Bất động sản

Giao thông tuần qua: Thủ tướng ra 'tối hậu thư' cho BOT, tổng thầu Trung Quốc thôi ‘đòi’ 50 triệu USD

(VNF) - Sau ngày 31/12, các trạm BOT chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, hoặc lắp đặt nhưng không sử dụng sẽ bị tạm dừng thu phí; tổng thầu Trung Quốc hiện không còn nhắc tới đề xuất thanh toán thêm 50 triệu USD trong các cuộc làm việc; máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng khi hạ cánh... là những thông tin giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Thủ tướng ra 'tối hậu thư' cho BOT, tổng thầu Trung Quốc thôi ‘đòi’ 50 triệu USD

Sẽ dừng hoạt động trạm BOT không lắp thu phí không dừng sau 31/12.

Thủ tướng ra 'tối hậu thư' cho BOT, yêu cầu dừng hoạt động nếu không lắp thu phí không dừng sau 31/12

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí đường bộ đang hoạt động phải chuyển sang hình thức thu phí tự động không dừng.

Về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng, Thủ tướng yêu cầu với các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay.

Với các trạm đang hoạt động, chậm nhất đến 31/12 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thu phí với các trạm BOT chưa thực hiện thu phí điện tử không dừng kể từ 31/12.

Nguyên tắc thu phí điện tử không dừng là tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa; tăng tốc độ lưu thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng; ngoài ra, phải bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Nguyên tắc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng cũng được đặt ra trong quyết định này, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Để giải quyết vướng mắc về việc mở tài khoản thu phí, quyết định của Thủ tướng lần này cho phép chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí ETC theo nhiều cách.

Cụ thể, để thanh toán bằng hình thức ETC, chủ phương tiện có thể nộp tiền trực tiếp hoặc liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác. Trường hợp phương tiện giao thông được gắn thẻ mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp.

Ngoài ra, doanh nghiệp được thu phí theo tháng, quý và năm. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí sẽ thực hiện trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện tại thời điểm đăng ký thanh toán theo hình thức tháng, quý, năm. (Xem thêm)

Cục Hàng không nói gì về sự cố máy bay trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất?

Cục Hàng không cho biết, ngày 14/6, chuyến bay mang số hiệu VJ322 khởi hành lúc 11 giờ 23 phút từ Phú Quốc đi TP. HCM khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 12 giờ 10 phút, do bất ngờ bị ảnh hưởng của thời tiết mưa gió lớn tại khu vực sân bay, tàu bay đã trượt ra ngoài mép đường cất hạ cánh 25L.

Ngay sau đó, lực lượng khẩn nguy tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã có mặt kịp thời và đưa được toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn vào nhà ga an toàn. Hành khách cũng đã nhận hành lý trong nhà ga và ra về bình thường.

Đường cất hạ cánh 25L sau đó được đóng cửa tạm thời để phục vụ công tác đưa tàu bay ra khỏi vị trí sự cố về sân đỗ. Đến 17 giờ 30 phút chiều cùng ngày, đường cất hạ cánh này được mở lại, các chuyến bay đi và đến Tân Sơn Nhất sẽ được điều chỉnh, sắp xếp hoạt động bình thường trở lại.

Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết đang phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và hãng hàng không Vietjet để điều tra nguyên nhân, giải quyết vụ việc theo quy định.

Trước đó, năm 2009, do mưa lớn, một tàu bay hạ cánh bị trượt khỏi đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tháng 7/2018, một tàu bay khác đã hạ cánh lệch vị trí tại sân bay Nội Bài do thời tiết xấu. (Xem thêm)

Vinalines sẽ đại hội cổ đông trong tháng 8/2020

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết: 'Sau 2 năm được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) xét duyệt và báo cáo Thủ tướng, dự kiến đến ngày 12/8/2020, Vinalines sẽ chính thức thực hiện đại hội cổ đông lần đầu".

Như vậy, nếu Vinalines thực hiện được đại hội đồng cổ đông lần thứ theo mốc thời gian trên thì đơn vị này sẽ khép lại lộ trình cổ phần hóa đã kéo dài suốt 6 năm qua.

Đặc biệt, suốt 2 năm nay (từ tháng 9/2018) Vinalines đã có nhiều văn bản đề nghị CMSC sớm cho phép đơn vị này tổ chức đại hội cổ đông để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, mục tiêu này liên tục bị lỡ hẹn.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch CMSC, cho hay phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.

"Sau khi Vinalines chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, chúng tôi đã thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục, thông qua phương án nhân sự tại công ty cổ phần xem xét giới thiệu nhân sự đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp"… (Xem thêm)

Tổng thầu Trung Quốc thôi ‘đòi’ 50 triệu USD

Trao đổi với báo chí liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đến nay đã có 28 nhân sự Trung Quốc đã sang Việt Nam. Trong số này, có 23 chuyên gia của tổng thầu và 5 nhân sự của đơn vị tư vấn giám sát dự án.

Hơn 100 nhân sự còn đang tiếp tục làm các thủ tục sang Việt Nam, dự kiến sẽ di chuyển bằng tàu hoả. Các nhân sự sang Việt Nam đều phải kê khai và kiểm tra y tế, phun khử trùng trước khi lên xe ô tô di chuyển về Hà Nội.

Riêng về khoản tiền 50 triệu USD phía tổng thầu đề nghị thanh toán thêm trước đó, đến nay hai bên đã hiểu nhau và tích cực hợp tác. Mặc dù đây là số tiền nằm trong khối lượng dự án đã thực hiện, nhưng hợp đồng EPC đã ký kết quy định rõ việc thanh toán và khối lượng thanh toán.

“Bộ GTVT rất chia sẻ với khó khăn của tổng thầu nhưng việc thanh toán số tiền này là không có cơ sở. Chúng tôi chỉ thanh toán theo hợp đồng đã ký và theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện tại phía tổng thầu không còn nhắc tới việc thanh toán này nữa”, ông Đông cho hay. 

Về hạn chót hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bên liên quan để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật. (Xem thêm)

Thủ tướng đồng ý làm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.827 tỷ

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận  - Cần Thơ, giai đoạn I.

Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km (địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km) với điểm đầu tại Km107+363,08 kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Cao tốc Mỹ Thuận  - Cần Thơ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường rộng17 m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư là 4.827,32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, trong đó vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 932 tỷ đồng, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 3.895,32 tỷ đồng.

Dự kiến công trình được khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023. (Xem thêm)

Kinh hoàng đá rơi giữa đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn

Khoảng 8h sáng ngày 15/6, khoảng hơn 10 viên đá lớn lăn từ trên đỉnh núi xuống cao tốc tốc Hạ Long - Vân Đồn làm bẹp dúm hộ lan đường. Có viên đá lăn ra giữa đường cao tốc rất nguy hiểm cho xe cộ khi lưu thông.

Theo quan sát của VietnamFinance, vị trí đá rơi tại Km30+694 đến Km30+780, thuộc xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Các viên đá có cỡ lớn với đường kính lên tới 50-60 cm, nặng đến gần 100kg, khiến 12m hộ lan bẹp dúm.

Đây không phải lần đầu đá rơi trên xuống đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, trước đó, khoảng 12h trưa ngày 17/5, một tảng đá có đường kính khoảng 30cm (to như quả mít), cũng bất ngờ lăn xuống đường cao tốc.

Theo ghi nhận từ phóng viên VietnamFinance, trên toàn tuyến cao tốc này có 37 điểm sạt lở, với hàng trăm m3 đất đá tràn xuống công trường thi công dự án, trong đó có 10 điểm sạt lở lớn. Sau 3 năm xử lý, khắc phục hiện vẫn còn một số điểm nguy cơ sạt trượt cao", một nhà thầu cho biết.

Phía chủ đầu tư cho hay, về cơ bản cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đi qua vùng đồi núi, do phải xẻ núi, bạt đồi nên việc thi công hết sức khó khăn. Nhiều khu vực bị sạt trượt nặng sau mỗi trận mưa lớn. (Xem thêm)

Tin mới lên