Bất động sản

Giao thông tuần qua: 25 'siêu dự án' đường bộ ưu tiên trong 5 năm tới, Đèo Cả sắp phát hành trái phiếu

(VNF) - Hé lộ danh mục 25 dự án đường bộ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025; room tín dụng giao thông hẹp dần, Đèo Cả muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn; hủy giấy phép kinh doanh hàng không của Globaltrans Air... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: 25 'siêu dự án' đường bộ ưu tiên trong 5 năm tới, Đèo Cả sắp phát hành trái phiếu

Hé lộ danh mục 25 dự án đường bộ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng: "Quy hoạch đường bộ và cảng biển phải giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế"

Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi họp Thường trực Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để sớm phê duyệt 5 bộ quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải (GTVT) nói chung, quy hoạch mạng lưới đường bộ, hệ thống cảng biển nói riêng, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng các quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ; cập nhật các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết về đầu tư công để bảo đảm tính khả thi về bố trí nguồn lực.

Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, có tính kế thừa, có đổi mới và có tính liên thông, liên kết và bổ sung cho nhau về các loại hình giao thông để sao cho tiết kiệm, hiệu quả; quy hoạch có tính chiến lược và phân kỳ đầu tư, tập trung giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện các quy hoạch trên quan điểm phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu, cân đối hài hòa giữa các phương thức vận tải, xác định rõ phương thức vận tải trung tâm để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, trên cơ sở bảo đảm tính đồng bộ, kết nối liên thông trong từng phương thức vận tải, cũng như trong hệ thống các phương thức vận tải. (Xem thêm)

Hủy giấy phép kinh doanh hàng không của Globaltrans Air

Bộ GTVT vừa quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung số 1/2018/GP-BGTVT ngày 17/4/2018 cấp cho của Công ty Cổ phần dịch vụ Globaltrans Air.

Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp này có trách nhiệm giải quyết các hợp đồng vận chuyển, các nghĩa vụ về tài chính liên quan kinh doanh hàng không chung theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Cổ phần dịch vụ Globaltrans Air do đã quá hạn cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC). Do vậy, từ khi được cấp phép đến nay, Globaltrans Air chưa có hoạt động bay.

Theo quy định của Nghị định 89/2019/NĐ-CP về kinh doanh hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung sẽ bị hủy bỏ nếu không được cấp AOC trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thông báo đến Globaltrans Air về việc giấy phép bị hủy bỏ trong trường hợp công ty không được cấp AOC theo quy định. Tuy nhiên, Cục đã không nhận được phản hồi của Globaltrans Air liên quan đến việc cấp AOC. (Xem thêm)

Công ty cầu 75 đang "gánh" Cienco 8 thế nào?

Sau 7 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, doanh thu công ty mẹ - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) giảm sâu. Ở chiều ngược lại, công ty con - Công ty Cổ phần xây dựng cầu 75 (gọi tắt là Công ty cầu 75) liên tục tăng vốn điều lệ và báo lãi.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện Cienco 8 đang nắm giữ cả chục công ty thành viên, nhưng đa phần các đơn vị này đều chìm trong khó khăn với mức doanh thu không đáng kể.

Chỉ duy có Công ty cầu 75 vẫn ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng, tăng vốn điều lệ và liên tục báo lãi. Thậm chí, mức lãi của công ty con - Cầu 75 còn cao gấp 4 lần mức lãi Công ty mẹ trong năm 2019.

Cụ thể, doanh thu năm 2016 của Cienco 8 đạt 1.392 tỷ đồng và liên tiếp sụt giảm ở các năm tiếp theo, đỉnh điểm nhất đến năm 2019, doanh thu Cienco 8 lao dốc chỉ còn 188,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Cienco 8 giảm còn một nửa khi năm 2016 đơn vị báo lãi 8,4 tỷ đồng, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 4 tỷ đồng; Tổng tài sản Cienco 8 cũng giảm từ 1.744 tỷ đồng năm 2016 xuống còn 1.407 tỷ đồng năm 2019.

Trái ngược với bức tranh bết bát từ Cienco 8, Công ty cầu 75 lại có kết quả kinh doanh ổn định với doanh thu năm 2016 đạt trên 550 tỷ đồng; đến năm 2017 đạt 583 tỷ đồng, năm 2018 giảm còn 398,3 tỷ đồng và năm 2019 đạt 464,5 tỷ đồng. 

Dù doanh thu không tăng, nhưng báo cáo tài chính của Công ty cầu 75 lại cho thấy đơn vị này liên tiếp báo lãi lớn. Ví dụ, năm 2016, đơn vị lãi 3,9 tỷ đồng, đến năm 2017, mức lãi đạt 5,3 tỷ đồng (đây cũng là năm đạt mức doanh thu cao nhất). Đến năm 2018 (dù mức doanh thu thấp nhất trong 4 năm) nhưng Công ty vẫn lãi 8,3 tỷ đồng. Năm 2019, cầu 75 công bố mức lãi 15,5 tỷ đồng. (Xem thêm)

Hé lộ danh mục 25 dự án đường bộ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025

Danh mục dự án đường bộ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 có 25 công trình, gồm: 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông; vành đai 3 TP.HCM; vành đai 4 Hà Nội; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng – Trần Đề; An Hữu – Cao Lãnh; Chơn Thành – Đức Hòa; Mỹ An – Cao Lãnh; Cao Lãnh – Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Buôn Ma Thuột – Vân Phong; Biên Hòa – Vũng Tàu;

Bên cạnh đó là các dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; Tp.HCM – Chơn Thành; Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc; cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn; Chợ Mới – Bắc Cạn; nối Tp. Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Hòa Bình –Mộc Châu; Đồng Đăng – Trà Lĩnh; vành đai 4 Tp.HCM; vành đai 5 Hà Nội; Bảo Lộc – Liên Khương; Vinh – Thanh Thủy; Mộc Châu – Sơn La; Phú Thọ - Chợ Bến và Hà Tiên – Rạch Giá.

Bộ GTVT xác định sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thút hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn.

Bên cạnh các nguồn vốn truyền thống như: PPP, ODA, ngân sách, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằngnguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác; các địa phương nghiên cứu, triển khai quy hoạch chi tiết và cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ. (Xem thêm)

ACV muốn khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 10

Trao đổi với VietnamFinance, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết hiện tại, công tác kiểm đếm tài sản trên 16,5ha đất để triển khai xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành.

Nếu được bàn giao sớm, ACV cho biết sẽ khởi công dự án trong tháng 10/2021 và dự kiến toàn thành quý III/2023. Hiện tại ACV đã báo cáo Bộ GTVT về lộ trình thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, ACV đã thực hiện đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật và hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi vào cuối tháng 12/2020, hoàn thành thiết kế kỹ thuật trong quý I/2021 và dự kiến khởi công vào quý III/2021.

Lãnh đạo ACV cũng cho biết sau 12 tháng thực hiện chuẩn bị đầu tư, ACV sẽ triển khai bước đầu tư xây dựng và hoàn tất sau 24 tháng và mất 1 tháng tiếp theo sẽ dành cho công tác xin cấp phép hoạt động. Nếu đúng theo tiến độ mà ACV đưa ra thì thời gian hoàn tất dự án rơi vào khoảng quý III/2023. 

Để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, ACV đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và UBND TP. HCM và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất dành cho Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 từ đất quốc phòng sang đất giao thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (Xem thêm)

Room tín dụng giao thông hẹp dần, Đèo Cả muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn

Theo ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, hiện tại room vốn dành cho các dự án BOT, PPP giao thông đang bị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thắt chặt. Vì thế, Đèo Cả dự kiến sẽ phát trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng trong tháng 9 và tháng 10/2021.

"Trước đây, chúng tôi chú trọng và phụ thuộc nguồn vốn tín dụng là chủ yếu, nhưng do room tín dụng về ngành hạ tầng giao thông ngày càng hạn chế, ngân hàng siết cho vay dự án BOT. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để triển khai phương án phát hành cho các dự án BOT, PPP", ông Thế nói.

Lãnh đạo Đèo Cả nhận định trong năm 2020 và năm 2021, thị trường TPDN phát triển sôi động, thậm chí còn hơn cả thị trường cổ phiếu và đã đáp ứng tốt nhu cầu khả năng của doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dự kiến ngay trong tháng 9, 10/2021, Đèo Cả sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện một số dự án vừa trúng thầu: dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, một dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng khoảng 7.500 tỷ đồng, dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh 12.000 tỷ... (Xem thêm)

Tin mới lên