Bất động sản

Giao thông tuần qua: Sơn Hải trúng thầu dự án cao tốc hơn 5.500 tỷ, dự án Cát Linh - Hà Đông lại bị 'tuýt còi'

(VNF) - Tập đoàn Sơn Hải trúng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng; tư vấn Pháp 'tuýt còi' tổng thầu Trung Quốc sau 3 ngày chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông; hơn 16.500 tỷ đồng xây dựng đường kết nối Long An với TP. HCM... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Sơn Hải trúng thầu dự án cao tốc hơn 5.500 tỷ, dự án Cát Linh - Hà Đông lại bị 'tuýt còi'

Tập đoàn Sơn Hải trúng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm hơn 5.500 tỷ. (Ảnh minh họa)

7 trạm thu phí BOT chậm lắp đặt thu phí không dừng

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết hiện có 7 trạm thu phí BOT có tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) rất chậm, nguy cơ lỡ hẹn mốc 31/12/2020.

Các dự án BOT của 15 địa phương còn lại có 46 trạm thu phí, trong đó có 6 trạm đang xây dựng, chưa tổ chức thu phí. Trong số 40 trạm đang tổ chức thu, có 33 trạm đã lắp đặt xong hệ thống ETC; 7 trạm còn lại ở 3 tỉnh, thành là Thái Bình, TP. HCM và Đồng Nai dù đang triển khai lắp đặt, nhưng nguy cơ khó kịp tiến độ hoàn thành trước 31/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Đối với các trạm địa phương, hiện có một số vướng mắc, cụ thể 1 trạm thu phí trên QL39B của tỉnh Thái Bình chưa triển khai ETC, do trạm thu phí này có doanh thu thấp (dưới 10% so với phương án tài chính), thu không đủ chi phí quản lý

2 trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh (TP. HCM) lý do là trạm thu phí để thực hiện công tác bảo trì không ảnh hưởng bởi Quyết định 19 của Thủ tướng nên chưa triển khai. Hiện mới thực hiện công tác thẩm định để phê duyệt hạng mục thu phí lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Ngoài ra, 4 trạm thu phí của tỉnh Đồng Nai chưa phê duyệt được hạng mục lắp đặt hệ thống và chưa lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ ETC do chưa rõ thẩm quyền đơn vị thẩm định, phê duyệt hạng mục này.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau thời điểm 31/12, nếu đơn vị nào không triển khai đúng tiến độ sẽ phải dừng thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng. Vì vậy, các địa phương phải chủ động thực hiện để đáp ứng đúng tiến độ. (Xem chi tiết)

Hơn 16.500 tỷ đồng xây dựng đường kết nối Long An với TP. HCM

Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, tỉnh Long An sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT 827E kết nối với TP. HCM và tỉnh Tiền Giang. Đây là một trong ba công trình trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2021-2026.

Cụ thể, đường ĐT 827E có chiều dài hơn 35km, điểm đầu tại ranh giới tỉnh Long An - TP. HCM thuộc địa phận xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc và điểm cuối tại ranh giới tỉnh Long An - Tiền Giang, thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Tuyến đường này được thiết kế gồm 6 làn đường với vận tốc 60km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.500 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Cũng trên tuyến đường này, tỉnh Long An sẽ đầu tư xây dựng 3 cây cầu bắc qua các sông lớn gồm sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, với tổng nguồn vốn dự kiến gần 2.300 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. (Xem chi tiết)

Tập đoàn Sơn Hải trúng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm hơn 5.500 tỷ

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm với giá trị đề nghị trúng thầu (vốn góp của nhà nước - VGF) là 1.788,28 tỷ đồng/1.800,28 tỷ đồng.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm có điểm đầu tại Km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km54+00 trùng với điểm đầu dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc địa  phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông có thời gian xây dựng 2 năm; thời gian thu phí và vận hành khai thác là 16 năm 3 tháng 28 ngày.

Tổng vốn đầu tư dự án được cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình 5.536,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng; phần nhà nước tham gia trong dự án khoảng 2.979,16 tỷ đồng (phần vốn góp của nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án - VGF khoảng 1.800,28 tỷ đồng; phần vốn hỗ trợ của nhà nước khoảng 1.178,88 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). (Xem chi tiết)

Lãnh đạo huyện Ứng Hòa nói về quy hoạch sân bay thứ 2 ở Hà Nội

Chiều 15/12, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa nhận được câu hỏi liên quan đến việc các sở ngành của Hà Nội đang hoàn thiện văn bản để đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng thủ đô, trong đó cân nhắc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Trả lời câu hỏi trên, bà Hoàng Thị Vân Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, việc quy hoạch một cảng hàng không trên địa bàn huyện vừa qua được dư luận đặc biết quan tâm.

"Đây là vấn đề chưa chính thức, nhưng đây là một trong những vấn đề được huyện Ứng Hòa đang quan tâm", bà Hoàng Thị Vân Anh nói.

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, huyện Ứng Hòa đang đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép phối hợp với các sở ngành lập quy hoạch vùng để có định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030.

"Theo quy hoạch huyện chúng tôi thuộc vành đai xanh, nhưng cũng có hướng phát triển về công nghiệp, dịch vụ để kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân từng bước được nâng lên", lãnh đạo huyện Ứng Hòa nói thêm. (Xem chi tiết)

Lai Châu muốn xây hầm qua đèo Hoàng Liên 3.500 tỷ đồng

UBND tỉnh Lai Châu vừa văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam.

UBND tỉnh Lai Châu cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ về chuyên môn trong quá trình triển khai dự án.

Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên có điểm đầu tại Km 80+500, Quốc lộ 4D thuộc địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và điểm cuối tại Km 97+500, Quốc lộ 4D thuộc địa phận thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Dự án có chiều dài 9,1km và dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. (Xem chi tiết)

Tư vấn Pháp 'tuýt còi' tổng thầu Trung Quốc

Theo cam kết của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành từ tháng 1/2021. Chủ đầu tư đang cho chạy thử tổng thể 13 đoàn tàu 20 ngày dưới sự giám sát của tư vấn Pháp. Sau 3 ngày đầu tiên, tư vấn Pháp đã phát hiện có bất cập.

Khác với các lần vận hành kỹ thuật trước đây (chỉ 1- 2 đoàn tàu chạy), lần này, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT và tổng thầu Trung Quốc, đã cho chạy tất cả 13 đoàn tàu của dự án để kiểm tra các thông số kỹ thuật, kết nối liên hợp.

Về kết quả vận hành 3 ngày đầu tiên, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), cho biết, các lượt tàu đã được chạy đủ theo biểu đồ hoạt động; tổng số chuyến đạt 287 lượt/ngày; tần suất 6 phút/lượt vào giờ cao điểm, 10 phút/lượt vào giờ bình thường.

Ông Trường nói rằng tuyến đã bố trí cơ bản đủ 650 người vận hành trên tuyến, thời gian nhân viên trực và vận hành tàu là từ 5h đến 23h.

Theo thông tin mà phóng viên có được, một số quy trình vận hành để đảm bảo an toàn của tổng thầu Trung Quốc đã bị tư vấn Pháp “tuýt còi”. Cụ thể, khi đoàn tàu đang chạy trên tuyến, tư vấn Pháp đưa ra tình huống cháy xảy ra ở giữa tàu để đơn vị vận hành xử lý.

Với phương án này, theo yêu cầu của đại diện tổng thầu Trung Quốc, lực lượng vận hành không được bấm nút báo động để bơm khí tươi vào, vì đại diện tổng thầu giải thích rằng, khi cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm (hư hại tàu).

Nhưng tư vấn Pháp không chấp nhận cách xử lý này và yêu cầu khi xảy ra cháy trên tàu, lực lượng vận hành phải báo động và bơm khí tươi vào để giữ khí thở cho khách, còn tàu cháy thì phải chấp nhận. (Xem chi tiết)

Tin mới lên