Bất động sản

Giao thông tuần qua: Qantas tặng Vietnam Airlines 30% cổ phần Pacific Airlines, Vietravel Airlines cất cánh ngày 18/12

(VNF) - Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group dự tính tặng lại Vietnam Airlines 30% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines; hãng hàng không Vietravel Airlines dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12/2020; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước bác đề xuất xây sân bay Điện Biên của ACV... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Qantas tặng Vietnam Airlines 30% cổ phần Pacific Airlines, Vietravel Airlines cất cánh ngày 18/12

Qantas 'cho không' Vietnam Airlines 30% cổ phần tại Pacific Airlines.

Thông xe kỹ thuật cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Chiều 15/10, Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Như vậy, thời gian lưu thông từ cầu Vàm Cống (Cần Thơ) về Rạch Giá (Kiên Giang) xuống còn 50 phút (thay vì 2 tiếng như hiện nay).

Trao đổi với VietnamFinance, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ giúp tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan đến Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai, tạo thành trục dọc nối từ TP. HCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, là tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được xây dựng.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khởi công từ ngày 17/1/2016. Dự án có chiều dài 51km, bắt đầu từ điểm cuối tuyến cầu Cao Lãnh - Vàm Cống, thuộc TP Cần Thơ chạy đến điểm giao tuyến tránh TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tổng mức đầu tư 6.355,3 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án sẽ thông xe chính thức vào cuối tháng 12 năm nay.

Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có 4 làn xe ô tô lưu thông, mặt đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe, mặt đường bê tông nhựa, vận tốc 100km/h. (Xem thêm)

Qantas 'cho không' Vietnam Airlines 30% cổ phần tại Pacific Airlines

"Trong bối cảnh bản thân đang rất khó khăn, Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group dự tính tặng lại Vietnam Airlines 30% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines trong tháng 10/2020", ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines nói.

Ông Tuấn cũng cho biết: "Hiện tại, việc đàm phán giữa 2 bên đã hoàn tất và đang báo cáo với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về vấn đề này. Dù là "tặng" với giá 0 đồng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ".

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Cường cho biết: Việc Qantas Group tặng hay "cho không" 30% cổ phần trong bối cảnh hiện nay cũng không quá quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng. Bởi lẽ cho dù chuyển giao hay không thì Vietnam Airlines vẫn nắm 70% vốn, như vậy, tính ra Nhà nước vẫn đang chiếm 59% vốn và giữ vai trò chi phối.

"Vì thế, việc đưa ra hỗ trợ Pacific Airlines tới đây là cần thiết khi Nhà nước đang nắm vai trò chủ sở hữu, hy vọng đó sẽ là tiền đề giúp hãng vượt qua khó khăn, trong bối cảnh hiện nay“, ông Cường nói. (Xem thêm)

Hơn 5.300 tỷ xây đường nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo đó, dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư là 5.326,5 tỷ đồng (tăng 340,5 tỷ đồng) và sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn I (2017 - 2021) sẽ đầu tư 2.839 tỷ đồng (tăng 243 tỷ đồng). Giai đoạn II (2021 - 2025) sẽ đầu tư 2.487,5 tỷ đồng (tăng 97,5 tỷ đồng); được triển khai khi có chủ trương về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu nguồn vốn, giai đoạn I, vốn ngân sách trung ương (trái phiếu chính phủ) là 1.200 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 1.639 tỷ đồng (tăng 243 tỷ đồng).

Trong khi đó, giai đoạn II sẽ cân đối trong kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Từ năm 2017 đến năm 2021, dự án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh nền đường và cầu cống trên tuyến theo quy mô dự án đối với những đoạn chưa có tuyến; triển khai thông tuyến theo quy mô mặt đường giai đoạn I. Từ năm 2021 đến năm 2025, dự án triển khai giai đoạn II và  hoàn thành toàn tuyến theo quy mô dự án. (Xem thêm)

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước bác đề xuất xây sân bay Điện Biên của ACV

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Theo Uỷ ban Quản lý vốn, dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với quy định về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.

Uỷ ban Quản lý vốn cho rằng nếu việc tính toán hiệu quả tài chính của dự án trên cơ sở chỉ có các nguồn thu từ khu hàng không dân dụng trong khi ACV phải bỏ vốn đầu tư cả khu bay sẽ không đúng bản chất và không phù hợp.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và ACV, cảng hàng không Điện Biên không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới, không phải là cảng hàng không trung chuyển chính, không phải cảng hàng không có tiềm năng du lịch, đến nay khai thác chưa hết công suất, nhưng cũng chưa có chủ trương đóng cửa.

“Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay cảng hàng không Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp khả năng cân đối vốn nguồn vốn của ACV”, văn bản của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước nêu rõ. (Xem thêm)

Chủ tịch Vietravel Airlines: 'Chúng tôi sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12'

Phát biểu tại diễn đàn kinh doanh "Xuyên qua vùng nhiễu động" do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 15/10, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết doanh nghiệp này vừa nhận được giấy phép bay hôm qua (14/10), nếu không có gì thay đổi, hãng sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12. Trước mắt, hãng sẽ bay nội địa, chủ yếu phục vụ các tour du lịch của công ty, bên cạnh phần nhỏ là khách thương mại.

Theo ông Kỳ, Covid-19 buộc Vietravel phải tái cấu trúc doanh nghiệp về hoạt động vận hành và bộ sản phẩm, để phù hợp với thị trường. Trong đó, công ty này sẽ tập trung cho thị trường nội địa.

Cũng theo ông Kỳ, du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19. Năm nay, thị trường inbound (khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) mất khoảng 85% thị trường, lượng khách dự kiến chỉ còn 3,8 triệu lượt. Thị trường outbound (người trong nước đi du lịch nước ngoài) giảm 85 - 95% do đóng cửa. Tổng lượt khách giảm bình quân 70%, doanh thu chỉ còn tầm 20-22% so với cùng kỳ năm ngoái, mức suy giảm chưa từng có kể từ năm 1997.

Tuy nhiên, ông Kỳ cho biết trong tháng 7/2020, doanh thu Vietravel đạt được rất bất ngờ khi tập trung khai thác thị trường trong nước cao hơn cả doanh thu những tháng trước dịch. (Xem thêm)

Tin mới lên