Tài chính

Giữa lùm xùm đất đai tại Bình Dương, 'ông lớn' Protrade báo lỗ trong quý III/2019

(VNF) - Sở hữu khối tài sản lên đến trên 6.300 tỷ đồng, nổi tiếng với hàng loạt dự án sân golf, dự án bất động sản cùng liên doanh sở hữu thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan nhưng Protrade lại bất ngờ báo lỗ trong quý III/2019, trong bối cảnh "ông lớn" trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương này hiện đang vướng lùm xùm chuyển nhượng 43ha đất công trái quy định.

Giữa lùm xùm đất đai tại Bình Dương, 'ông lớn' Protrade báo lỗ trong quý III/2019

Giữa lùm xùm đất đai tại Bình Dương, 'ông lớn' Protrade báo lỗ trong quý III/2019 (Ảnh: Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú)

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý III/2019.

Theo báo cáo, doanh thu thuần quý III/2019 của Protrade đạt 4,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 471 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 4 tỷ đồng quý III/2018.

Vì hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con nên doanh thu và lợi nhuận của Protrade chủ yếu đến từ doanh thu tài chính.

Trong kỳ, Protrade ghi nhận 25,4 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm tới 79%. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng gấp 5,7 lần lên 32,3 tỷ đồng, vượt cả doanh thu tài chính.

Bên cạnh đó, Protrade còn ghi nhận 9,5 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 6,3%).

Kết thúc quý III/2019, Protrade lỗ trước thuế 16,1 tỷ đồng, khác xa mức lãi 108 tỷ đồng của quý III/2019.

Dù vậy, lũy kế 9 tháng năm nay, Protrade vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 94,5 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái lại lỗ 24,2 tỷ đồng.

Protrade hiện sở hữu tổng tài sản lên đến trên 6.300 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh - liên kết (trên 2.400 tỷ đồng), các công ty con (trên 1.500 tỷ đồng) và tiền gửi ngân hàng (940 tỷ đồng).

Trong số các khoản đầu tư của Protrade, khoản đầu tư lớn nhất là vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành (sở hữu sân golf Thái Hòa - Harmonie Golf Park) với giá gốc 1.121 tỷ đồng, tương đương 34% vốn điều lệ. Kế đó là khoản đầu tư vào các công ty con sở hữu 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH Sân golf Palm Sông Bé (sở hữu sân golf Sông Bé) với 915 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade (kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp) với 511 tỷ đồng.

Một khoản đầu tư cũng rất đáng chú ý khác là đầu tư vào Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan - với giá gốc 298 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ.

Protrade hiện sở hữu bởi Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) với tỷ lệ gần 61%. Phần lớn lượng cổ phần còn lại được sở hữu bởi 7 tổ chức với tổng tỷ lệ 35,44%.

Protrade gần đây đang vướng vào lùm xùm chuyển nhượng 43ha đất công trái quy định. Cụ thể, tổng công ty này đã tự ý chuyển nhượng toàn bộ 43ha đất của dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú - liên doanh giữa Protrade (góp 30% vốn) và Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc (góp 70% vốn) - với giá trị chuyển nhượng chỉ hơn 250,1 tỷ đồng, tương đương với hơn 581.653 đồng/m2.

Đây được xem là mức giá rẻ hơn rất nhiều thị trường bởi cho một khu đô thị chạy dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, là tuyến đường chính đi vào trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương với chiều rộng mặt đường lên tới 60m2.

Ngày 4/10/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương tổ chức hội nghị thông tin báo chí để cung cấp thông tin liên quan đến vụ chuyển nhượng 43 ha đất công này. 

Tại đây, ông Bùi Minh Thạnh - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương và là người đại diện cho cơ quan chủ quản của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương cho biết vào năm 2017, Protrade đã có văn bản đề nghị Tỉnh uỷ Bình Dương chấp thuận chủ trương cho góp vốn thành lập công ty liên doanh để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú. Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương nhưng chỉ cho phép thực hiện bằng tiền mặt chứ không cho phép góp vốn bằng tài sản đất, không cho bán, chuyển nhượng 43 ha khu đất dự án.

“Việc chấp thuận cho Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương thành lập công ty liên doanh là đúng theo quy định của pháp luật và chủ trương cho Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương góp vốn bằng tiền là xuyên suốt từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương tự ý dùng tài sản đất để góp vốn là sai chủ trương của Tỉnh ủy. Hiện Tỉnh ủy Bình Dương đã thu hồi quyết định chủ trương cho góp vốn này và giao cho thanh tra của tỉnh vào cuộc thanh tra toàn diện dự án để xử lý các sai phạm”, ông Thạnh nhấn mạnh.

Ông Lê Hữu Phước – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết thêm, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương là xử lý vụ việc khách quan, minh bạch và không bao che sai phạm. “Sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ đưa ra hướng xử lý và thông tin cho báo chí”, ông Phước nói.

Tin mới lên