Bất động sản

Giao thông tuần qua: Thủ tướng ra 'tối hậu thư' cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Vietnam Airlines sắp hết tiền

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020; Vietnam Airlines có thể cạn tiền vào tháng 8 nếu không được hỗ trợ, Chi phí GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tăng gần 1.300 tỷ... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Thủ tướng ra 'tối hậu thư' cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Vietnam Airlines sắp hết tiền

Thủ tướng yêu cầu đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác trong năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Quan trọng là có tiền chúng ta mới có được dự án'

Ngoài việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc 5 dự án còn lại liệu thành công hay không? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết 5 dự án còn lại phải huy động hơn 22.000 tỷ đồng, bình quân mỗi dự án phải thu hút hơn 4.000 tỷ đồng. Một dự án BOT trước đây khoảng 1.000 -1.500 tỷ đồng, còn bây giờ dự án này bình quân hơn 4.000 tỷ đồng. 

"Nếu không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được. Không khởi công được thì muốn khởi công phải báo cáo lại Quốc hội", Bộ trưởng Thể nói và khẳng định nếu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước mà huy động vốn trái phiếu chính phủ thì lợi ích đem lại cho xã hội cũng rất lớn.

“Quan trọng là có tiền chúng ta mới có được dự án”, ông Thể nhấn mạnh và chia sẻ thêm “áp lực rất lớn” khi quyết tâm thực hiện dự án này.

Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định khi chuyển qua đầu tư công, Bộ GTVT đã chuẩn bị điều chỉnh thiết kế, phân chia gói thầu và hoàn thành dự toán, chỉ chờ nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ thì phê duyệt, không phải đấu thầu nữa.

"Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng, tới thời điểm tháng 6, tháng 7 là phát hành hồ sơ mời thầu, các nhà thầu sẽ tham gia trong 3 tháng, đến cuối tháng 9 sẽ có kết quả và khởi công một vài gói thầu. Có nghĩa rằng nếu chuyển sang đầu tư công thì toàn bộ các gói thầu của 3 dự án này sẽ khởi công trong năm nay. Còn nếu làm theo hình thức PPP thì tháng 11, tháng 12; nếu không có nhà đầu tư thì chúng ta phải quay lại báo cáo; tới tháng 6/2021 mà không thu xếp được tín dụng cũng phải báo cáo", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. (Xem thêm)

Thủ tướng yêu cầu đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác trong năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành và Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Theo văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo nhiệm vụ được giao để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Riêng về các dự án đầu tư, nâng cấp và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án sửa chữa đường cất hạ cánh Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 (trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổ chức lại giao thông ở các tuyến phức tạp, khắc phục tình trạng ùn tắc và xoá bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm có phương án giải quyết những khó khăn của lĩnh vực đường sắt.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nâng cao hiệu quả việc quản lý và khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô kinh doanh vận tải, kết nối, chia sẻ với lực lượng công an để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường kiểm soát  tải trọng phương tiện giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và tại các đầu mối hàng hoá lớn. (Xem thêm)

Chính thức thu phí không dừng cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình

Chiều 10/6, tất cả các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã chính thức triển khai dịch vụ thu phí không dừng.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Phương Thành (chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) cho biết, đến nay, công ty đã đầu tư ETC trên 44 làn của tuyến cao tốc, nhưng thời điểm này tại mỗi trạm thu phí mới chỉ mở 2 làn ETC (1 làn ra, 1 làn vào) do lượng phương tiện chưa sử dụng thẻ ETC vẫn chiếm số lượng lớn, nếu mở nhiều làn thu phí ETC dễ dẫn tới ùn tắc.

“Trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lưu lượng xe hiện tại vào khoảng 60.000 xe/ngày đêm, nhưng tỷ lệ phương tiện sử dụng thẻ ETC chỉ chiếm khoảng 5%, một con số rất nhỏ”, ông Khôi nói.

Còn theo đại diện Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, trên đoạn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do đơn vị đang quản lý đã đầu tư lắp đặt xong 15 làn thu phí ETC, 25 làn còn lại công ty đang xin cơ chế và thu xếp vốn để đầu tư.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty VETC cho biết, những ngày qua, lượng chủ xe dán thẻ tăng mạnh so với trước đó. Thậm chí, mỗi ngày có khoảng 30 - 40 khách hàng chủ động liên hệ với Công ty để được hướng dẫn dán thẻ ETC. Tính đến nay, đã có khoảng 850.000 phương tiện dán thẻ ETC, nhưng tỷ lệ sử dụng mới chỉ chiếm khoảng 36%.

“Hiện VETC đang làm việc với ngân hàng và các ví điện tử để có thể triển khai nạp tiền trực tiếp từ các ví điện tử vào tài khoản ETC, đồng thời miễn phí chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ETC.

Dự kiến, từ 1/8 tới đây, khách hàng chuyển khoản từ tài khoản của ngân hàng BIVD vào tài khoản ETC sẽ không mất phí, tiến tới việc liên thông giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản ETC sẽ ngày một linh hoạt hơn theo hướng tự động chuyển tiền khi tài khoản ETC hết hoặc không đủ tiền lưu thông”, ông Vinh nói. (Xem thêm)

Chi phí GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tăng gần 1.300 tỷ

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài khoảng 99km. Trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km đi qua địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP. Long Khánh. Để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất khoảng 412ha.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào tháng 7/2018. Đến tháng 10/2018, dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tổng mức đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai là hơn 1.400 tỷ đồng.

Trong năm 2019, nguồn kinh phí đã bố trí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 545 tỷ đồng. Đối với năm 2020, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo báo cáo của các địa phương là hơn 2.100 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến nay, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai là gần 2.700 tỷ đồng. Con số này đã vượt gần 1.300 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt.

Nhận định về nguyên nhân kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng do giá đất cụ thể để tính toán bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi tại địa bàn được áp dụng theo giá đất cụ thể năm 2020.

Kéo theo đó, giá đất để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cũng áp dụng bảng giá đất năm 2020. Ngoài ra, tại khu vực lõi nút giao tại xã các xã trên địa bàn cũng phát sinh phần diện tích ngoài phạm vi thu hồi của dự án nên phải thực hiện bồi thường cho phần diện tích này.

Bên cạnh đó, một số trường hợp người dân có một phần đất thuộc phạm vi dự án bị thu hồi nhưng có đề nghị thu hồi, bồi thường, hỗ trợ luôn cả phần diện tích đất còn lại nằm ngoài phạm vi thu hồi nhưng không thể tiếp tục sử dụng (bao gồm phần tài sản trên đất như nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản khác...). Do đó, hội đồng bồi thường dự án phải tính toán, bổ sung cho phần diện tích nằm ngoài phạm vi thu hồi và bổ sung các chính sách hỗ trợ dẫn đến tăng kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án.

Từ thực tế này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án) khẩn trương tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, điều chỉnh lại tổng mức đầu tư dự án và sớm bố trí nguồn vốn năm 2020 phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. (Xem thêm)

Vietnam Airlines sắp hết tiền nếu không được hỗ trợ

Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, dự kiến cả năm 2020, doanh thu của hãng giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, lỗ gần 20.000 tỷ đồng. Mặc dù đã cắt giảm mọi chi phí có thể, hãng vẫn lỗ khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng.

Với quy mô hiện tại, không được bay một tháng, hãng lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Máy bay "nằm đất", hãng vẫn chi trả nhiều chi phí cố định.

Đồng thời, chỉ trong giai đoạn giữa tháng 2 đến cuối tháng 3, doanh nghiệp này đã phải trả gần 4.400 tỷ đồng tiền hoàn vé cho khách hàng vì các chuyến bay bị huỷ.

Từ cuối tháng 5, hãng khôi phục được tần suất các chuyến nội địa, lượng khách phục hồi theo hình chữ V nhưng hãng cũng vẫn chưa giảm mức lỗ được xuống 1.000 tỷ đồng.

Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cho rằng nếu không được Chính phủ - cổ đông lớn nhất hỗ trợ, đến tháng 8, hãng có thể cạn tiền và rơi vào trạng thái rất xấu sau đó.

Trước khi xin trợ giúp, Vietnam Airlines đã làm tất cả những gì có thể như cắt giảm chi phí, lương phi công, tiếp viên... Đây là những "giải pháp bắt buộc, đau đớn" nhưng cũng chỉ giảm chi phí được 4.300 – 4.500 tỷ đồng, theo ông Hiền.

Do chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó Covid-19 rất sớm - ngay từ đầu tháng 2, Vietnam Airlines đàm phán với các đối tác giãn nợ, hỗ trợ để giữ dòng tiền, có đối tác giảm cho hãng hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay năm nay. 

Ông Hiền cho biết: “Dự báo, trong năm 2020, Vietnam Airlines thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng, chúng tôi đã tự xoay sở 1 phần, hiện còn thiếu 12.000 tỷ đồng cần hỗ trợ. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không”. (Xem thêm)

Tin mới lên