Bất động sản

Giao thông tuần qua: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đội vốn; đề xuất phân nhóm sân bay 'đỏ, vàng, xanh'

(VNF) - Đề xuất phân nhóm sân bay 'đỏ, vàng, xanh' để mở lại đường bay nội địa; dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đội vốn thêm 180 tỷ để trả cho tư vấn giám sát... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đội vốn; đề xuất phân nhóm sân bay 'đỏ, vàng, xanh'

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đội vốn thêm 180 tỷ.

Đề xuất phân nhóm sân bay 'đỏ, vàng, xanh' mở lại đường bay nội địa

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và các vướng mắc trong việc duy trì hoạt động hàng không.

Trong văn bản này, Cục Hàng không đề xuất chia nhóm 22 sân bay đang có hoạt động khai thác nội địa và các sân bay, bãi đáp có hoạt động hàng không chung (Hạ Long, Vũng Tàu…) thành 3 vùng: đỏ, vàng, xanh.

Nhóm A (vùng xanh) là các sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Nhóm B (vùng vàng) là các sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương theo Chỉ thị 16.

Nhóm C (vùng đỏ) là các sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16.

Cũng theo đề xuất của Cục Hàng không, chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách và hành khách phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Với chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C, từ nhóm C đến nhóm A và B, hành khách sẽ là khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, có xét nghiệm âm tính với Covid trong vòng 72 giờ.

Với các đường bay giữa các sân bay nhóm C với nhau, chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến; đồng thời hành khách phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ. (Xem thêm)

Đến năm 2050 sẽ có 9.000 km đường cao tốc

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định rõ: "Đến năm 2030, Việt Nam phải có 5.000 km đường cao tốc và đến năm 2050 phải có 9.000 km đường cao tốc".

Như vậy, theo quy hoạch, mạng lưới cao tốc Bắc - Nam sẽ có 41 tuyến với tổng chiều dài 9.014m và có 2 trục "xương sống" cao tốc Bắc - Nam song song với nhau.

Cụ thể, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe.

Đồng thời, sẽ xây dựng thêm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến TP. Rạch Giá tỉnh Kiên Giang có chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe

Theo thông kê, dự kiến, khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc, có chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe. 

Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị TP. HCM gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.

Như vậy, đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km. (Xem thêm)

Khai thác đường băng 1B sân bay Nội Bài từ ngày 9/9

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa cho biết ngày 9/9 tới đây sẽ tiến hành nghiệm thu, khai thác đường cất hạ cánh 1B tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khởi công từ ngày 29/6/2020; hoàn thành, bàn giao khai thác bước 1 đoạn 3.000m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn từ ngày 1/1/2021 đảm bảo chất lượng, tiến độ và khai thác an toàn cho hơn 7.500 chuyến bay.

Hiện nay, dự án đang triển khai thi công bước 2 gồm nghiệm thu, khai thác đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn tương ứng từ ngày 9/9/2021. Dự kiến triển khai thi công đường cất hạ cánh 1A từ ngày 1/10/2021 phấn đấu cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022, đáp ứng tiến độ tổng thể của dự án.

Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài được khởi công vào tháng 9/2020, với tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, nhà thầu sẽ sửa chữa đường băng 1B trong giai đoạn 1 và đường băng 1A trong giai đoạn 2, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022. Sau khi đường băng 1B được bàn giao và khai thác chính thức, đơn vị dự án sẽ tiếp tục đóng đường băng 1A để sửa chữa. (Xem thêm)

Bộ GTVT nói gì về đề xuất áp sàn giá vé máy bay, 'khai tử' vé 0 đồng?

Ngày 7/9, Bộ GTVT phát đi thông báo về việc điều chỉnh quy định mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Bộ GTVT cho biết đã triển khai chỉ đạo của Phó thủ tướng, trong đó đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của nhà nước.

Hiện nay Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án, tuy nhiên đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ GTVT là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học, đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và gian đoạn tiếp theo.

Chính vì vậy, Bộ GTVT cho biết đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định. (Xem thêm)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đội vốn thêm 180 tỷ

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc trích 7,835 triệu USD từ Hiệp định vay vốn bổ sung để trả cho tư vấn giám sát tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Như vậy, một lần nữa vì chậm trễ, dự án này lại đội vốn thêm 180 tỷ đồng.

Trong báo cáo trình Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,59 tỷ đồng (tăng 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội.

Đáng buồn là con số chưa dừng lại ở đó khi Tổng thầu EPC Trung Quốc tiếp tục "đòi" thêm 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống khiến dư luận rất bức xúc. Đến nay, dự án tai tiếng trên chưa thể xác định được mốc thời gian về đích.

Cũng vì dự án bị chậm trễ kéo dài, đến nay, Hợp đồng Tư vấn giám sát dự án cũng đội vốn và chúng ta phải trả thêm 7,8 triệu USD (khoảng 180 tỷ đồng) cho tư vấn giám sát.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Hiện tại, nguồn vốn đối ứng của Dự án còn lại rất ít, trong khi Hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD. Vì thế, sẽ trích 7,8 triệu từ nguồn vốn này.

"Việc trích nguồn vốn trên cũng đã được Ngân hàng XNK Trung Quốc trả lời tại Thư ngày 16/3/2021 là “Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay” và “Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay", ông Đông nêu. (Xem thêm)

Tin mới lên