Bất động sản

Giao thông tuần qua: Cát Linh - Hà Đông xây dựng xong, sắp ban hành nghị định quản lý taxi công nghệ

(VNF) - Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất 100% khối lượng xây dựng và đào tạo nhân lực, đang tiến hành nghiệm thu; nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Cát Linh - Hà Đông xây dựng xong, sắp ban hành nghị định quản lý taxi công nghệ

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành khối lượng xây dựng

Bộ GTVT nói gì về kiến nghị mở rộng Quốc lộ 12C đoạn cảng Vũng Áng đến Cửa khẩu Cha Lo?

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn trả lời về kiến nghị bố trí nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 12C đoạn cảng Vũng Áng đến Cửa khẩu Cha Lo của cử tri Hà Tĩnh.

Bộ GTVT cho biết đã giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 12C đoạn cảng Vũng Áng – Đồng Lê trong Quyết định số 1903/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2019.

Đoạn tuyến nêu trên hiện đang được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Căn cứ kết quả nghiên cứu, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Liên quan đến việc phát triển hạ tầng giao thông tại Hà Tĩnh, trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất đưa 10 dự án phát triển hạ tầng giao thông cần thiết đầu tư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 20.949 tỷ đồng.

Trong đó, dự án được đề xuất sử dụng vốn đầu tư công trung hạn nhiều nhất để thực hiện là đường cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng dài 87,44 km với tổng mức đầu tư 12.693 tỷ đồng. (Xem thêm)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành khối lượng xây dựng

Ông Đường Hồng, Giám đốc dự án Cát Linh - Hà Đông (Tổng thầu Trung Quốc) vừa cho biết, việc xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình dự án và đào tạo nhân sự vận hành đã hoàn thành toàn bộ. "Tổng thầu đã gửi hồ sơ hoàn công đến chủ đầu tư", ông nói.

Để đánh giá an toàn kỹ thuật, trong tháng 11, Tổng thầu Trung Quốc dự kiến vận hành thử toàn bộ hệ thống trong 20 ngày, song sau khi chạy thử được 5 ngày, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) yêu cầu Tổng thầu hoàn thiện một số thủ tục nên việc vận hành thử tạm dừng.

"Việc vận hành thử toàn hệ thống sẽ tiến hành lại ngay sau khi Ban quản lý dự án đường sắt phê duyệt. Qua 5 ngày chạy thử, các học viên Việt Nam đã cho thấy có thể độc lập vận hành toàn bộ dự án", ông Đường Hồng cho biết.

Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cũng xác nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đồng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng; thiết bị lắp đặt đạt khoảng 97%, phần chưa lắp đặt không liên quan đến hoạt động chạy tàu. 

Tổng thầu Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện các điều kiện để vận hành thử toàn hệ thống của dự án; chịu trách nhiệm đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành dự án cũng như khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Theo quy trình, công tác nghiệm thu dự án do phía Việt Nam thực hiện, đơn vị tư vấn độc lập ACT (Pháp) sẽ đánh giá an toàn kỹ thuật; sau đó là thanh toán và bàn giao công trình từ Tổng thầu Trung Quốc cho Bộ GTVT. UBND Hà Nội sẽ tiếp nhận lại toàn bộ dự án để vận hành khai thác. (Xem thêm)

Sau nhiều lần gây tranh cãi, nghị định quản lý taxi công nghệ sắp được ban hành

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ rà soát dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp... Dự thảo nghị định đã 2 lần lấy ý kiến thành viên Chính phủ, lấy ý kiến của 6 Bộ trưởng, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, Thủ tướng và các Phó thủ tướng đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo hoàn thiện. Đến nay, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, dự thảo nghị định vẫn còn một số nội dung cần phải tiếp tục xem xét kỹ lưỡng hơn.

Để đảm bảo tính khả thi của nghị định, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo vai trò của quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải... Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/12.

Trong đó, tập trung rà soát, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý.

Rà soát kỹ các nội dung quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (ngành Công an, GTVT, Tài chính... để đáp ứng yêu cầu quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cát cứ trong sử dụng dữ liệu, làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý, điều hành giao thông vận tải.

Đồng thời rà soát kỹ toàn bộ dự thảo nghị định, loại bỏ các nội dung không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh lại dự thảo nghị định, báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12/2019. (Xem thêm)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Không để tình trạng rút kinh nghiệm sâu sắc kéo dài từ năm này qua năm khác'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì cuộc họp về công tác xây dựng cơ bản năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020 của Bộ GTVT.

Báo cáo về các công trình, dự án, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho biết theo kế hoạch, dự kiến từ đầu năm 2019 sẽ khởi công 19 công trình và hoàn thành 22 công trình; thông xe 5 công trình/hạng mục công trình.

Trên thực tế, đến nay đã có 11 công trình được khởi công, 9 công trình được hoàn thành. Trong đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành một số dự án công trình lớn như Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, hầm Cù Mông, khởi công 2 đoạn đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam (đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Cao Bồ - Mai Sơn)...

Về công tác thực hiện đấu thấu qua mạng, tính đến 31/10/2019, Bộ GTVT đã thực hiện 726/1.603 gói thầu (chiếm 45,3%), giá trị tương ứng là 4.308,5/14.504,4 tỷ đồng (đạt 22,9%).

Đối với một số dự án quan trọng như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hiện việc bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, 11/11 dự án đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm để lập phương án hỗ trợ, đền bù. Các địa phương đã giải ngân hơn 2.360 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Mặc dù vậy, công tác giải ngân vẫn là vấn đề tồn tại của ngành giao thông hiện nay. Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Duy Lâm, tính đến 15/12, Bộ chỉ mới giải ngân được khoảng 45,4%. Tới 31/12/2019, Bộ GTVT dự kiến sẽ giải ngân được 24.866 tỷ đồng (đạt 84,2%). Đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch 2019 (1/2020), sẽ đạt khoảng 27.870 tỷ đồng (đạt 94,4%). (Xem thêm)

Đầu tư 6.686 tỷ đồng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết dự kiến nhóm ngân hàng (do Vietinbank làm đầu mối) sẽ ký hợp đồng tín dụng khoảng 6.686 tỷ đồng, tháo gỡ nút thắt cuối cùng dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo thiết kế, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1 km, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Dự án được khởi công lần đầu vào ngày 29/11/2009 nhưng không được thi công. Đến năm 2014, dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỉ đồng.

Mới đây, dự án tiếp tục được điều chỉnh vốn đầu tư lên khoảng 12.500 tỉ đồng, tăng hơn 2.833 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải vào năm 2017.

Cuối năm 2018, ngân hàng dừng giải ngân cho dự án do một số lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (là một trong 6 công ty trong liên doanh nhà đầu tư với vốn góp 30% cho tổng dự án) có liên quan đến vụ án hình sự.

Đến tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 99 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT tải sang UBND tỉnh Tiền Giang. Các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sâu sát, chủ động, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang triển khai dự án nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đảm bảo dự án về đích vào năm 2020. (Xem thêm)

Tin mới lên