Bất động sản

Giao thông tuần qua: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'tượng trưng cho tình hữu nghị', lo 'vỡ trận' các dự án cao tốc phía Bắc

(VNF) - Nói về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam - Hùng Ba, khẳng định đây là dự án tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước; các dự án cao tốc kết nối nhiều tỉnh phía Bắc có nguy cơ “vỡ trận”, chậm triển khai do khó thu xếp vốn... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'tượng trưng cho tình hữu nghị', lo 'vỡ trận' các dự án cao tốc phía Bắc

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không chỉ là dự án thương mại bình thường mà còn tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước.

Đại sứ Trung Quốc: 'Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước'

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa có buổi tiếp đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Tại buổi tiếp, 2 bên đã trao đổi về tiến độ các dự án trọng điểm tại Hà Nội, trong đó có dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, đại sứ Trung Quốc khẳng định dự án Cát Linh - Hà Đông không phải là dự án thương mại bình thường mà là dự án có sử dụng vốn của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước, do đó việc dự án kéo dài sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho cả hai phía.

Đại sứ Hùng Ba cũng khẳng định Chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm và theo dõi tiến triển của dự án này. Phía Trung Quốc sẽ đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

“Dự án nhất định phải phù hợp với các yêu cầu trong hợp đồng và đảm bảo an toàn chất lượng không chỉ trong quá trình bàn giao mà còn cả vận hành về sau”, đại sứ Hùng Ba nói.

Đại sứ Hùng Ba cũng nhấn mạnh mục tiêu chung là hoàn thành xong dự án trong năm nay theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là năm kỷ niệm 70 năm quan hệ Việt - Trung và thời gian lý tưởng nhất là thời điểm tháng 10 như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ từng nêu.

Cảm ơn những chia sẻ của đại sứ Hùng Ba, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng khẳng định Hà Nội mong muốn có thể phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và tổng thầu Trung Quốc để thúc đẩy tiến độ, đưa dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sớm đi vào hoạt động, góp phần giảm tải ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. (Xem thêm)

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Ngân sách sẽ rót hơn 78 nghìn tỷ đồng

Ngày 19/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương chuyển đổi phương thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Quốc hội cũng chấp thuận bổ sung 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước cho 3 dự án này. Với mục tiêu chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Như vậy, tổng số vốn ngân sách nhà nước bố trí cho 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là 78.461 tỷ đồng.

Trong đó, riêng 6 đoạn đầu tư công tổng vốn ngân sách bố trí hơn 53.100 tỷ đồng. Nếu được kịp thời giải ngân, các dự án hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2022 (trừ cầu Mỹ Thuận vào năm 2023), nền kinh tế sẽ hưởng lợi rất lớn từ dòng tiền này (chưa kể phần vốn ngân sách hỗ trợ các dự án BOT).

Với 3 đoạn cao tốc vừa được Quốc hội đồng ý chuyển sang đầu tư công, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, dự kiến, cuối tháng 6 Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết; sau đó khoảng 5 ngày (ngày 5/7), Chính phủ sẽ có nghị quyết giao Bộ GTVT thực hiện.

Sau khi Chính phủ giao, Bộ GTVT sẽ thực hiện các bước thủ tục chuyển sang đầu tư công, song song với thủ tục đấu thầu chọn nhà thầu, để phê duyệt kế hoạch vào ngày 8/7.

Tiếp đó, Bộ GTVT đồng thời thực hiện phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và phê duyệt hồ sơ mời thầu vào ngày 30/7. Tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng… xong vào ngày 25/9.

Gói thầu đầu tiên dự kiến khởi công ngày 27/9, các gói thầu còn lại khởi công trong tháng 10 và tháng 11/2020. Dự kiến, cuối năm 2021 các dự án chuyển sang đầu tư công này sẽ hoàn thành cơ bản nền đường và các công trình, một số cầu và hầm lớn sẽ hoàn thành vào năm 2022 để thông xe.

Cùng với thực hiện đấu thầu chọn nhà thầu thi công 3 dự án đầu tư công kể trên, Bộ GTVT cũng thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư cho 5 dự án BOT còn lại. Tới nay, Bộ GTVT đã phê duyệt danh sách các nhà đầu tư qua sơ tuyển và thực hiện đấu thầu, dự kiến việc đấu thầu chọn nhà đầu tư sẽ kết thúc vào ngày 15/11. Từ 16/11 đến 5/12, Bộ GTVT đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng BOT với nhà đầu tư. 

Kết thúc giai đoạn này, nhà đầu tư có 6 tháng để ký hợp đồng huy động vốn từ ngân hàng. Nếu nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng sẽ khởi công xây dựng vào giữa năm 2021, nếu không (sau 6 tháng ký hợp đồng BOT) hợp đồng sẽ bị hủy. Trường hợp hủy hợp đồng BOT, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xin chuyển các dự án này sang đầu tư công. (Xem thêm)

Lo 'vỡ trận' các dự án cao tốc phía Bắc

Các dự án cao tốc kết nối nhiều tỉnh phía bắc như Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) có nguy cơ “vỡ trận”, chậm triển khai do khó thu xếp vốn.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tính đến tháng 6, kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án (đã được Bộ KH-ĐT thông qua) vẫn chưa trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là vướng mắc lớn nhất khiến dự án đang bị chậm so với kế hoạch đề ra là được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 1/2020.

Hàng loạt thủ tục tiếp sau đó như báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng chưa được phê duyệt. Hai tiểu dự án đường công vụ hiện dừng chưa thực hiện. Ngay cả việc thi tuyển kiến trúc cũng đang chờ, chỉ có thể thực hiện sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, vừa kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý III/2020, cũng như các cấp thẩm quyền bố trí đủ phần vốn ngân sách T.Ư để tham gia dự án, trong đó đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn vốn được bố trí, phân đoạn để triển khai 2 làn xe.

Trước đó, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng được chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cuối năm 2018 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo quy hoạch 2016 - 2020 định hướng đến 2030, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài toàn tuyến hơn 144 km, thời gian đầu tư sau năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 47.520 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), trong đó vay vốn Trung Quốc hơn 300 triệu USD.

Phương án này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, sau đó UBND tỉnh Cao Bằng đã đề xuất phương án nghiên cứu đầu tư dự án chiều dài 115 km, rút vốn đầu tư xuống gần 21.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng và gần 13.900 tỷ đồng còn lại là vốn vay của nhà đầu tư.

Dự kiến triển khai 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2020 đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80 km. Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và đoạn từ TP. Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh. Tuy nhiên, hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn giậm chân tại chỗ.

Trên thực tế, dù Cao Bằng và Lạng Sơn rất mong muốn sớm có 1 tuyến cao tốc kết nối, song dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh “long đong” suốt nhiều năm qua do khó khăn trong cân đối và thu xếp vốn, ngay cả khi dự án đã tiết giảm 26.000 tỉ đồng so với khái toán ban đầu. Không chỉ căng thẳng trong bố trí ngân sách giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 khi phải san sẻ cùng nhiều dự án khác, ngay cả việc thu xếp vốn vay ngân hàng không hề đơn giản với khoản vốn huy động bên ngoài lên tới gần 14.000 tỷ đồng. (Xem thêm)

Quy hoạch Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế giai đoạn 2021–2030

Đây là một trong những nội dung trong Quyết định số 1136/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt quy hoạch cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Theo đó, sân bay Thọ Xuân tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài và là sân bay dùng chung dân sự và quân sự. Tại Quyết định số 1136, cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân có mục tiêu quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm, đón được tàu bay code E hoặc tương đương (A350,  B747-400, A330, B777).

Đối với quy hoạch khu bay, ngoài việc sử dụng đường cất hạ cánh số 1 hiện hữu có kích thước 3.200 m x 50 m, cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ xây đường cất hạ cánh số 2, kích thước 3.800 m x 45 m, song song và cách đường cất hạ cánh số 1 khoảng 360 m về phía Đông Bắc. Đối với quy hoạch khu phục vụ mặt đất, cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ được cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu T1 và xây mới nhà ga T2 (2 cao trình) với tổng công suất thiết kế đạt 5 triệu hành khách/năm. Bên cạnh nhà ga hàng hóa hiện hữu, trong giai đoạn 2021–2030, sân bay Thọ Xuân sẽ xây dựng thêm nhà ga hàng hóa, đáp ứng công suất 27.000 tấn hàng khi có nhu cầu.

Cảng hàng không Thọ Xuân tiền thân là sân bay quân sự Sao Vàng, chính thức đưa vào khai thác từ ngày 05/2/2013. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, cảng hàng không Thọ Xuân luôn duy trì tốc độ phát triển cao, bảo đảm tuyệt đối an ninh an toàn, bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách.

Năm 2013, năm đầu tiên đưa vào khai thác, sản lượng vận chuyển của cảng hàng không Thọ Xuân đạt 90.000 lượt hành khách; năm 2014 tăng lên 169.000 lượt hành khách; năm 2018 đạt 989.409 lượt hành khách, và đến ngày 10/12/2019, sản lượng hành khách thông qua cảng đã đạt 1 triệu hành khách trong năm 2019.

Cảng hàng không Thọ Xuân được Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao cho hành khách. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 1,2 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng nâng công suất lên 2 triệu hành khách/năm. (Xem thêm)

Quảng Ninh nói gì việc đá rơi trên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn

Sau khi VietnamFinance phản ánh về việc nhiều lần đá lớn rơi xuống mặt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, mới đây, ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu BOT khẩn trương khắc phục sự cố, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt trượt trên tuyến.

Trước đó, vào khoảng 12h trưa ngày 17/5, một tảng đá có đường kính khoảng 30cm (to như quả mít), bất ngờ lăn xuống mặt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại Km30+850, thuộc xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. 

Dù đã được VietnamFinance cảnh báo, tuy nhiên 1 tháng sau đó, ngày 15/6, những viên đá lớn tiếp tục lăn từ đỉnh đồi phá nát hàng rao hộ lan, nguy hiểm hơn có viên đá tới 100kg, đường kính 50-60cm đã lăn ra giữa đường. Đáng chú ý, vị trí đá rơi lần này tiếp tục tại Km30+694 đến Km30+780, thuộc xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh.

Theo ghi nhận từ phóng viên VietnamFinance, không chỉ riêng vị trí trên, toàn tuyến cao tốc này có 37 điểm sạt lở, với hàng trăm m3 đất đá tràn xuống công trường thi công dự án, trong đó có 10 điểm sạt lở lớn. Sau 3 năm xử lý, khắc phục hiện vẫn còn một số điểm nguy cơ sạt trượt cao", một nhà thầu cho biết.

Phía Chủ đầu tư cho hay, về cơ bản cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đi qua vùng đồi núi, do phải xẻ núi, bạt đồi nên việc thi công hết sức khó khăn. Nhiều khu vực bị sạt trượt nặng sau mỗi trận mưa lớn.

Chủ đầu tư là BOT Biên Cương cũng đã cố gắng khắc phục, nhưng do địa chất phức tạp nên chưa thể  xử lý triệt để. Phía BOT Biên Cương cho biết: Nguyên nhân sạt trượt là do tuyến đường có nhiều mái taluy siêu cao (có mái cao gần 100m).

Dù lý giải như vậy, nhưng với vai trò là nhà đầu tư dự án cao tốc lên tới 12.000 tỷ đồng, Chủ đầu tư BOT  BOT Biên Cương phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc, nhất là mùa mưa sắp đến, nếu tình trạng trên còn tiếp diễn sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho các phương tiện lưu thông.

Trước những phản ánh của VietnamFinance, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu: "Công ty cồ phần BOT Biên Cương khẩn trương khắc phục sự cố nêu trên, thực hiện ngay giải pháp ngăn chặn đá rơi ra phạm lề, mặt đường. Đồng thời, phối hợp với Sở GTVT Quảng Ninh nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp gia cố, ngăn chặn đá rơi từ ta-luy để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông (ATGT)".

"Sở GTVT Quảng Ninh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của Công ty cổ phần BOT Biên Cương đối với nội dung trên. Đồng thời, ra soát các vị trí mái ta-luy còn lại trên toàn tuyến để thống nhất triển khai các giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, đảm bảo ATGT trên tuyến trong mùa mưa bão", ông Vũ Văn Hợp yêu cầu. (Xem thêm)

Tin mới lên