Bất động sản

Giao thông tuần qua: Đường sắt 'ngắc ngoải' chờ 'giải cứu', cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ

(VNF) - Thủ tướng yêu cầu các Bộ vào 'giải cứu' ngành đường sắt trước nguy cơ 'dừng chạy tàu vì hết tiền'; dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra, có nguy cơ chậm nhiều so với dự kiến... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Đường sắt 'ngắc ngoải' chờ 'giải cứu', cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ

Ngành đường sắt đứng trước nguy cơ 'dừng chạy tàu vì hết tiền'.

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ lên tiếng về đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội về kết quả công tác mặt trận những năm qua và chương trình công tác sắp tới.

Liên quan đến các vụ việc nóng, phức tạp trên địa bàn, ông Huệ cho rằng, Thành ủy đang chỉ đạo rất quyết liệt. Đây cũng là dịp sàng lọc để đảm bảo không để những người tiêu cực, tham nhũng, có những khuyết điểm nghiêm trọng lọt vào cấp ủy các cấp.

Cũng tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ cho biết tới đây, Thường trực Thành ủy sẽ có buổi làm việc chuyên đề với Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan để tháo dỡ khó khăn tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

"Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trách nhiệm chính là Bộ Giao thông vận tải nhưng lại trên địa bàn thủ đô. Chúng tôi đang chỉ đạo UBND Hà Nội sắp tới đây có buổi làm việc để đưa ra kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền và có báo cáo với Thủ tướng. Chúng ta quyết tâm sớm đưa dự án này vào hoạt động", tân Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm Hà Nội sắp có cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các cơ quan có liên quan để có những giải pháp căn cơ, trước mắt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Đây là những vấn đề quan tâm rất lớn của Thường trực Thành ủy và cá nhân tôi khi được phân công nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội”, ông Huệ nói thêm. (Xem thêm)

Thủ tướng yêu cầu các Bộ vào 'giải cứu' ngành đường sắt trước nguy cơ 'dừng chạy tàu vì hết tiền'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Đây là nhiệm vụ được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh an ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Ngân sách, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động;

Bên cạnh đó, phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin: nếu đến tháng 3/2020 việc giao dự toán ngân sách chưa được thực hiện, hoạt động chạy tàu trên toàn quốc có thể phải tạm dừng vì không có tiền trả lương cho nhân viên tuần đường, gác chắn...

Theo ông Minh, những tháng gần đây VNR phải ứng tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên ngành đường sắt để duy trì hoạt động do chưa có tiền. (Xem thêm)

Phó thủ tướng 'sốt ruột' vì tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về triển khai dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Phó thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và địa phương liên quan trong triển khai các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nói chung và dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông nói riêng.

Theo Phó thủ tướng, đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công các gói thầu thuộc 3 dự án đầu tư công được triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ.

Cụ thể, dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và đã triển khai thi công từ tháng 12/2019; dự án Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp 5/11 gói thầu, trong đó đã khởi công 2 gói thầu trong tháng 9/2019, 3 gói thầu đang huy động thiết bị để triển khai thi công, 6 gói thầu còn lại đã cơ bản hoàn thành công tác đấu thầu, dự kiến triển khai thi công trong quý I/2020; dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã ký hợp đồng 1 gói thầu đường dẫn để triển khai thi công trong quý I/2020; 2 gói thầu đường dẫn và cầu dẫn còn lại sẽ triển khai thi công trong quý II/2020.

8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) cũng đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật các gói thầu và đã hoàn thành công tác đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và trình kết quả sơ tuyển…

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng về tổng thể, dự án chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra, có nguy cơ chậm nhiều so với dự kiến. Nếu không có giải pháp tốt thì dự án khó đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội. (Xem thêm)

Giám đốc dự án Cát Linh - Hà Đông đã sang Việt Nam và đang bị cách ly

Thông tin tại buổi giao ban công tác tháng 2 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra mới đây, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt, cho hay hiện tại, duy nhất có ông Đường Hồng, Giám đốc dự án, có mặt tại Việt Nam và đang bị cách ly theo quy định.

Cụ thể, theo ông Phương, sở dĩ chỉ có ông Hồng có mặt tại Việt Nam thời gian này vì duy nhất ông Hồng có hộ chiếu công vụ nên được cấp visa vào Việt Nam. Những chuyên gia khác hiện chỉ có hộ chiếu phổ thông.

“Đến 9/3, ông Hồng sẽ hết thời hạn cách ly và có thể quay trở lại làm việc”, ông Phương nói và cho biết đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra xem xét việc cấp visa cho các chuyên gia Trung Quốc tại dự án.

Được biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu EPC là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát (TVGS) thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện. Nhân sự tham gia thực hiện dự án đến từ nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc.

Từ tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và TVGS đã cho các nhân sự thực hiện dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. (Xem thêm)

Phó thủ tướng 'thúc' tiến độ 4 dự án đường sắt vốn 7.000 tỷ đồng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 4 dự án đường sắt sử dụng 7.000 tỷ đồng vốn kế hoạch dự phòng 2016-2020.

Theo đó, đối với 4 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM sử dụng 7.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2106 - 2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phân công hợp lý, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3.

Được biết, 4 dự án này bao gồm dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn với tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống xô va trên tuyến Hà Nội - TP. HCM với tổng đầu tư 1.950 tỷ đồng; dự án gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào cuối năm 2019. (Xem thêm)

Tin mới lên