Bất động sản

Giao thông tuần qua: Sắp 'khai tử' Tổng công ty Cửu Long, sửa mặt cầu Thăng Long từ ngày 8/8

(VNF) - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có văn bản đồng ý chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long (CIPM); sẽ chính thức cấm xe lưu thông trên cầu Thăng Long để sửa mặt đường từ ngày 8/8; xây dựng sân bay Quảng Trị cần 8.014 tỷ đồng... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Sắp 'khai tử' Tổng công ty Cửu Long, sửa mặt cầu Thăng Long từ ngày 8/8

Chính thức sửa mặt cầu Thăng Long từ ngày 8/8, đến quý IV/2020 phải hoàn thành.

Sắp thêm những cây cầu nghìn tỷ nào bắc qua sông Hồng trong năm nay?

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, quy hoạch giao thông thành phố đến năm 2030 sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Hiện nay đã có 8 cầu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.

Ngoài ra, trong quy hoạch sẽ có thêm 10 cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).

Gần đây nhất, đầu tháng 7/2020, Hà Nội đã công bố những hình ảnh thiết kế đầu tiên về cầu Trần Hưng Đạo kết nối giữa Quận Hoàn Kiếm và Long Biên.

Cây cầu này có tổng mức đầu tư 9.000 tỷ VNĐ, với chiều dài khoảng 5,5km và chiều rộng 31m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 dải đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h. Cây cầu này  khi hoàn thành sẽ giảm tải lưu lượng giao thông qua cầu Vĩnh Tuy và Chương Dương,  rút ngắn thời gian di chuyển từ các Long Biên, Văn Giang về Hoàn Kiếm.

Trước đó, vào cuối tháng 6/ 2020, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2. Dự kiến, cây cầu  sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới đây với tổng mức đầu tư 2. 500 tỷ. Cầu có điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Cổ Linh và Thạch Bàn.

Cuối tháng 5/ 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về việc xây dựng cầu Mễ Sở vượt sông Hồng. Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 13,8km, chiều rộng là 17m với tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng. Điểm đầu dự án là nút giao quốc lộ 1 với đường vành đai 4 thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội). Điểm cuối là nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 4, thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Một dự án đáng chú ý khác đó là cầu Ngọc Hồi, đây là cây cầu đã được phê duyệt nhiều năm nay nhưng vẫn chưa chốt mốc thời gian xây dựng.

Ngày 4/4/2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã kí ban hành Quyết định số 1572/QĐ-UBND về phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Quốc lộ 6 đến điểm giao với cầu Ngọc Hồi dự kiến (đoạn giao với đê sông Hồng), tỉ lệ 1/500 tại quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Theo quy hoạch, cầu Ngọc Hồi nối với đường Hà Nội - Hưng Yên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Như vậy, với quy hoạch này, trong tương lại khi xây dựng cầu Ngọc Hồi, cầu Thanh Trì sẽ không còn cảnh ùn tắc khi phương tiện có nhiều sự lựa chọn hơn. (Xem thêm)

Bộ GTVT ủng hộ sớm làm dự án vành đai 66.500 tỷ sau gần 10 năm 'nằm trên giấy'

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội liên quan đến tuyến đường vành đai 4 đi qua Hà Nội từ nút giao Vành đai 4 với đường cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ đến Quốc lộ 32.

Theo đó, cử tri đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành sớm khởi công tuyến đường vành đai 4 đi qua TP. Hà Nội từ nút giao vành đai 4 với đường cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ đến Quốc lộ 32.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết tuyến đường vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1278/QĐ-TTg với quy mô cao tốc 6 làn xe, chiều dài khoảng 98km,  tiến độ xây dựng trước năm 2020, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

Đối với các đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội do UBND TP. Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện đầu tư.

Hiện, UBND TP. Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường Vành đai 4 đoạn nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Pháp Vân - cầu Giẽ theo hình thức PPP (đoạn tuyến từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ thuộc đoạn tuyến này).

Bộ GTVT nhận định đường Vành đai 4 là tuyến đường kết nối quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Thủ đô, gắn phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông đô thị và có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế các tỉnh trong vùng Thủ đô.

"Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của cử tri cần sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 nói chung, đoạn tuyến nối cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ đến QL.32 và đề nghị UBND TP. Hà Nội thông báo đến cử tri được biết về tiến độ thực hiện đầu tư công trình", văn bản trả lời cử tri của Bộ GTVT nêu rõ. (Xem thêm)

5 ứng viên lọt vòng đấu thầu cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh, hiện có 5 liên danh nhà thầu vượt qua sơ tuyển để đấu thầu thi công cao tốc Nha Trang - Cam Lâm theo mô hình PPP (đối tác công tư). Ngày 21/7, Ban QLDA đã phát hành hồ sơ mời thầu, giá bán một bộ hồ sơ là 20 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, có 4 liên danh và 1 nhà đầu tư độc lập trúng sơ tuyển dự án. Liên danh đầu tiên là Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân - Công ty Cổ phần Trường Long.

Liên danh thứ hai là Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An - Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô.

Liên danh thứ ba là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - CIENCO1 - Công ty Cổ phần 873 xây dựng công trình giao thông - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.

Liên danh còn lại là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Đáng chú ý, dự án này có 1 nhà đầu tư độc lập trúng sơ tuyển đó là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, 15h chiều ngày 21/7, đơn vị đã phát hành hồ sơ mời thầu nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm theo hình thức PPP. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thời điểm đóng thầu vào 15h ngày 21/9/2020.

Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, giá bán một bộ hồ sơ mời thầu là 20 triệu đồng; hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thấu rộng rãi trong nước; phương thức lựa chọn nhà đầu tư được quy định là một giai đoạn hai túi hồ sơ; thời gian thực hiện hợp đồng dự án khoảng 15 năm 11 tháng 26 ngày. (Xem thêm)

Sắp 'khai tử' Tổng Công ty Cửu Long

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có văn bản đồng ý chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long (CIPM) và thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận).

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 240/TB – VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về việc tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) được tổ chức hôm 7/7.

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực đồng ý chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long và thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Nội vụ hoàn thiện các dự thảo Quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận, sửa đổi Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 9/1/2018 và Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 2/3/2016 để bổ sung PMU Mỹ Thuận vào Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT và Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 8 năm 2020.

Trước đó, cuối tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp nghe báo cáo quá trình đề nghị thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận. Tại cuộc họp này, các đơn vị tham mưu cũng đề xuất chuyển CIPM trở thành Ban QLDA Mỹ Thuận. 

Theo các chuyên gia giao thông, "việc này chẳng khác gì "bình cũ rượu mới", bởi trước đó tiền thân của CIPM chính là Ban QLDA cầu Mỹ Thuận". (Xem thêm)

Cần 8.014 tỷ đồng xây mới sân bay Quảng Trị

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, cảng hàng không Quảng Trị có vị trí tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh; nằm ở phía Bắc, cách TP. Đông Hà 7km; là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự

Đây là cảng hàng không nội địa có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được xây dựng trên diện tích 594 ha.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng tại cảng hàng không Quảng Trị 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400m x 45m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m mỗi bên, hướng 04 – 22, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương; 1 sân đỗ đáp ứng tối thiểu 5 vị trí đỗ tàu bay A320/321; các công trình đảm bảo hoạt động bay đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng 1 nhà ga hành khách tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu ba, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…

Theo tính toán, để xây dựng mới cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.

Mục tiêu của dự án xây dựng cảng hàng không/sân bay nội địa tại Quảng Trị nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, tạo động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch. Khai thác tiềm năng lợi thế một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển 75km, thu hút đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Trị, đặc biệt là du lịch tâm linh. (Xem thêm)

Chính thức sửa mặt cầu Thăng Long từ ngày 8/8, đến quý IV/2020 phải hoàn thành

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết: Từ 8/8/2020, sẽ chính thức cấm xe lưu thông trên cầu Thăng Long để sửa mặt đường, thời gian hoàn thành dự kiến trong 150 ngày, với tổng kinh phí 270 tỷ đồng.

Tổng Cục ĐBVN cũng cho biết, trước đó, vào các năm 2013 - 2014, theo phương án của Tư vấn KEI (Nhật Bản) thì kinh phí sửa chữa mặt cầu Thăng Long là 313 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư sửa chữa sẽ trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.

Thực hiện dự án là liên danh nhà thầu gồm Thành Hưng – Vĩnh Hưng – Phương Thành – Thuận An. Thời gian ký hợp đồng thi công xây dựng từ ngày 20/7/2020.

Lãnh đạo Tổng Cục ĐBVN cũng cho biết: Sau khi nghiên cứu, các nhà đầu đi đến thống nhất phải gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ.

Phương án cụ thể như sau: Cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; Hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10; Rải lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén tối thiểu bằng 120MPa, chịu kéo ≥ 7,0MPa, chiều dày tối thiểu 6cm; Thảm bê tông nhựa polyme BTNP 12,5 dày 4,0cm; Thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; Sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Hiện tại, để sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng Cục ĐBVN cũng đã thực hiện công tác phân luồng đảm bảo giao thông. Cụ thể như, thực hiện công tác cắm biển báo, công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 20/7/2020 và tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7/2020 - 8/8/2020. Chính thức cấm cầu từ ngày 8/8/2020;

Đồng thời, thực hiện các công tác chuẩn bị: huy động vật liệu, nhân lực, thiết bị thi công; thực hiện các thí nghiệm vật liệu từ 23/7/2020 – 8/8/2020. Triển khai thi công trên mặt cầu bắt đầu từ 8/8/2020 và hoàn thành trong Quý IV/2020. (Xem thêm)

Thủ tướng kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành: 'Ai không làm thì đứng ra một bên'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí quan trọng của Đồng Nai, tỉnh có quy mô kinh tế hơn 17 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.300 USD. Do đó, Thủ tướng cho rằng việc xem xét, tháo gỡ các vấn đề đặt ra đối với địa phương trọng điểm như Đồng Nai là rất quan trọng.

Trả lời cho câu hỏi cú hích cho Đồng Nai phát triển trong năm nay là gì?, Thủ tướng cho rằng, trước hết là dự án sân bay Long Thành với hạng mục giải phóng mặt bằng. Số vốn 23.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng của dự án là rất lớn, cần có biện pháp quyết liệt cho công tác này.

"Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm, cần xử lý dứt điểm vấn đề mặt bằng", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Nội dung nữa Thủ tướng đặt ra là giải quyết những vướng mắc liên quan tới cao tốc Long Thành – Dầu Giây, không để công trình dở dang kéo dài.

Thứ ba, Thủ tướng đề nghị tỉnh báo cáo tình hình chung về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, biện pháp nào để đạt tiến độ giải ngân đề ra cho năm 2020.

Trước cuộc làm việc này, Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ đã trực tiếp thị sát, kiểm tra việc thi công khu dân cư tái định cư xã Lộc An - Bình Sơn. Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ, “làm ngày làm đêm”, đồng thời phải lưu ý bảo đảm chất lượng, không để tình trạng “làm trước hỏng sau”. (Xem thêm)

Tin mới lên