệu tỷ đồng, bằng 25%.

“Việc quyết định danh mục cũng đồng nghĩa với việc quyết định phân bổ 2 triệu tỷ. Trong tương lai, con số này có thể lớn hơn. Đây là tiền thuế của nhân dân là một khoản vốn rất lớn. Với vị trí là người đại diện cho nhân dân, Quốc hội không thể không thể không xem xét nội dung này”, bà Mai nhấn mạnh.

Thứ hai, bà Mai nhận định việc Quốc hội quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến hợp pháp. Tại Điều 70 Hiến pháp đã quy định rất rõ quyết định dự toán ngân sách và Điều 19 của Luật Ngân sách cũng quy định tương tự.

“Xét về bản chất, kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục kèm theo chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn, dự toán chi đầu tư phát triển. Nếu giao Chính phủ quyết định danh mục đầu tư công trung hạn đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này không phù hợp với Hiến pháp, ngược về quy trình, ngược về thẩm quyền, dẫn đến một nghịch lý đó là Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm”, bà nói.

Bà Mai cũng cho rằng việc trình Quốc hội danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giúp bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. Bản thân các đại biểu Quốc hội cũng có thể trực tiếp tham gia ý kiến và phương án phân bổ cho chính địa phương mình. Đó là quyền của đại biểu Quốc hội.

Nêu quan điểm nếu Quốc hội không quyết định danh mục thì đó sẽ là một bước lùi trong phân bổ ngân sách, bà Mai dẫn chứng: trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho các dự án, về cơ bản được thực hiện bởi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này thể hiện bằng các Nghị quyết 881, 726, 736, 26, 71 và bây giờ chúng ta cũng không nên tạo ra một tiền lệ khác.

Ngoài ra, bà cho rằng xét về mặt logic, Quốc hội sẽ không thể thông qua tổng mức đầu tư nếu như không biết rằng nguồn tiền rất lớn đó được phân bổ cho mục tiêu nào, cho dự án cụ thể nào. Chính vì vậy, việc trình danh mục là căn cứ để Quốc hội xem xét quyết định tổng mức đầu tư.

Trả lời cho câu hỏi Quốc hội quyết định danh mục có làm giảm đi tính linh hoạt trong điều hành hay không, bà Mai lưu ý danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không phải danh mục cứng mà hoàn toàn có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.

Cụ thể, Điều 75 Luật Đầu tư công hiện hành có quy định rất rõ các trường hợp được điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong những trường hợp cần thiết.

“Trên thực tế, 4 năm qua Chính phủ nhiều lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Như vậy, không có việc chúng ta không có căn cứ để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn”, bà cho hay.

Vị đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội cũng dẫn chứng rằng 4 năm qua, kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư công, các cơ quan của Quốc hội đã nhiều lần phải gửi văn bản đôn đốc các cơ quan của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ. Riêng Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã không dưới 7 lần gửi văn bản tới các cơ quan của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ.

“Nói về nguyên nhân việc giải ngân chậm, một số dự án chậm tiến độ. tôi nhận thấy nguyên nhân chính là do tổ chức thực hiện, do triển khai giải phóng mặt bằng chậm, do năng lực nhà thầu còn hạn chế.

“Đến chiều hôm qua chúng tôi kiểm tra lại thông tin và đến giờ phút này nhiều địa phương vốn kế hoạch năm 2019 chưa được giao. Nên lý do chậm tiến độ không nằm ở cơ quan lập pháp.

“Một lý do khác là việc trình Quốc hội có làm tốn giấy mực không? Ở trong Báo cáo 213 Chính phủ có nêu việc trình Quốc hội sẽ kèm theo rất nhiều phụ biểu gây tốn kém, lãng phí. Chúng tôi nghĩ rằng đó không phải là lý do. Trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử thì mọi tài liệu đều có thể biến từ bản giấy thành file điện tử”, bà Mai lập luận.

Bà Mai cũng dẫn kinh nghiệm quốc tế để nhấn mạnh đối với những quốc gia có kế hoạch trung hạn về căn bản đều là Quốc hội xem xét quyết định danh mục.

“Xem xét quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề quan trọng, thể hiện quyền và trách nhiệm của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Một Quốc hội hoạt động thực chất phải quyết định những vấn đề thiết thực, gắn liền với ngân sách nhà nước”, bà nói.

Tin mới lên