Bất động sản

Giao thông tuần qua: Vietnam Airlines xin rót 10.000 tỷ vào sân bay Long Thành, hơn 19.000 tỷ xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

(VNF) - Vietnam Airlines muốn rót gần 10.000 tỷ đầu tư vào sân bay Long Thành; Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Vietnam Airlines xin rót 10.000 tỷ vào sân bay Long Thành, hơn 19.000 tỷ xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Vietnam Airlines muốn rót gần 10.000 tỷ đầu tư vào sân bay Long Thành.

Vietnam Airlines muốn rót gần 10.000 tỷ đầu tư vào sân bay Long Thành

Trong chiến lược phát triển giai đoạn từ năm 2021 - 2030, Vietnam Airlines cho biết sẽ cùng các đơn vị thành viên ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia các dự án đầu tư xây dựng và khai thác các cơ sở hạ tầng tại cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, tổng mức đầu tư các dịch vụ tại sân bay Long Thành của Vietnam Airlines theo dự kiến là hơn 9.900 tỷ đồng, trong đó 30% là nguồn vốn chủ sở hữu, 70% còn lại là vốn vay.

Các dịch vụ Vietnam Airlines đề xuất đầu tư tại sân bay Long Thành bao gồm: cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không, dịch vụ phòng chờ cho hành khách, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ khác.

Theo Vietnam Airlines, đây là các dịch vụ mà hãng này đang khai thác tại các sân bay khác thông qua các công ty con và công ty liên kết, với tỷ suất lợi nhuận/trên vốn đầu tư bình quân hàng năm khoảng 16%.

Vietnam Airlines cho biết sẽ cùng các công ty con trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để thành lập công ty cổ phần/công ty trách nhiệm hữu hạn… (Xem chi tiết)

Quảng Bình rót 2.200 tỷ đồng làm tuyến đường ven biển dài 85,4km

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng vừa có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan về việc triển khai dự án thành phần 1 - đường ven biển thuộc dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, đây là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đồng thời tạo kết nối vùng phía đông các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.

Thời gian triển khai dự án từ năm 2021 đến năm 2026 với tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h.

Tuyến đường sẽ gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 85,4km; trong đó đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc dài 21,9km, đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,6km và đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 47,9km.

Bề rộng nền đường là 12m, bề rộng mặt cắt đường xe cơ giới là 7m, bề rộng lề gia cố là 4m, bề rộng lề đất là 1m. Riêng những đoạn tuyến đi qua khu đô thị, khu dân cư có mặt cắt ngang theo quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư được phê duyệt. Toàn tuyến đường sẽ có 23 cầu gồm 1 cầu lớn, 12 cầu trung và 10 cầu nhỏ. (Xem chi tiết)

Những địa phương nào đang chậm giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam?

Thông tin từ Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, đến nay, chính quyền các địa phương đã bàn giao mặt bằng 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo chiều dài tuyến được hơn 624,4/652,9km (đạt 95,6%).

Trong đó, một số địa phương triển khai chậm dưới mức bình quân gồm: Ninh Bình (79,2%), Thanh Hóa (94,9%), Nghệ An (92%) và Khánh Hòa (91,5%).

Cục QLXD&CLCTGT cũng cho biết, trong tổng số 111 khu tái định cư cần xây dựng, đến nay, các địa phương đã hoàn thành 91 khu (đạt 82%), tiến độ chậm so với kế hoạch. Còn lại 18 khu đang thi công và 2 khu đang thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Dự kiến công tác xây dựng các khu tái định cư sẽ hoàn thành trong quý 1/2021.

Thống kê của Cục QLXD&CLCTGT cho thấy, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của các dự án cũng đang chậm so với kế hoạch. Cụ thể, đến nay, các địa phương đã triển khai di dời đường điện được 384/1.023 vị trí (đạt 38%), đường ống nước các loại: 11.957/32.131m (đạt 37,2%), đường cáp viễn thông: 29.751/97.767m (đạt 30%). (Xem chi tiết)

Bắc Giang muốn chuyển sân bay Kép thành cảng hàng không lưỡng dụng

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bắc Giang vừa có văn bản tham gia ý kiến về dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, Sở GTVT Bắc Giang cho biết hiện địa phương này đã triển khai thực hiện hoàn thành dự thảo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, hiện đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh Bắc Giang và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Sở GTVT Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT, đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sân bay Kép là sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở GTVT Bắc Giang cho rằng việc chuyển đổi là cần thiết do mật độ sân bay tại khu vực còn khá thưa (phía Bắc hiện mới chỉ có một số sân bay dân sự Nội Bài, Hải Phòng, Vân Đồn), đặc biệt là các tỉnh miền núi. Thời gian và dự báo thời gian tới, nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa sẽ tăng nhanh.

Hhiện nay, tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và vùng lân cận chủ yếu sử dụng sân bay Nội Bài, song đây là sân bay đã có hiện tượng quá tải so với nhu cầu; đồng thời khoảng cách từ khu vực đi chuyển đến sân bay khá xa (Lạng Sơn trên 150km, một số vùng xa của Bắc Giang khoảng 150km). (Xem chi tiết)

19.470 tỷ xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Đơn vị đề xuất dự án này là niên danh nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 20, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 67km.

Trong giai đoạn 1, dự án có nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m với 4 làn xe ô tô. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22m.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án theo tính toán của UBND tỉnh Lâm Đồng là khoảng 19.470 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 9.151 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1.

UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ thu phí 2.000 đồng/km/phương tiện quy đổi. Lộ tình tăng giá vé 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15%, trong thời gian khoảng 20 năm (từ năm 2025 đến năm 2012). (Xem chi tiết)

Tin mới lên