Tài chính

Góc khuất tại tổng công ty 'bí hiểm' nhất ngành hàng không

Hàng loạt khiếm khuyết, hạn chế liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư vừa được phát lộ tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Góc khuất tại tổng công ty 'bí hiểm' nhất ngành hàng không

Sau khi thanh tra tại VATM, hàng loạt khiếm khuyết, hạn chế liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư đã được phát lộ.

Tủn mủn đầu dự án

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ký Kết luận thanh tra số 144/KL - BGTVT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư, xây dựng tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

Cần phải nói thêm rằng, là một trong 3 trụ cột của ngành hàng không (vận tải và cảng hàng không), nhưng VATM lại khá kín tiếng với báo giới và công chúng.

VATM được thành lập vào năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam theo mô hình Công ty mẹ - công ty con là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với 8 đơn vị trực thuộc và 1 công ty con.

Tổng công ty có vốn điều lệ 3.138,401 tỷ đồng này được giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay cho tất cả các tàu bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý cùng các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác.

Với 23 trang nội dung, Kết luận thanh tra số 144 đã phác thảo tương đối rõ “chân dung” của VATM, bao gồm cả những góc khuất ít được động chạm tới tại doanh nghiệp này.

Hạn chế đầu tiên của VATM được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra là công tác thực hiện kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo Kết luận thanh tra số 144, chỉ trong vòng 5 năm (2012 - 2017), VATM đã đầu tư xây dựng tới 222 dự án bằng nguồn vốn của đơn vị, với tổng mức đầu tư 6.096 tỷ đồng. Đây là số lượng dự án thậm chí còn vượt cả số công trình mà Bộ GTVT triển khai trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, bình quân mỗi dự án có tổng mức đầu tư vỏn vẹn khoảng 27,4 tỷ đồng đã cho thấy tính chất manh mún, dàn trải trong hoạt động đầu tư của VATM.

Thanh tra Bộ GTVT cho biết, việc lập kế hoạch đầu tư một số dự án do VATM làm chủ đầu tư thường xuyên không sát với thực tế. Cụ thể, năm 2016, giá trị giải ngân các dự án của VATM rất thấp, chỉ đạt 196/593 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch được phê duyệt, trong đó có 3/114 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; 31/114 dự án có kế hoạch vốn nhưng không giải ngân với giá trị 39,683/421,67 tỷ đồng; 12/114 dự án khi chưa có kế hoạch vốn, nhưng vẫn giải ngân với giá trị 30,286/421,67 tỷ đồng.

Năm 2017, giá trị giải ngân vốn đầu tư của VATM có khá hơn, nhưng cũng chỉ đạt 236/334 tỷ đồng bằng 71% kế hoạch, trong đó có 12/141 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; 36/141 dự án có kế hoạch vốn, nhưng không giải ngân với giá trị 38,774/334,545 tỷ đồng; có 14/141 dự án khi chưa có kế hoạch vốn, nhưng vẫn giải ngân với giá trị 14,018 tỷ đồng/334,545 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, VATM thực hiện giải ngân 193,67/574 tỷ đồng đạt 39,98% kế hoạch được phê duyệt.

Nghiệp dư

Tại Kết luận thanh tra số 144, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện việc VATM có dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại khu đất 22 - Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình, TP.HCM) bằng việc góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới. Tuy nhiên, kế hoạch hàng năm và Kế hoạch sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 của VATM đều không có dự án này.

Bên cạnh đó, trong các báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm (từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2018), nội dung các báo cáo của VATM còn sơ sài, chưa phân tích chi tiết các nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai, không đảm bảo theo kế hoạch, chưa có các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vai trò của lãnh đạo VATM trong công tác giám sát, báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng chưa cụ thể. Các đơn vị tham mưu, giúp việc cho VATM chưa chú trọng thực hiện đầy đủ theo quy chế về kế hoạch.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho rằng, các đơn vị được VATM ủy quyền quản lý dự án còn hạn chế về tính chuyên nghiệp, thiếu tính độc lập làm chậm một số thủ tục như phê duyệt dự án, phát sinh thay đổi, kiểm tra kiểm soát năng lực nhà thầu, quyết toán công trình, thanh tra kiểm toán, quản lý hồ sơ.

Năng lực các ban quản lý dự án được giao quản lý, triển khai dự án của VATM tuy có đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhưng thiếu kinh nghiệm trong điều hành, triển khai dự án. Do số lượng dự án lớn nên đã xuất hiện hiện tượng một người phải thực hiện nhiều việc trong cùng một thời điểm. Các nhân sự thuộc khối không lưu, kỹ thuật ngoài việc tham gia vào các ban quản lý dự án tại các đơn vị, tổ giúp việc thì nhiệm vụ chuyên môn chính vẫn phải đảm bảo, do đó thời gian để tham gia các dự án còn chưa tập trung và hiệu quả.

Điều đáng nói là, các dự án do VATM thực hiện chưa được tiến hành việc đấu thầuqua mạng để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch theo nội dung Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, mặc dù Hội đồng Thành viên VATM đã có nghị quyết triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Chính phủ.

Hình thức lựa chọn nhà thầu được VATM áp dung là đấu thầu, về cơ bản tuân thủ Luật Đấu thầu, nhưng trên thực tế có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia, hoặc có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu, nhưng chỉ có 1 nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật.

“Với hình thức này, chủ đầu tư chưa so sánh đề xuất kỹ thuật, không phát huy được hiệu quả trong công tác đấu thầu”, Bộ GTVT đánh giá.

Xem thêm: Bộ trưởng Bộ GTVT: ‘Mỗi năm đường thuỷ nội địa sẽ có 1.000 tỷ đồng đầu tư’

Tin mới lên