Bất động sản

Giao thông tuần qua: Bộ GTVT báo cáo gì về Cát Linh - Hà Đông và 5 dự án chậm tiến độ, đội vốn

(VNF) - Bộ trưởng Giao thông Vận tải báo cáo Quốc hội về dự án Cát Linh - Hà Đông; hơn 12.000 tỷ làm cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,5km... là những tin tức giao thông đáng chú ý tuần qua.

Giao thông tuần qua: Bộ GTVT báo cáo gì về Cát Linh - Hà Đông và 5 dự án chậm tiến độ, đội vốn

Trong 15 dự án đang triển khai thi công thì có 6 dự án bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Vì sao Cát Linh - Hà Đông cùng 5 dự án giao thông trọng điểm khác chậm tiến độ, đội vốn?

Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV về lĩnh vực giao thông vật tải (GTVT).

Trong báo cáo này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết danh mục dự án trọng điểm ngành GTVT đến nay gồm 50 dự án. Trong số đó, Bộ đã đưa vào khai thác 24 dự án; 15 dự án đang triển khai thi công và 11 dự án đang chuẩn bị các thủ tục triển khai.

Cũng theo báo cáo này, trong 15 dự án đang triển khai thi công, có 6 dự án bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, gồm 1 dự án đường bộ và 5 dự án đường sắt đô thị. Cụ thể, dự án đường bộ là đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; 5 dự án đường sắt độ thị là Nhổn – ga Hà Nội, Bến Thành – Suối Tiên, Bến Thành – Tham Lương, Cát Linh – Hà Đông và Yên Viên – Ngọc Hồi.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thực hiện. Tính đến đầu tháng 10/2020, sản lượng dự án đạt 78,19% (chậm 17,2%).

Tiến độ thực hiện chậm nằm ở các gói thầu sử dụng vốn ADB phía tây và các gói thầu sử dụng vốn JICA yêu cầu hoàn thành trước quý II/2019; các gói thầu ADB phía đông yêu cầu hoàn thành trước 31/12/2020. Từ đầu năm 2020, các gói thầu tạm dừng thi công, hiện có một số gói đã bắt đầu thi công trở lại (gói A5, A6, A7), sản lượng dự án ước đạt 78,60%.

Hiện nay, các vướng mắc của dự án đã cơ bản được giải quyết, các vướng mắc về mặt bằng và về vốn đang được tiếp tục giải quyết. Bộ GTVT đã có báo cáo, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc về vốn đối ứng, vốn nước ngoài và giao vốn cho dự án để thực hiện.

Với dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên do UBND TP. HCM làm chủ đầu tư, sản lượng dự án ước đạt 76,3%. Một số thủ tục về vốn, cơ chế tài chính và hiệp định vay của dự án đang được UBND TP. HCM làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết.

Với dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương do UBND TP. HCM làm chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành 1/8 gói thầu; các gói thầu còn lại đang thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu. Một số thủ tục về cơ chế tài chính, khoản vay của Ngân hàng KfW của dự án đang được UBND TP. HCM làm việc với Bộ Tài chính để giải quyết.

Với dự dán đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, dự án có 9 gói thầu chính xây lắp và thiết bị. Sản lượng thực hiện đạt 64,27%, riêng đoạn trên cao đạt 79,09%. Một số vướng mắc chính của dự án mà chủ đầu tư đang giải quyết bao gồm vướng mắc mặt bằng tại các ga S5, S7, ga ngầm S10; làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về thủ tục vay lại khoản vay bổ sung 20 triệu EURO.

Với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự án đã cơ bản hoàn thành, đang được các bên hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến thiết bị khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán...

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo giải quyết vướng mắc, khắc phục các tồn tại và hoàn thiện các hạng mục còn lại. Khó khăn chính hiện nay là công tác huy động nhân sự là các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống để nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành khai thác.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị cấp có thẩm quyền của Pháp hỗ trợ, tháo gỡ để các chuyên gia tư vấn sớm sang Việt Nam thực hiện dự án.

Với dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hiện Bộ này đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển đường sắt khu vực TP. Hà Nội, phương án tổng thể triển khai dự án, đề xuất cơ quan chủ quản đầu tư, xử lý Hiệp định vay VN12-P4. (Xem thêm)

Trình Thủ tướng duyệt dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 23.700 tỷ trong tháng 10

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển hạ tầng giao thông địa phương này.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh có dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được quy hoạch đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài khoảng 76km.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 23.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Trong đó, mức đầu tư của đoạn tuyến thuộc tỉnh Đồng Nai gần 13.000 tỷ đồng. Mức đầu tư của đoạn tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 10.700 tỷ đồng.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tách đoạn tuyến từ nút giao Vũng Vằn (TP. Bà Rịa) đến nút giao đường ven biển (TP. Vũng Tàu) ra khỏi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phạm vi dự án nghiên cứu hiện nay có chiều dài khoảng 68,6km (gồm gần 60km đường cao tốc từ Biên Hòa đến Vũng Vằn và 8,8 km đường nhánh nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải).

Đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ GTVT đồng thuận đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương án chỉ đầu tư đường cao tốc từ Biên Hòa đến Vũng Vằn (dài 59,8km), tách đoạn tuyến nhánh nối vào Cái Mép - Thị Vải ra khỏi dự án.

Đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sẽ chủ động đầu tư nâng cấp tuyến đường Hội Bài - Châu Pha - 991B nối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến cảng Cái Mép - Thị Vải và trung tâm logistic Cái Mép Hạ, với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng đưa dự án vào danh mục các dự án đầu tư công trung hạn vốn Trung ương giai đoạn 2021 – 2025.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối các khu kinh tế với cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn  Thể chỉ đạo Vụ Đối tác công tư, Ban Quản lý dự án 85 cùng địa phương rà soát lại dự án, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt phương án nào khả thi, trong đó có cả việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thì thời gian thu hồi vốn sẽ thực hiện trong bao nhiêu năm.

“Sau khi thống nhất được phương án khả thi, địa phương và Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu để Thủ tướng Chính phủ có thể phê duyệt dự án trong thời gian sớm nhất, phấn đấu trong tháng 10/2020”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. (Xem thêm)

Thủ tướng lại giục Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thu phí điện tử không dừng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Chỉ thị nêu rõ việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, có phương án đầu tư hệ thống thu phí bảo đảm liên thông đồng bộ, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư xây dựng đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương có phương án đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, bảo đảm liên thông đồng bộ trong toàn hệ thống thu phí điện tử không dừng, không để kéo dài hoạt động thu phí thủ công, một dừng như hiện nay.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gắn thẻ thu phí điện tử không dừng (thẻ đầu cuối) khi kiểm định phương tiện ô tô… (Xem thêm)

4.800 tỷ đồng xây 7km đường kết nối sân bay Long Thành

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), hai tuyến đường kết nối bao gồm tuyến đường số một nối từ quốc lộ 51 vào đến sân bay Long Thành và tuyến số hai bắt đầu từ đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối trực tiếp vào tuyến số 1 (song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).

Trong đó, tuyến số một với quy mô 8 làn xe chính và 6 làn đô thị song hành, rộng 85-120m. Đây sẽ là đường chính để ra vào thi công giai đoạn đầu của dự án sân bay Long Thành.

Tuyến số hai quy mô 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường này kết nối tuyến một với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành sẽ có hai tuyến đường kết nối được đầu tư, với chi phí dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, hai tuyến đường này cũng sẽ đảm bảo các hoạt động giao thông tại sân bay.

Để xây dựng hai tuyến đường này, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ phải thực hiện thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích khoảng 136ha. Hiện nay, tỉnh đã chủ động thực hiện việc cắm mốc ranh giới, đưa vào kế hoạch sử dụng đất đối với 2 tuyến đường này.

Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất thu hồi để xây dựng hai tuyến đường kết nối do Chính phủ chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành nên việc thu hồi đất chưa thể triển khai thực hiện. (Xem thêm)

Hơn 12.000 tỷ làm cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,5km

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương nằm trọn trong địa phận tỉnh Lâm Đồng, với chiều dài 73,5km. Điểm đầu dự án nằm tại Km126+360, giao cắt với Quốc lộ 55 (Km237), thuộc địa phận phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc. Điểm cuối dự án nằm tại Km199+717 giao với tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó giai đoạn 1, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, không có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80km/h. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ đầu tư để đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương vào khoảng 12.104 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, trong đó chi phí xây dựng khoảng 7.600 tỷ đồng.

Trong trường hợp được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, dự án sẽ được khởi công vào quý I/2022 và hoàn thành vào năm 2025. (Xem thêm)

Thông xe cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hơn 5.300 tỷ đồng

Sáng 11/10, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức kễ khánh thành dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP. Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện đơn vị chủ đầu tư cho biết dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản ( JICA) là 4.525 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam 817 tỷ đồng.

Công trình có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/h.

Trong thời gian đưa vào khai thác, sử dụng, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục triển khai, tổ chức thi công hoàn chỉnh 6 nhánh lên xuống tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Nam Thăng Long và dự kiến hoàn thành vào quý II/2021; tiếp tục xây dựng 2 cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại.

Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận.

Trong tương lai khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội được phát triển mở rộng, cả tuyến đường vành đai 3 hoàn chỉnh sẽ là trục giao thông đường bộ chính yếu liên kết các cụm đô thị lớn của TP. Hà Nội, cũng như Khu vực hai bên sông Hồng tạo nên trục không gian cảnh quan của Thủ đô. (Xem thêm)

Tin mới lên