Bất động sản

Giao thông tuần qua: Khởi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, VNR được 'giải cứu'?

(VNF) - Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt chính thức được khởi công; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được giao tổ chức thực hiện toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Khởi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, VNR được 'giải cứu'?

Bộ GTVT đồng ý để VNR thực hiện toàn bộ công tác quản lý, bảo trì đường sắt.

Khởi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Ngày 22/5, tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), liên danh nhà đầu tư (Công ty TNHH Hòa Hiệp - CTCP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - CTCP Đầu tư và Xây dựng VINA2) và CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) đã tổ chức khởi công dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo thiết kế, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc phạm vi 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Điểm đầu dự án nằm tại điểm cuối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (Nghệ An); điểm cuối nằm phía sau nút giao với Quốc lộ 8A, thuộc địa phận xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 49,3km.

​Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090,09 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.023 tỷ đồng chiếm 20% nguồn vốn BOT), nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng.

Thời gian xây dựng khoảng 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày.  (Xem thêm)

Bộ GTVT đồng ý để VNR thực hiện toàn bộ công tác quản lý, bảo trì đường sắt

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; trong đó yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với VNR trước ngày 24/5, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, Bộ GTVT giao Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, trên cơ sở kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, quyết định giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ GTVT, ký hợp đồng đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR. Việc ký hợp đồng đặt hàng phải hoàn thành trước ngày 24/5.

Với những nội dung còn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, Bộ GTVT yêu cầu lập thành văn bản để báo cáo cấp có thẩm quyền; sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền sẽ điều chỉnh nội dung hợp đồng (nếu có) làm cơ sở tiếp tục thực hiện. Trình tự, thủ tục, chủ thể trình duyệt điều chỉnh kế hoạch bảo trì, phê duyệt dự toán chi phí sản phẩm dịch vụ công, đề xuất sửa chữa công trình không thay đổi (thực hiện như năm 2020).

Bộ GTVT cũng cho biết hợp đồng đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 quán triệt thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, VNR sẽ tổ chức thực hiện toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phù hợp với quy định; Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện vai trò bên đặt hàng theo quy định pháp luật. (Xem thêm)

Cần 7.800 tỷ đầu tư 35km đường vành đai 5 - vùng Thủ đô qua tỉnh Hoà Bình

UBND tỉnh Hòa Bình vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô, đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT trên cơ sở quy hoạch được duyệt, đầu tư xây dựng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 35,4km theo quy mô đường cao tốc 6 làn xe với chiều rộng nền đường 33m với tổng mức đầu tư khoảng 7.800 tỷ đồng (suất đầu tư dự kiến là 220 tỷ đồng/1km bao gồm cả GPMB).

Tuy nhiên, do hiện nay tỉnh Hòa Bình hiện đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đầu tư các tuyến đường trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu); đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2; dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình… nên việc giao tỉnh Hòa Bình tập trung nguồn lực đầu tư tuyến đường Vành đai 5 là hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn đầu tư xây dựng lớn, nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, chưa thu hút được nguồn lực để đầu tư nên tỉnh Hòa Bình cũng chưa lập được dự án đầu tư Vành đai 5 - vùng Thủ đô để triển khai thực hiện. (Xem thêm)

Xe buýt điện của Vingroup bất ngờ lăn bánh trong nội đô Hà Nội

VinBus, hãng xe buýt điện của Vingroup, đã bắt đầu chạy thử nghiệm ở một số tuyến trong nội đô TP. Hà Nội.

Theo đại diện VinBus, vì là xe chạy thử nên hãng vẫn chưa thực hiện đón khách mà mục đích là làm quen và thử các điều kiện trên tuyến để chuẩn bị đi vào vận hành chính thức, kết nối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố khi được sự cho phép từ cơ quan chức năng.

Các chuyến chạy thử của VinBus bao gồm tuyến Hào Nam – Ocean ParK: Hào Nam (điểm cuối đường sắt đô thị 2A) quay đầu bung binh cây xăng - Hào Nam - Giang Văn Minh - Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Hoàng Diệu - Phan Đình Phùng - Cửa Bắc - Yên Phụ - Điểm trung chuyển Long Biên - Trần Nhật Duật - Cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự - Trường Lâm - Đoàn Khuê - Sài Đồng - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận -Lý Thánh Tông - Đường Biển Hồ - Đường 52m - San Hô 8 - Hải Âu 2 - Điểm đỗ xe Ocean Park.

Tuyến Times City - khu sở ban ngành: khu đô thị Times City - đường nội bộ khu đô thị - Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - Giải Phóng - Xã Đàn - Tôn Đức Thắng - Chu Văn An - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã - Đào Tấn - Nguyễn Khánh Toàn - Nguyễn Văn Huyên - Ngô Minh Dương - Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn - khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội (đối diện UBND quận Tây Hồ).

Tuyến công viên nước Hồ Tây - Vinhomes Smart City: Công viên nước Hồ Tây - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Thanh Niên - Hùng Vương - Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu - Trần Phú - Chu Văn An - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Đại lộ Thăng Long - Khu đô thị Smart City.

Đại diện VinBus cũng cho biết hãng xe sẽ tiếp tục chạy thử nghiệm các tuyến khác trên địa bàn TP. Hà Nội trong khoảng 3 – 4 tuần. (Xem thêm)

Đầu tư 1.222 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 - cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình), công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm với diện tích đất sử dụng khoảng 20,92 ha. Trong đó, nhà ga hành khách T2 có diện tích 1,136 ha; sân đỗ ô tô trước nhà ga T2 và các công trình phụ trợ 19,784 ha.

Diện tích khu đất được ACV đề xuất nằm trong quy hoạch được duyệt theo Quyết định số 1491 của Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch cảng hàng không Đồng Hới giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.222 tỷ đồng, hoàn toàn bằng vốn của ACV.

ACV cho biết dự án là cần thiết đầu tư bởi nhà ga hành khách của cảng hàng không Đồng Hới có công suất thiết kế 500.000 khách/năm và hiện tại đang khai thác vượt công suất thiết kế (năm 2018 là 534.856 khách/năm, năm 2019 là 539.908 khách/năm).

Đồng Hới là sân bay nội địa, do đó ACV đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T2 - cảng hàng không Đồng Hới thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Quảng Bình. (Xem thêm)

Tin mới lên