Bất động sản

Giao thông tuần qua: Loay hoay thu hồi cảng Quy Nhơn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng bay

(VNF) - Kế hoạch thu hồi cảng Quy Nhơn vẫn loay hoay trong công tác đền bù lợi ích cho Công ty Hợp Thành; ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không IPP Air Cargo... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Loay hoay thu hồi cảng Quy Nhơn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng bay

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng bay chở hàng vốn 100 triệu USD.

Thu hồi Cảng Quy Nhơn: Loay hoay đền bù lợi ích cho Công ty Hợp Thành

Sau thương vụ, VIMC bỏ ra 415,5 tỷ đồng để mua lại hơn 30,3 triệu cổ phần (75,01% vốn điều lệ Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn) từ Công ty Cổ phần Khoáng sản Hợp Thành (gọi tắt là Công ty Hợp Thành) vào năm 2019. Đến nay, việc tính chi phí, giá trị lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư này trong 4 năm làm "ông chủ" cảng Quy Nhơn hết sức nan giải.

Làm thế nào để xác định lợi ích của nhà đầu tư (từ tháng 9/2015 đến ngày 29/5/2019 (thời điểm VIMC chính thức ghi nhận quyền sở hữu 75,01% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn theo xác định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam)?

Để tháo gỡ nút thắt này, phía Công ty Hợp Thành đã có văn bản gửi VIMC. Theo văn bản này, Công ty Hợp Thành đã thuê các đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án xác định giá trị lợi ích hợp pháp đảm bảo có căn cứ, cơ sở pháp lý trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

Theo ý kiến của đơn vị tư vấn luật và đơn vị tư vấn tài chính, việc xác định giá trị lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cần được tiến hành định giá trên cơ sở các chỉ tiêu về giá trị tài sản, năng lực xếp dỡ, doanh thu, lợi nhuận, uy tín, thương hiệu và tiềm năng phát triển của cảng Quy Nhơn.

Tuy nhiên, do đây là trường hợp đặc biệt, chưa từng có tiền lệ và quy định cụ thể, nên đơn vị tư vấn gặp khó khăn, lúng túng. Các đơn vị tư vấn cũng không có năng lực chuyên môn trong quản lý điều hành cảng biển, nên càng không thể xây dựng phương pháp hợp lý nhất như kỳ vọng.

Vì thế, Công ty Hợp Thành đề nghị, với năng lực, kinh nghiệm chuyên môn đứng đầu cả nước về khai thác cảng biển, VIMC thực hiện việc xác định giá trị hợp pháp của nhà đầu tư tại Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp năng lực chuyên môn, phản ánh đúng giá trị thực tế, đặc biệt, sẽ chủ động và đẩy nhanh được tiến độ thực hiện. (Xem thêm)

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không IPP Air Cargo

Công ty Cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa.

Theo đề xuất được gửi các bộ ngành xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, Công ty cổ phần IPP Air Cargo đặt mục tiêu thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Theo đó, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Overview 161 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. 

Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. 

IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên. (Xem thêm)

Đề xuất đầu tư 614 tỷ đồng xây dựng đường nối khu bến cảng Lạch Huyện

Ban quản lý dự án hàng hải vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư - dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng.

Cụ thể, tuyến đường sẽ bắt đầu từ hạ lưu bến số 2 đến cổng chính của bến số 5 và số 6, dài khoảng 1.300m với quy mô tương tự tuyến đường sau bến số 1, số 2 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (hợp phần A) - giai đoạn khởi động.

Tuyến có quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp III, bề rộng nền đường 53,5 m, trong đó phía bên phải xây dựng 2 làn xe chạy rộng 7 m, bên trái 4 làn xe chạy rộng 15 m, còn lại là lề gia, dải an toàn, dải phân cách giữa.

Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường khoảng 614 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2023, trong đó dự kiến khởi công dự án trong năm 2022; hoàn thành dự án và đưa vào khai thác sử dụng năm 2023. (Xem thêm)

Thủ tướng: '10 năm tới cần làm gần 4.000km đường cao tốc mới, đầu tư PPP là chính'

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tại cuộc họp, Chính phủ thống nhất 5 quản điểm lớn. Cụ thể là trong 20 năm qua chúng ta chỉ làm được gần 1.200 km đường bộ cao tốc. Trong 10 năm tới (2021 - 2030), chúng ta cần phải làm gần 4.000 km đường bộ cao tốc mới.

Thứ hai, với nhiệm vụ được giao, ngân sách nhà nước cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Do vậy phải huy động tất cả các nguồn lực khác, cả trong và ngoài nước. Vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính.

Thứ ba, kế hoạch đầu tư cần hợp lý giữa các vùng, miền, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, những vùng động lực; phải có trọng tâm, trọng điểm (tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, các tuyến vành đai của thành phố Hà Nội và TP. HCM) và lộ trình phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.

Thứ tư là phải đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng; giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.

Cuối cùng là cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, tất cả phải vì dân, vì nước, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. (Xem thêm)

Loạt dự án giao thông lớn sắp được ưu tiên đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long về đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ GTVT, trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.

Để phát huy lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong các quy hoạch nêu trên, giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.

Cụ thể, các dự án được kiến nghị ưu tiên bao gồm: đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Hà Tiên - Rạch Giá, Hồng Ngự - Trà Vinh; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ; đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng.

Ngoài ra còn có các dự án khác như nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam; nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; nâng cấp 3 tuyến đường thủy nội địa (kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, sông Hàm Luông, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau). (Xem thêm)

Tin mới lên