Diễn đàn VNF

Giới hạn đạo đức của thị trường

Michael J. Sandel là giáo sư triết học chính trị tại Đại học Harvard (Mỹ). Ông là tác giả của nhiều quyển sách về công lý xã hội và triết lý chính trị. Công việc của ông tập trung vào những câu hỏi gai góc về đạo đức và công lý. Một trong những quyển sách gần đây rất nổi tiếng của ông là “Những thứ mà tiền không thể mua được: giới hạn đạo đức của thị trường” (What money can’t buy: the moral limits of markets), từng được xuất bản ở Việt Nam. Quyển sách này cùng nhiều tác phẩm của GS Sandel được dịch ra hàng chục thứ tiếng và xuất bản khắp nơi trên thế giới. Những bài giảng tại Đại học Harvard của ông được chiếu trực tuyến trên mạng Internet, thu hút rất nhiều người xem. Ông cũng thường xuyên đi diễn thuyết ở nhiều nước trước cử tọa có khi đến hàng chục ngàn người. Vào tháng 3/2020, GS Sandel sẽ lần đầu đến Việt Nam và có buổi diễn thuyết ở TP Hồ Chí Minh.

Giới hạn đạo đức của thị trường

Ngày nay, tiền gần như mua được tất cả mọi thứ. Những việc mua bán này có gì sai trái không? Để trả lời cho những câu hỏi như thế, chúng ta phải đặt ra câu hỏi lớn hơn: Tiền bạc và thị trường đóng vai trò gì trong một xã hội tốt đẹp?

Nếu ta bị phạt tù ở Santa Barbara, bang California, nhưng lại không thích điều kiện chuẩn của nhà tù thì ta có thể mua gói nâng cấp buồng giam của mình với giá 90 USD/đêm.

Nếu ta muốn ngăn chặn cái thực trạng bi kịch rằng mỗi năm có hàng ngàn đứa trẻ do các bà mẹ nghiện hút sinh ra thì ta có thể đóng góp vào một quỹ từ thiện dùng cơ chế thị trường để cải thiện vấn đề: đó là tặng 300 USD cho bất kỳ phụ nữ nghiện hút nào tình nguyện đi triệt sản.

Hay nếu ta muốn dự một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ nhưng lại ngại xếp hàng mấy giờ đồng hồ, ta có thể sử dụng dịch vụ của công ty xếp hàng thuê. Công ty này sẽ thuê những người vô gia cư hay những người cần việc làm để đứng chờ, ngay cả qua đêm nếu cần. Ngay trước khi phiên điều trần diễn ra, khách hàng chỉ việc xuất hiện và lấy chỗ của người đã đứng xếp hàng thay trước đó rồi ngồi vào ghế hàng đầu.

Một số người cho là không; mọi người nên được quyền tự do mua bất cứ thứ gì thiên hạ bán. Một số người khác lại cho rằng có những thứ không nên đem ra đổi chác bằng tiền. Nhưng tại sao lại như vậy? Cụ thể là bán gói nâng cấp phòng giam cho những người có tiền, hay thưởng tiền để triệt sản, hay thuê người xếp hàng thay thì sai ở chỗ nào?

Việc đặt ra và tranh luận câu hỏi như thế này trên các diễn đàn chính trị có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng diễn ra trong suốt ba thập kỷ qua. Thị trường và tư duy thị trường đã vươn tới mọi khía cạnh đời sống mà trước kia do các giá trị phi thị trường quyết định như: đời sống gia đình, quan hệ cá nhân, y tế và giáo dục, bảo vệ môi trường và công lý, an ninh quốc gia và đời sống dân sự.

Chúng ta đã trôi dạt từ chỗ có kinh tế thị trường (market economy) đến chỗ trở thành xã hội thị trường (market society) mà gần như không hề hay biết. Sự khác biệt nằm ở chỗ: kinh tế thị trường là công cụ – một công cụ rất giá trị và hiệu quả – trong tổ chức hoạt động sản xuất; còn xã hội thị trường thì ngược lại là một xã hội mà cái gì cũng đem ra bán được. Xã hội thị trường là một lối sống mà giá trị thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội và thống trị mọi mặt của đời sống.

Chúng ta nên lấy làm lo ngại trước xu hướng này vì hai lý do. Thứ nhất, khi cái bóng đồng tiền ngày càng lớn trong xã hội, thì sự khác biệt giữa có tiền và không có tiền sẽ ngày càng rõ rệt. Nếu người giàu chỉ hơn người khác chủ yếu ở những chuyện có du thuyền sang trọng hay những kỳ nghỉ hào nhoáng thì sự bất bình đẳng trong xã hội cũng chẳng quan trọng như ngày nay. Nhưng khi đồng tiền quyết định quyền tiếp cận giáo dục, y tế, ảnh hưởng chính trị, và sự an toàn của cộng đồng, thì cuộc sống sẽ trở nên rất khó khăn cho những người có thu nhập khiêm tốn. Thị trường hóa tất cả mọi thứ sẽ làm hố ngăn cách giàu–nghèo trở nên gay gắt.

Lý do thứ hai mà chúng ta không nên ra giá cho mọi hoạt động của con người là vì làm như vậy tức là hành vi lũng đoạn. Mại dâm là một ví dụ kinh điển. Một số người phản đối mại dâm vì họ cho rằng nghề này chủ yếu bóc lột người nghèo, những người mà chuyện bán thân không thực sự là tự nguyện. Nhưng có những người khác phản đối mại dâm với lý do rằng biến tình dục thành món hàng là một hành động làm thoái hóa, biến chất con người.

Ý tưởng cho rằng quan hệ thị trường làm lũng đoạn những thứ có ý nghĩa lớn không chỉ giới hạn trong vấn đề tình dục hay cơ thể người, mà nó còn có thể bao gồm cả lợi ích và hành vi công dân. Ví dụ như bầu cử, chúng ta không cho phép bầu cử vận hành theo cơ chế thị trường tự do, mặc dù một thị trường như thế sẽ vận hành “hiệu quả” theo cách hiểu kinh tế học. Nhiều người không hề đi bầu, vậy tại sao ta lại bỏ phí các lá phiếu đó? Tại sao không để cho những người không quan tâm lắm đến kết quả bầu cử đem lá phiếu của họ bán cho người quan tâm? Đôi bên sẽ đều có lợi. 

Lý lẽ hay nhất để phản đối chuyện mua bán phiếu là vì phiếu bầu không phải là tài sản tư mà nó là một trách nhiệm công. Coi lá phiếu như hàng hóa để tạo ra lợi nhuận tức là làm suy đồi, biến chất ý nghĩa thể hiện trách nhiệm công dân của nó.

Nhưng nếu thị trường phiếu bầu đáng bị phản đối vì nó làm lũng đoạn nền dân chủ, vậy hệ thống tài chính vận đồng bầu cử thì sao? Các hệ thống này, bao gồm cả hệ thống tài chính phục vụ tranh cử ở Mỹ, cho phép người giàu có tiếng nói lớn hớn trong các kỳ bầu cử. Bác bỏ thị trường phiếu bầu để giữ gìn tính liêm chính của nền dân chủ có thể là một lý do để chúng ta đặt ra mức trần trong đóng góp tài chính cho các ứng viên chính trị.

Đương nhiên là chúng ta thường bất đồng về định nghĩa thế nào là “lũng đoạn” hay “suy đồi”. Để nhận định xem mại dâm có phải là suy đồi hay không thì phải xem chuyện tình dục của con người cần được đánh giá đúng mực ra sao. Để đánh giá xem chuyện nâng cấp buồng giam có làm lũng đoạn ý nghĩa công lý hay không thì phải xem mục đích của việc trừng phạt tội phạm phải là gì. Để đưa ra quyết định có cho phép mua bán nội tạng con người cho mục đích cấy ghép, hay có được dùng lính đánh thuê trong chiến tranh hay không, chúng ta phải xem xét nghiêm túc phẩm giá của con người và trách nhiệm công dân.

Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề gây tranh cãi và người ta thường ngại phải đối mặt với chúng trên các diễn đàn công cộng. Nhưng đó là một sai lầm. Sự ngần ngại của chúng ta khi đối mặt với những câu hỏi liên quan đến đạo đức này trong chính trị khiến chúng ta bị động khi xem xét một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại: Ở đâu thì thị trường phục vụ cho lợi ích chung, còn chỗ nào thì không nên có thị trường?

Từ khoá: Michael J. Sandel,
Tin mới lên