Bất động sản

Giao thông tuần qua: Vay 1 tỷ USD làm tuyến metro số 2, xem xét tăng dần chuyến bay đến các nước

(VNF) - Chính phủ đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp khoản vay mới trị giá khoảng 1 tỷ USD để đảm bảo nguồn vốn cho metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; xem xét việc mở các đường bay thương mại tới một số quốc gia có hệ số an toàn dịch bệnh cao... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Vay 1 tỷ USD làm tuyến metro số 2, xem xét tăng dần chuyến bay đến các nước

Dự án có chiều dài hơn 11km, trong đó đi ngầm 9,2km, còn lại chạy trên cao.

Vietravel Airlines tiếp tục 'lỡ hẹn' giấy phép bay vì Covid-19

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, Vietravel Airlines rà soát, đánh giá bổ sung hoạt động vận tải hàng không, kế hoạch chuẩn bị máy bay, phương án kinh doanh trước khi cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Trước đó, ngày 14/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghe báo cáo về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines.

Trên cơ sở báo cáo của Vietravel Airlines và ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Bộ GTVT đánh giá: về cơ bản, hồ sơ của Vietravel Airlines đáp ứng đầy đủ quy định về kinh doanh trong lĩnh vực hàng không; phù hợp với quyết định của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và đã lan rộng trên toàn thế giới, để hoạt động kinh doanh của Vietravel Airlines đảm bảo hiệu quả và khả thi sau khi đi vào hoạt động, Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp này phân tích, đánh giá bổ sung đối với hoạt động vận tải hàng không hiện nay (đội máy bay, hạ tầng cơ sở cảng hàng không, sân bay, nhu cầu vận chuyển...).

Bên cạnh đó, Vietravel Airlines cần có kế hoạch chuẩn bị máy bay để có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC), rà soát phương án kinh doanh của đề án trong bối cảnh thị trường hàng không và du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19; làm rõ thêm việc hợp tác với các hãng hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không trong nước trong tình hình hiện nay và sắp tới.

Với Cục Hàng không, Bộ GTVT yêu cầu rà soát, báo cáo đánh giá bổ sung về những thuận lợi, khó khăn hiện nay trong ngành hàng không (thuê và bảo dưỡng máy bay, hạ tầng cơ sở, giám sát an toàn của nhà chức trách hàng không, nguồn nhân lực...) ảnh hưởng đến Vietravel Airlines;

Đồng thời phối hợp với Vụ Vận tải cập nhật vào dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện và báo cáo Bộ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. (Xem thêm)

Thủ tướng: 'Xem xét mở các đường bay thương mại tới một số quốc gia'

Phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 tổ chức chiều 27/8, Thủ tướng nhận định đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia.

Bên cạnh đó, mục tiêu kép đặt ra bước đầu được thực hiện tốt như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để không đứt gãy nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế không được chủ quan, coi thường, quán triệt tinh thần “sống chung với dịch”.

Thủ tướng cũng cho rằng việc đề cao cảnh giác để dịch không xâm nhập vào các địa bàn dân cư là yêu cầu cấp bách hiện nay. Nếu có, phải khoanh vùng nhanh, xử lý nhanh, không để dịch lây lan diện rộng.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xem xét sát sao, đề xuất với Thủ tướng về việc mở các đường bay thương mại tới một số quốc gia có hệ số an toàn dịch bệnh cao.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì điều phối các chuyến bay đưa người Việt mắc kẹt ở nước ngoài về Việt Nam và chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam bằng các hình thức linh hoạt, tránh quá tải các cơ sở cách ly tập trung.

Về vấn đề hỗ trợ an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng, địa phương làm được gì tốt cho doanh nghiệp, cho cơ sở sản xuất nói chung, cho người nghèo thì cố gắng vận dụng. (Xem thêm)

Bộ GTVT yêu cầu xử lý nghiêm hành vi chuyển nhượng thầu, bán thầu trái pháp luật

Bộ GTVT vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án xây dựng giao thông.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu người đứng đầu các đơn vị liên quan lấy nội dung “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ - Hiệu quả" là yếu tố hàng đầu, trọng tâm trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông nhằm đạt mục tiêu tất cả các dự án, công trình được quản lý, thực hiện theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm, quy định về đầu tư xây dựng, thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, không để xảy ra vi phạm về chất lượng.

Các chủ thể tham gia xây dựng công trình phải thực hiện tốt nhiệm vụ từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thi công xây lắp, giám sát, nghiệm thu và bảo hành công trình bằng việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, siết chặt kỷ cương, bảo đảm quản lý chặt chẽ trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có vi phạm quy trình về trình tự, thủ tục, chất lượng, tiến độ, quản lý chi phí theo quy định; quy định ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập, giám sát chuyên môn của nhà thầu thiết kế, giám sát, thi công trong suốt quá trình thực hiện dự án; nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào các hoạt động đầu tư xây dựng trái pháp luật.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có trách nhiệm trong nghiên cứu lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm.

Đặc biệt cần lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn, quản lý thầu phụ, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hành vi chuyển nhượng thầu, bán thầu trái pháp luật.

Đối với nhà thầu thi công, Bộ GTVT yêu cầu hợp đồng xây dựng phải quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà thầu và các chế tài để xử phạt, xử lý nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ.

Quản lý chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.

Bộ GTVT cũng yêu cầu xử lý nghiêm nhà thầu chuyển nhượng thầu, sử dụng nhà thầu phụ không đúng quy định của pháp luật. (Xem thêm)

Vay 1 tỷ USD làm tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương

Chính phủ đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp khoản vay mới trị giá khoảng 1 tỷ USD để đảm bảo nguồn vốn cho metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR), khoản vay 1 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ thay thế cho khoản vay 390 triệu USD vừa huỷ trước đó.

Hiện TP. HCM đang làm việc với Bộ Tài chính, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng thực hiện các thủ tục thẩm định điều kiện vay.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn thực hiện dự án metro số 2 (2021-2025), hạn mức vay vốn của TP. HCM theo tính toán trước mắt chỉ gần 40.000 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). Trong khoảng thời gian này, thành phố có nhiều dự án lớn triển khai nên cần xác định thứ tự ưu tiên để vay phù hợp theo hạn mức.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về vốn vay của dự án metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương).

Theo đó, xét kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã đồng ý hủy vay trước hạn số tiền 390 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để làm dự án metro số 2. Khoản vay này trước đó được đại diện Việt Nam và ADB ký kết tại hiệp định vay vốn 2956-VIE.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính làm việc với ADB để thống nhất việc hủy vay vốn trước hạn. UBND TP. HCM được yêu cầu bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc hủy vay vốn trước hạn. (Xem thêm)

Hà Nội thông xe cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên

Sáng 28/8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức khánh thành và gắn biển công trình cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên.

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5) là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho giao thông của TP Hà Nội.

Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao giữa đường Nguyễn Văn Huyên và đường Hoàng Quốc Việt hiện nay và trong tương lai khi thông tuyến đường vành đai 2,5, đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt.

Được biết, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công vào tháng 10/2019 bao gồm các hạng mục chính như xây dựng cầu vượt 4 làn xe theo hướng từ đường Nguyễn Văn Huyên vượt qua đường Hoàng Quốc Việt với chiều dài toàn cầu 428,28m, mở rộng hoàn thiện đủ mặt cắt ngang quy hoạch của đường Nguyễn Văn Huyên (vành đai 2,5) là 50m, với chiều dài 170m.

Ngoài ra, dự án cũng được hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, tổ chức giao thông khu vực nút giao. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 560 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. (Xem thêm)

Tin mới lên