Bất động sản

Giao thông tuần qua: Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm, metro số 1 bị dừng nhiều dịch vụ tư vấn

(VNF) - Đơn vị tư vấn NJPT của dự án metro số 1 quyết định dừng nhiều dịch vụ từ 2/7, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm, metro số 1 bị dừng nhiều dịch vụ tư vấn

Metro số 1 vẫn chưa hết trắc trở.

Tư vấn dự án metro số 1 dừng nhiều dịch vụ từ 2/7

Ông Tatsuya Masuzawa, Giám đốc dự án NJPT (Tư vấn chung dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) cho biết từ ngày 2/7, đơn vị sẽ đình chỉ làm việc tại văn phòng đại diện.

Đơn vị tư vấn từ chối trao đổi thông tin chính thức qua văn bản hoặc thư điện tử với chủ đầu tư, cùng các nhà thầu của dự án; đồng thời ngừng ký các hồ sơ chính thức bởi giám đốc và quản lý dự án.

Tư vấn NJPT là đơn vị đại diện chủ đầu tư là MAUR rà soát vật liệu, đề xuất biện pháp thi công, phê duyệt hồ sơ thanh toán... cho dự án metro số 1.

Như vậy, việc Tư vấn NJPT dừng các dịch vụ trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình triển khai dự án.

Cụ thể, những hồ sơ nghiệm thu mới và các nội dung liên quan hợp đồng tại các gói thầu chính sau ngày 30/6 sẽ không còn được NJPT rà soát, phê duyệt như trước đây. Do đó, những phần việc này sẽ bị chững lại, dẫn đến kế hoạch đóng điện, thử nghiệm tàu đối mặt nguy cơ bị trì hoãn.

Sau ngày 2/7, Tư vấn NJPT chỉ duy trì trao đổi thông tin không chính thức bằng điện thoại hoặc thư điện tử. Đơn vị sẽ tham gia họp trực tuyến với MAUR và nhà thầu tuyến metro số 1 nếu được yêu cầu.

Ngoài ra, NJPT tiếp tục giám sát trên công trường; ký xác nhận những hồ sơ nghiệm thu được gửi trước 30/6; đưa ra chỉ đạo không chính thức đến nhà thầu trên công trường. (Xem thêm)

Công ty Yên Khánh bị thu hồi dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP. HCM - Trung Lương

Sau 6 năm thi công chậm trễ, dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP. HCM - Trung Lương do Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") làm chủ đầu tư vừa bị UBND TP. HCM thu hồi.

Báo cáo UBND TP. HCM, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết hợp đồng BOT dự án này có thời gian thực hiện từ năm 2015-2017. Đến nay, dự án ước tính chỉ đạt 12% khối lượng xây lắp, trong khi thời gian thực hiện trong hợp đồng đã hết. 

Sở trước đó đã có nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư khắc phục các vi phạm hợp đồng, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể khắc phục và chưa chứng minh đủ phần vốn chủ hữu theo quy định. Đồng thời, nhà đầu tư chưa có cam kết của ngân hàng về việc đảm bảo cho vay để tiếp tục hoàn thành dự án theo hợp đồng.

Trước những sai phạm nêu trên, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình đã chấp thuận đề nghị của Sở Giao thông vận tải TP. HCM về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án này.

Phó thủ tịch giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các sở ngành làm việc với các đơn vị liên quan về những thủ tục để chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư. Đồng thời đề xuất phương án tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án này theo quy định. (Xem thêm)

Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ chạy thử nghiệm

Ngày 1/7 vừa qua, các đoàn tàu thuộc dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức được chạy thử nghiệm dọc tuyến trên cao 8,5km từ Depot Nhổn đến ga S8 (Nhổn - Cầu Giấy) và ngược lại.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đến nay, tiến độ đoạn tổng thể đoạn trên cao đạt gần 88% (tiến độ toàn bộ dự án đạt gần 73%).

Riêng đối với gói thầu CP06 (đầu máy toa xe, thiết bị Depot, CC/SCADA, tín hiệu, thông tin và cấp điện) đoạn trên cao đạt hơn 90%. Trong đó các phân nhóm thông tin, tín hiệu, cung cấp điện cho các ga trên cao đã hoàn thành 100% công tác lắp đặt thiết bị.

Trong giai đoạn thử nghiệm liên động, các đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội được vận hành dọc tuyến, theo từng chế độ vận hành khác nhau.

Tương ứng với mỗi dải tốc độ vận hành có các quy trình kiểm tra cụ thể cho thiết bị của đoàn tàu cũng như thiết bị của các hạng mục khác (chức năng đơn lẻ của đoàn tàu, độ chính xác của các thiết bị định vị, các vị trí thu phát sóng (độ bao phủ sóng); sự ổn định của hệ thống cấp nguồn, tính liên tục và độ chính xác của hệ thống truyền dẫn dọc tuyến…).

Việc thử nghiệm liên động nhằm đánh giá, đảm bảo sự kết nối giữa các hệ thống thành phần cũng như đảm bảo các chức năng của toàn bộ hệ thống đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được thực hiện một cách an toàn, ổn định khi đưa vào khai thác. Sau khi hoàn thành công tác thử nghiệm liên động, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn kiểm tra chạy thử. (Xem thêm)

Đắk Lắk xin Trung ương hỗ trợ 10.000 tỷ làm cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung kiến nghị Trung ương bổ sung tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào quy hoạch đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050; đồng thời cho chủ trương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 10.000 tỷ đồng, trong tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk còn đề nghị bổ sung thêm 3 đường cao tốc tại miền Trung - Tây Nguyên vào danh mục dự án thực hiện giai đoạn 2026-2030, gồm đường cao tốc nối các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), đường cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Liên Khương (Lâm Đồng), cao tốc Buôn Ma Thuột - Phú Yên và một số dự án hạ tầng khác.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, cho biết tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang đã được bổ sung vào quy hoạch mạng lưới các tuyến đường bộ cao tốc Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lập dự án cụ thể để xác định khả năng bố trí vốn.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đề xuất dự án tuyến cao tốc đường bộ Buôn Ma Thuột - Nha Trang có thể triển khai theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và tỉnh Đắk Lắk phụ trách triển khai việc giải phóng đề bù mặt bằng sẽ đẩy nhanh tiến độ thủ tục và triển khai dự án. (Xem thêm)

Hơn 2.000 tỷ làm 55,7 km đường ven biển tỉnh Quảng Trị

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với đơn vị tư vấn TEDI và các ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị, giai đoạn I.

Theo báo cáo, dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị (giai đoạn I) đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư là 2.060 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ là 1.500 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 560 tỷ đồng), thời gian triển khai từ năm 2021-2025.

Dự án có chiều dài tuyến dự kiến 55,7 km, trong đó đoạn 1 từ ranh giới Quảng Bình – Quảng Trị đến phía Nam cầu Cửa Việt, dài khoảng 44 km; đoạn 2 nối với điểm cuối đoạn 1, thuộc xã Triệu An, huyện Triệu Phong đến TP. Đông Hà, dài khoảng 11,7 km.

Đối với công tác lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn và đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn. 

Đến nay, đơn vị tư vấn đang triển khai công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đơn vị tư vấn cũng đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, khảo sát thuỷ văn, khảo sát dự báo giao thông tại hiện trường; công tác khảo sát địa chất đạt trên 98% khối lượng; dự kiến sẽ hoàn thành công tác khảo sát tại hiện trường trước ngày 4/7/2021. 

Đơn vị tư vấn cũng đang triển khai thực hiện song song công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi với công tác khảo sát, dự kiến sẽ hoàn thiện để trình Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Giao thông Vận tải) thẩm định trước ngày 7/7/2021. (Xem thêm)

Tin mới lên