Thị trường

Giao dịch hàng hóa phải thanh toán không dùng tiền mặt: Doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó

Cơ quan thuế đề xuất bắt buộc các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.

Giao dịch hàng hóa phải thanh toán không dùng tiền mặt: Doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó

Hiện các doanh nghiệp đều chọn thanh toán không tiền mặt, tuy nhiên chỉ nên khuyến khích chứ không bắt buộc. 

Nhiều ý kiến lo ngại tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trước thông tin Cục Thuế TP. HCM kiến nghị các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế cho biết việc thanh toán của các doanh nghiệp hiện nay hầu hết được áp dụng qua hệ thống ngân hàng, các hình thức thanh toán cũng dễ dàng và đa dạng hơn. Tuy nhiên, quy định bắt buộc không thanh toán bằng tiền mặt sẽ quá cứng nhắc vô tình gây khó cho doanh nghiệp, vì có những giao dịch vẫn phải dùng tiền mặt do phía đối tác chứ không phải do doanh nghiệp.

Ông Xoa lấy ví dụ như mua hàng hoá của tiểu thương cũng nhiều người không có tài khoản ngân hàng, mua hàng của nông dân… Hay trường hợp công ty có những giao dịch với nhỏ lẻ ở những tỉnh thành xa, thanh toán điện tử chưa phổ biến, mạng lưới ngân hàng ít... sẽ gặp khó khăn.

Theo ông Xoa, trước đây, Bộ Tài chính cũng từng đề xuất giảm mức thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu xuống 10 triệu nhưng rồi cũng không thực hiện được.

“Hơn nữa, nên khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt thay vì bắt buộc sẽ phát sinh hình thức đối phó. Từ ngày 1/7/2022 quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử nên nếu muốn kiểm soát dòng tiền và doanh thu của doanh nghiệp, cơ quan thuế cần giám sát qua việc phát hành hóa đơn đúng quy định là được. Muốn đẩy mạnh việc thanh toán qua ngân hàng, theo tôi phải giảm phí, cho khấu trừ một số chi phí hợp lý từ các hóa đơn”, ông Xoa nói.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc công ty thực phẩm tại TP. HCM cho rằng bản thân doanh nghiệp của ông và nhiều doanh nghiệp hiện nay đều thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng. Vì vậy, công ty hoàn toàn ủng hộ việc khuyến khích không dùng tiền mặt vì có rất nhiều rủi ro.

Tuy nhiên ông Tùng cho rằng không nên bắt buộc bằng quy định hành chính. Như công ty, hầu hết các giao dịch đều chuyển khoản nhưng vẫn có nhiều giao dịch nhỏ lẻ mua nguyên phụ liệu các cửa hàng nhỏ lẻ,  ngoài chợ hay nông dân vài triệu đồng, vài chục triệu đồng, thậm chí cao hơn. Doanh nghiệp muốn thanh toán qua ngân hàng nhưng người bán lại không đồng ý và đưa ra nhiều lý do để chỉ nhận tiền mặt. Trong trường hợp tránh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp buộc phải dùng tiền mặt.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng cần có lộ trình áp dụng vào triển khai ở tại những khu vực có hạ tầng công nghệ thanh toán đồng bộ vì nhiều tỉnh thành, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhỏ nên giữ quy định như hiện nay chứ không thể bắt buộc không thanh toán tiền mặt sẽ gây khó khăn.

"Theo tôi, bản thân các doanh nghiệp hiện nay đều chọn thanh toán qua ngân hàng, vì vậy quy định vẫn nên khuyến khích chứ không thể bắt buộc vì hạ tầng về công nghệ thanh toán nước ta chưa đồng bộ", ông Thịnh nói.

Tin mới lên