Bất động sản

Giao thông tuần qua: Cuối 2025 khai thác sân bay Long Thành, 148.000 tỷ làm 12 đoạn cao tốc Bắc-Nam

(VNF) - Hà Nội chưa đồng ý lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô; cuối năm 2025 hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành; đề xuất đầu tư hơn 148.000 tỷ đồng làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Cuối 2025 khai thác sân bay Long Thành, 148.000 tỷ làm 12 đoạn cao tốc Bắc-Nam

Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư khoảng 729km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cuối năm 2025 hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã trình dự án sân bay quốc tế Long Thành lên Chính phủ, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuê tư vấn nước ngoài để thẩm định lại toàn bộ dự án. Vì vậy dự án này đã kéo dài thời gian thẩm định trong lúc tư vấn nước ngoài phản biện toàn bộ dự án.

Đến tháng 12/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chính thức phê duyệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Đến thời điểm này đã hoàn thành xây dựng 70% toàn bộ hàng rào khoảng gần 9km; rà phá bom mìn đạt diện tích 75%.

Riêng về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho biết dù bố trí vốn cho công tác này là hơn 22.000 tỷ đồng, giao cho tỉnh Đồng Nai triển khai từ 2018 đến nay, nhưng công tác giải ngân còn chậm, mới đạt là 47% (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng).

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, công tác giải phóng mặt bằng chậm do liên quan đến tiến độ xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá và đặc biệt là trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ GTVT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai để bàn giao toàn bộ mặt bằng theo tiến độ. Bộ cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tích cực hơn nữa đấy, giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng, thực hiện chu đáo công việc này.

“Nếu không có gì thay đổi thì tháng 3/2022 sẽ tiến hành đồng loạt các gói thầu về san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng để đảm bảo là tới tháng 12/2025 chúng ta cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 để khai thác sân bay Long Thành đúng theo tinh thần nghị quyết Quốc hội đã thông qua", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh. (Xem thêm)

Hà Nội chưa đồng ý lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản phúc đáp đề án của Sở GTVT về phương án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội cho rằng việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện.

UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị tư vấn, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của đề án đến xã hội, người dân, đảm bảo chặt chẽ điều kiện pháp lý.

Sở Giao thông Vận tải cũng được yêu cầu nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình. Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị xã hội, sở ngành...

UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Giao thông Vận tải làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; làm rõ kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí. (Xem thêm)

Đề xuất đầu tư hơn 148.000 tỷ đồng làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025

Bộ GTVT vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư khoảng 729km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Trong số này có 4 dự án triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP), gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang và 8 dự án đầu tư công, gồm Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ -Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư 12 dự án này là 148.492 tỷ đồng, bao gồm vốn nhà nước khoảng 131.217 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 17.275 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, Bộ GTVT đề xuất chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Đề đảm bảo tính khả thi các dự án thành phần PPP, Bộ GTVT kiến nghị cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP từ 54 - 65% tổng mức đầu tư của dự án và kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công. (Xem thêm)

Cử tri Quảng Nam đòi lại đường do VEC 'mượn' để làm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Quảng Nam về kiến nghị xử lý các tồn tại liên quan đến việc thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo Bộ GTVT, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Bộ GTVT quyết định đầu tư và do VEC làm chủ đầu tư. Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài khoảng 91,5km.

Tại thời điểm tháng 7/2020, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam còn lại 4 tuyến đường địa phương chưa được sửa chữa, hoàn trả (gồm 1 đường thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên và 3 đường thuộc địa bàn huyện Quế Sơn).

Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, đến thời điểm hiện nay, 2 tuyến đường thuộc địa bàn huyện Quế Sơn đã được địa phương sửa chữa (thảm lại bê tông nhựa, thi công công mặt đường bê tông xi măng); còn lại 2 tuyến đường ở huyện Duy Xuyên và huyện Quế Sơn chưa được sửa chữa, hoàn trả.

Bộ GTVT cho biết nguyên nhân chậm trễ do hiện nay VEC đang hoàn tất phương án tái cơ cấu nguồn vốn đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư nên chưa tháo gỡ được vướng mắc về nguồn vốn để thanh toán các khối lượng đã hoàn thành cho nhà thầu và tiếp tục triển khai tiếp các khối lượng công việc còn lại của dự án.

Đối với việc xử lý các vấn đề ảnh hưởng do thi công công trình đến dân sinh nói chung, công tác sửa chữa, hoàn trả các đường địa phương bị hư hỏng do sử dụng làm đường công vụ thi công dự án nói riêng, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thực hiện.

Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, chỉ đạo VEC giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan công tác sửa chữa, hoàn trả đường địa phương nêu trên ngay sau khi phương án tái cơ cấu nguồn vốn đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư được chấp thuận.

Bộ GTVT đề nghị đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp, cung cấp cho VEC các văn bản, tài liệu liên quan đến việc chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công mượn các tuyến đường này để thi công hay tiếp cận dự án làm cơ sở để VEC chỉ đạo các nhà thầu thực hiện công tác sửa chữa, hoàn trả. (Xem thêm)

Đồng Tháp muốn tự quyết dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc thống nhất phương án giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, ngày 20/10, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Theo đó, dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh có chiều dài tuyến khoảng 27,43km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62km.

Điểm đầu của tuyến cao tốc giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 2km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế. Giai đoạn hoàn thiện với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của giai đoạn 1 (bao gồm lãi vay) vào khoảng gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà nước là 3.238 tỷ đồng và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị HĐND tỉnh xem xét, thống nhất phương án giao UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án, để làm cơ sở báo cáo Bộ GTVT triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án theo quy định. (Xem thêm)

Tin mới lên