Bất động sản

Giao thông tuần qua: Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 552km cao tốc Bắc - Nam

(VNF) - Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đầu tư 9 dự án thành phần theo hình thức PPP, chiều dài 552km, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - Nha Trang (Khánh Hòa), Cần Thơ - Cà Mau là một trong những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 552km cao tốc Bắc - Nam

Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 552km cao tốc Bắc - Nam.

Trình Quốc hội quyết định đầu tư thêm 552km cao tốc Bắc - Nam

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký tờ trình trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bao gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km); Quảng Ngãi - Nha Trang (353km); Cần Thơ - Cà Mau (109km), với tổng chiều dài toàn tuyến là 729km.

Dự án sẽ được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, đầu tư giai đoạn phân kỳ (quy mô 4 làn xe) theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 154.527 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 73.495 tỷ đồng.

Sau khi tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều mặt, Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đầu tư 9 dự án thành phần theo hình thức PPP, chiều dài 552km, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - Nha Trang (Khánh Hòa), Cần Thơ - Cà Mau.

3 dự án thành phần, gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) có chiều dài khoảng 177km sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư theo các dự án độc lập sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước và sẽ triển khai đầu tư khi cân đối được nguồn vốn, trường hợp khó khăn sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030

Theo phương án đầu tư 9 dự án và giải phóng mặt bằng 3 dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn dự án còn khoảng 124.619 tỷ đồng, bao gồm 62.991 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách và 61.628 tỷ đồng vốn nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. (Xem thêm)

Cục Hàng không "tuýt còi" 5 hãng hàng không bán vé bay nội địa

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi 5 hãng hàng không, gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines về việc dừng mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ) trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm túc việc dừng mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành kế hoạch chính thức. (Xem thêm)

Vietnam Airlines tuyên "thoát" âm vốn chủ sở hữu

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) cho biết sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, Vietnam Airlines được bổ sung đáng kể về nguồn vốn và dòng tiền, đảm bảo điều kiện niêm yết trên sàn HoSE.

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines bị đình trệ và rơi vào trạng thái khó khăn, kéo theo hệ lụy tất yếu là thâm hụt dòng tiền và suy giảm vốn chủ sở hữu.

Trước tình hình khó khăn đó, Vietnam Airlines đã triển khai phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, đợt phát hành đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 5/8 đến 14/9 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán với số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng.

Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE.

Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã công bố, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Do đó, nếu không thể sớm tăng vốn điều lệ, cổ phiếu của Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trước tình hình này, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu. (Xem thêm)

Phó thủ tướng "lệnh" Bộ GTVT sớm triển khai các hạng mục tại dự án sân bay Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành và hỗ trợ vốn xây dựng tuyến giao thông kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương chuẩn bị và thực hiện đầu tư các công trình thuộc dự án thành phần 1 theo quy định, bảo đảm triển khai đồng bộ các công trình.

Bộ Xây dựng được yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp bình ổn thị trường, cập nhật và điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các hạng mục công trình; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ của dự án; kiến nghị tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ (nếu cần). (Xem thêm)

Thủ tướng đồng ý giao 5 địa phương chủ trì làm đường Vành đai 4 TP. HCM

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP. HCM.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn Phú Mỹ-Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18km.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn Bàu Cạn-cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn cầu Thủ Biên-Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49km.

UBND TP. HCM là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn-kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn kênh Thầy Cai-Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh), chiều dài khoảng 71km.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. HCM và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm tổ chức triển khai các dự án theo đúng quy định. (Xem thêm)

4 nhà đầu tư đề xuất làm đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP. Hà Nội báo cáo tổng thể tuyến đường Vành đai 4. Theo đó, tuyến đường Vành đai 4 được chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98km.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, qua rà soát tính toán sơ bộ để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, phương án 1 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng; còn theo phương án 2 cần nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng.

Dựa trên thiết kế dự án do Bộ Giao thông Vận tải lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Cụ thể, Công ty Cổ phần tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.

Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng. (Xem thêm)

Tin mới lên