Bất động sản

Giao thông tuần qua: Cao tốc Bắc-Nam hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư, Quảng Ngãi chi gần 2.000 tỷ làm đường ven biển

(VNF) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành bước sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP); Quảng Ngãi chi gần 2.000 tỷ đồng làm đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Cao tốc Bắc-Nam hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư, Quảng Ngãi chi gần 2.000 tỷ làm đường ven biển

Hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Theo thông tin từ Bộ GTVT, sau khi chuyển đổi từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi nhà đầu tư trong nước, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành bước sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong số đó, có 7 dự án có tối thiểu 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Phan Thiết-Dầu Giây. Còn lại, một dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển.

Theo Bộ GTVT, đối với 7 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam đã có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, theo quy định của Luật Đấu thầu, sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư trong tháng 5/2020, thời gian tối thiểu theo quy định để triển khai giai đoạn đấu thầu khoảng 6 tháng.

Trong trường hợp đấu thầu thành công, dự kiến có thể lựa chọn được nhà đầu tư sớm nhất khoảng đầu tháng 11/2020, tiếp theo là giai đoạn đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020 và bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021. (Xem thêm)

Đề xuất đầu tư 2.546 tỷ đồng hoàn thiện đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa

Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa theo hình thức đầu tư công trong kế hoạch trung hạn 2021–2025.

Theo đó, phạm vi dự án bao gồm việc đầu tư các hạng mục còn lại (không bao gồm phần còn lại của cầu vượt Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 và phần đường thuộc nút giao Quốc lộ 22) của dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa theo hình thức BOT với điểm đầu tại Km10 thuộc địa phận huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại Km82+574, giao với đường tỉnh DDT825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Trong giai đoạn trước mắt, dự án sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng tuyến đường có quy mô tương đương đường cấp III hai làn xe, bề rộng nền đường 12,25 m, mặt đường rộng 11,25 m, lề đất rộng 0,5 m mỗi bên, tiêu chuẩn hình học phù hợp đường cao tốc loại A, vận tốc 100 km/h. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, đầu tư mở rộng với quy mô cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h, bề rộng nền đường 27 m.

Tổng mức đầu tư dự án là 2.546,76 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.669,9 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 372 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí quản lý dự án và dự phòng. (Xem thêm)

Quảng Ngãi chi gần 2.000 tỷ đồng làm đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt đầu tư xây dựng công trình đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1 và giai đoạn IIa, thành phần 2.

Theo đó, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 1 có chiều dài 13,3Km; được xây dựng 6 cây cầu trên đoạn tuyến; bề rộng (nền đường 12m, mặt đường và lề gia cố 11m, lề đường 1m).

Dự án gồm 2 đoạn tuyến, đoạn Km28+934 - Km29+346 (tại xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi) và đoạn Km56+00 - Km69+145 (qua thành phố Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức), với tổng mức vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, dùng ngân sách tỉnh.

Còn dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 có chiều dài tuyến 25Km; bề rộng (nền đường 12m, mặt đường và lề gia cố 11m và lề đường 1m).

Dự án có điểm đầu Km69+145 tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức và điểm cuối Km94, kết nối với cảng Mỹ Á và khu đô thị Đức Phổ, với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng.

Cả 2 dự án này do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. (Xem thêm)

Lộ diện ứng viên trúng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Theo quyết định này, có 2 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án. Thứ nhất là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4, Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Công ty Cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô, Công ty Cổ phần xây dựng giao thông 18.

Liên danh nhà đầu tư còn lại gồm Công ty Cổ phần Licogi 16, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Điền Phước, Công ty Cổ phần FECON, Công ty Cổ phần Hạ tầng và phát triển đô thị FECON, Công ty Cổ phần đầu tư 468.

Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là 1 trong số 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông triển khai theo hình thức PPP được đã Quốc hội thông qua tại nghị quyết 52/2017.

Dự án có chiều dài 43km với điểm đầu tại Km337+000 sau vị trí giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối tại Km380+000 (nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành), thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Được thiết kế theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là 6.333 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của nhà nước là 2.003 tỷ đồng, vốn tư nhân là 4.330 tỷ đồng. (Xem thêm)

Điểm danh 13 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn hơn 3.500 tỷ vừa khởi công tại TP. HCM

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM vừa đồng loạt khởi công xây dựng 13 dự án hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn với tổng vốn hơn 3.500 tỷ đồng.

Dự án đầu tiên là cầu vượt trước bến xe miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội. Dự án này gồm cầu bộ hành và đường chui nhánh phải (thuộc dự án cầu vượt trước bến xe miền Đông mới ở quận 9 và thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có tổng mức đầu tư gần 440 tỷ đồng.

Công trình cầu Mỹ Thủy 3 dài 124m, với 6 làn xe, thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 cũng khởi công xây dựng hạ tầng 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 với tổng diện tích hơn 77.600m2, diện tích sàn xây dựng 632.500m2. Trong đó, 6 lô được quy hoạch làm khu dân cư đa chức năng, 3 lô làm khu thương mại đa chức năng.

Thành phố đã tạm ứng 603 tỷ đồng làm hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất, nhằm nâng cao giá trị sử dụng khi đấu giá quyền sử dụng đất.

Các dự án còn lại bao gồm xây dựng cầu thép thay phà An Phú Đông nối quận Gò Vấp và quận 12; xây cầu Kênh A và cầu Kênh B ở huyện Bình Chánh, nâng cấp đường liên tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi; nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2); xây hệ thống hạ tầng khu vực kênh Nước Đen;

Bên cạnh đó còn có dự án nâng cấp cải tạo đường Trần Văn Giàu quận Bình Tân; nâng cấp cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè; xây hệ thống thoát nước Hương Lộ 11, huyện Bình Chánh; nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp); mở rộng đường Đồng Văn Cống, quận 2. (Xem thêm)

Đồng Nai 'nhận lệnh' hoàn thành mặt bằng trong năm 2020 để khởi công sân bay Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, để dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể khởi công vào quý I/2021, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành công tác xác định giá đất, phê duyệt phương án bồi thường, chi trả bồi thường, hỗ trợ đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã hoàn tất công tác kiểm đếm, thẩm tra nguồn gốc đất.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Đồng Nai tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các khu tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xã hội… với tinh thần quyết liệt, kịp thời hơn.

Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để hoàn thành cơ bản mặt bằng trong năm 2020 để kịp phục vụ khởi công dự án cảng hàng không Long Thành.

"UBND tỉnh Đồng Nai cần chủ động đề nghị các Bộ, ngành hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp, kịp thời hỗ trợ tỉnh Đồng Nai để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng dự án. (Xem thêm)

Tin mới lên