Bất động sản

Giao thông tuần qua: Hé lộ nhóm doanh nghiệp muốn làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 23.000 tỷ

(VNF) - Liên danh Đèo Cả, Thành Lợi, Văn Phú muốn làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 23.000 tỷ đồng; Vingroup chính thức khai trương tuyến buýt điện đầu tiên tại Việt Nam... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Hé lộ nhóm doanh nghiệp muốn làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 23.000 tỷ

Liên danh Đèo Cả, Thành Lợi, Văn Phú muốn làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 23.000 tỷ.

Vingroup chính thức khai trương tuyến buýt điện đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 2/12, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội và Công ty TNHH dịch vụ sinh thái VinBus đã tổ chức khai trương tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam.

Theo đó, tuyến xe buýt điện đầu tiên có số hiệu 503 chạy qua các tuyến đường trung tâm, kết nối phía Đông và phía Tây thành phố với 15 điểm dừng, bao gồm: Mỹ Đình (Hàm Nghỉ) - Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân – Cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh - khu đô thị Ocean Park.

Cũng trong tháng 12, VinBus cho biết sẽ triển khai thêm tuyến E05 với lộ trình Long Biên - Yên Phụ - Thanh Niên - Thụy Khuê - Đào Tấn - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Hùng - Đại Lộ Thăng Long - khu đô thị Smart City và tuyến E01 với lộ trình bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai - Cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh – khu đô thị Ocean Park.

Tần suất hoạt động của các tuyến từ 15 – 20 phút/chuyến, hoạt động xuyên suốt từ 5h sáng đến 21h đêm hàng ngày.

VinBus áp dụng giá vé chung của các tuyến xe buýt thành phố, vé lượt từ 7.000 - 9.000 đồng, vé tháng từ 55.000 - 200.000 đồng; miễn phí người cao tuổi, người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo... (Xem thêm)

Sau 31/12, chủ xe phải trả phí khi dán thẻ thu phí không dừng

Theo Quyết định 19/2020 của Chính phủ, kể từ năm 2022, chủ phương tiện sẽ phải trả phí khi dán thẻ thu phí tự động không dừng.

Theo quyết định này, người dân sẽ chỉ còn một tháng để được gắn thẻ thu phí không dừng miễn phí trên phương tiện. Sau thời gian 31/12, mức phí sẽ là 135.000 đồng/phương tiện.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có hơn 2 triệu ô tô đã dán thẻ thu phí không dừng trong tổng số hơn 4 triệu xe đang lưu hành. Tuy nhiên, đến nay chỉ khoảng 60% phương tiện sử dụng dịch vụ này.

Thời gian gần đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị các sở giao thông vận tải, nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ ETC tăng cường thực hiện tuyên truyền, dán thẻ đầu cuối thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, đồng thời bố trí lực lượng dán thẻ tại các trạm thu phí; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng xử nghiêm chủ phương tiện không dán thẻ song vẫn đi vào làn thu phí không dừng. (Xem thêm)

Hàng không Việt Nam có chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ

Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ.

Ngày 29/11, chuyến bay mang số hiệu VN98 của Vietnam Airlines đã hạ cánh tại sân bay San Francisco, trở thành chuyến bay lịch sử đánh dấu sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ chính thức được khai mở.

Theo đó, chuyến bay VN98 đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 19h42 ngày 28/11 (giờ địa phương, tức 10h42 sáng ngày 29/11 giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay thẳng không điểm dừng từ TP. HCM đến San Francisco là 13 tiếng 45 phút.

Chuyến bay được thực hiện bằng tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner, một trong những dòng tàu bay thân rộng hiện đại nhất thế giới của nhà sản xuất máy bay Boeing (Mỹ).

Chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Cụ thể, từ ngày 28/11, Vietnam Airlines khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần giữa TP. HCM và San Francisco. Hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu để mở thêm đường bay mới đến Mỹ như giữa Los Angeles và Hà Nội hoặc TP. HCM. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350. (Xem thêm)

Liên danh Đèo Cả, Thành Lợi, Văn Phú muốn làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 23.000 tỷ

Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng vừa có cuộc họp với các đơn vị liên quan để trao đổi một số nội dung về dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Theo báo cáo, dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là dự án thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Dự án được tiết giảm tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 23.000 tỷ đồng, trong đó phân kỳ đầu tư giai đoạn I (2021-2025) là 13.180 tỷ đồng, gồm: ngân sách nhà nước đầu tư 6.580 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.229 tỷ đồng và vốn huy động khác là 5.372 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn khoảng 22 năm 7 tháng.

Đến nay, dự án đã thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang triển khai công tác lập khung chính sách; đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án tuyến so sánh.

Liên danh các nhà đầu tư đề xuất dự án gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Thương mại đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest, trong đó Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. (Xem thêm)

Bộ GTVT: 'Rà soát lại kế hoạch mở lại đường bay quốc tế vì biến chủng Omicron'

Trả lời báo chí về kế hoạch mở lại đường bay quốc tế tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc mở các đường bay là nhu cầu khách quan mà các nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam đều mong muốn.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã xây dựng kế hoạch về nội dung này và báo cáo Thủ tướng, trong đó đề xuất những quốc gia mà Việt Nam dự kiến liên kết mở đường bay quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác. Kèm theo đó là lộ trình và từng giai đoạn khác nhau dựa trên nhu cầu của từng thị trường.

Theo ông Đông, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục làm việc với các bộ ngành để hoàn thiện kế hoạch cụ thể, nhưng điều kiện mở lại đường bay quốc tế còn phụ thuộc vào khả năng phòng chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine và đặc biệt là sự đồng thuận của các quốc gia khác.

"Mở đường bay quốc tế với quốc gia nào thì phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Các hãng hàng không đều phải phải tuân thủ và hiện các hãng bay cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch mở lại đường bay quốc tế", ông Đông nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, sự xuất hiện của biến chủng mới gần đây là một yếu tố tác động tới kế hoạch mở lại đường bay quốc tế vì các quốc gia đều phải thận trọng hơn.

Theo kế hoạch ban đầu, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở một số đường bay quốc tế từ đầu năm 2022, nhưng do biến chủng mới nên Bộ phải rà soát và làm việc lại với các quốc gia, từ đó báo cáo Thủ tướng quyết định. (Xem thêm)

Tin mới lên