Bất động sản

Giao thông tuần qua: Sắp trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, lùm xùm vụ dán chồng thẻ ETC

(VNF) - Trình Bộ Chính trị xem xét chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào tháng 9; gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị VETC dán chồng thẻ eTag... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Sắp trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, lùm xùm vụ dán chồng thẻ ETC

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chủ

UBND TP. Cần Thơ vừa giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ (Ban 1) làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 2, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ.

UBND TP. Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị có liên quan tiếp nhận hồ sơ và triển khai các thủ tục tiếp theo đảm bảo đúng quy định; đồng thời kiện toàn tổ chức, nhân sự đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua địa bàn các tỉnh/thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng.

Chính phủ giao UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1, UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2.

UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 3 và UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản dự án thành phần 4. (Xem thêm)

Hà Nội chọn nhà thầu làm đường 3.200 tỷ nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với tổng mức đầu tư hơn 3.241,5 tỷ đồng.

Theo đó, quý III/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội chọn nhà thầu thực hiện 12 gói thầu. Trong đó, 3 gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng gồm: gói thầu số 01 tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng công trình (TKKT-DTXDCT, không bao gồm các hạng mục công trình ngầm nổi, có giá là 31,277 tỷ đồng); gói thầu số 02 tư vấn thẩm tra TKKT-DTXDCT; gói thầu số 03 tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán di chuyển đường dây cao thế 110kV - 220kV, điện trung thế, hạ thế. Các gói thầu còn lại áp dụng chỉ định thầu rút gọn.

Tháng 6 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3.

Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 3,4km, điểm đầu giao với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; điểm cuối giao với đường Vành đai 3. Quy mô mặt cắt ngang nền đường 60m; diện tích sử dụng đất khoảng 31,05ha.

Tổng mức đầu tư là hơn 3.241 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội. (Xem thêm)

Trình Bộ Chính trị xem xét chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào tháng 9

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Ban chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đã rà soát, cập nhật bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Trong quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học; đã thống nhất bằng văn bản với 20 địa phương có dự án đi qua; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan và đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2/2019.

Đến ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và lấy ý kiến Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ GTVT đã tiếp thu, hoàn thiện và trình Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào ngày 20/9/2021.

Tuy nhiên, do dự án đang được hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị báo cáo Bộ Chính trị cho phép lùi thời hạn báo cáo về chủ trương đầu tư dự án đến khi có kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định.

Theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022, dự kiến tháng 9/2022, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án. (Xem thêm)

Gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị VETC dán chồng thẻ eTag

Thông tin này được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chỉ ra trong văn bản báo cáo Bộ GTVT về hiện tượng Công ty TNHH Thu phí tự động VETC tiếp tục đấu nối, dán chồng thẻ lên xe đã đăng ký dịch vụ ePass.

Cụ thể, trong văn bản này, Viettel cho biết hiện có rất nhiều trường hợp phương tiện đã được đấu nối thẻ định danh ePass của Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC - thành viên của Viettel) nhưng Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) vẫn tiếp tục mời chào và đấu nối thêm thẻ eTag.

Về vấn đề này, Viettel cho biết VDTC đã có 3 lần báo cáo bằng văn bản với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 1 văn bản với Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Viettel, dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác dán thẻ và có văn bản yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ thực hiện đấu nối dán thẻ đúng theo quy định. Tuy vậy, hiện tượng này không được VETC chấm dứt mà ngày càng có hiện tượng gia tăng và đẩy mạnh hơn.

Cụ thể, trong tháng 5/2022 có 3.400 xe thì từ 1/6 đến ngày 31/7 tiếp tục phát sinh thêm 12.637 xe đã sử dụng dịch vụ ePass bị đấu nối, dán chồng sang thẻ VETC. Lũy kế tính đến thời điểm ngày 31/7, tổng đã có 39.954 xe đã dán thẻ ePass bị đấu nối, dán chồng sang thẻ VETC. (Xem thêm)

Chuẩn bị khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gần 11.200 tỷ

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có chuyến đi kiểm tra tiến độ và công tác chuẩn bị khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, đi qua 5 huyện thị gồm: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu là 11.195 tỷ đồng. Điểm đầu dự án nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái).

Dự án được chia 2 dự án thành phần độc lập. Trong đó, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16km đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh và tuyến Tiên Yên - Móng Cái theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Đến nay, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào khai thác. Riêng tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài hơn 63km mới đạt 95%. 5% còn lại là phần trải bê tông nhựa tạo nhám, lắp hệ thống biển báo, thu phí và kẻ sơn đường.

Hiện nay, chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực tập trung cho giai đoạn thi công nước rút để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng và phấn đấu khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào đúng dịp 2/9/2022. (Xem thêm)

Tin mới lên