Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Cách ly xã hội – khi thị trường không bị bất ngờ

(VNF) - Phiên hôm nay đã không kịch tính như chờ đợi khi thị trường đã dự đoán được bài toán “cách ly xã hội” sẽ được xử lý như thế nào. Cổ phiếu đồng loạt tăng giá bất kể quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra sau phiên giao dịch.

Góc nhìn chứng khoán: Cách ly xã hội – khi thị trường không bị bất ngờ

VN-Index vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc nhịp phục hồi mạnh kỷ lục hiện tại.

Ngày 15/4 là thời điểm kết thúc “giai đoạn 1” của biện pháp cách ly toàn xã hội. Tính hiệu quả của việc cách ly đã được chứng minh bằng thực tế, nhưng thị trường cũng không tỏ ra hi vọng quá mức. Việc bỏ cách ly còn phải tính đến yếu tố an toàn, trong khi thời gian cách ly kéo dài thêm 1-2 tuần cũng không khiến tình hình khó khăn hơn.

Ngay trong phiên giao dịch đang diễn ra, các phương án thay đổi quy định cách ly đã lan truyền một cách rõ ràng. Khả năng cao nhất là nới lỏng từng phần sau khi phân cấp theo nguy cơ từng địa phương. Nhóm có nguy cơ cao có thể sẽ kéo dài biện pháp cách lý thêm 1-2 tuần trong khi các địa phương có nguy cơ thấp hơn có thể được nới lỏng một số hoạt động. Quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, nhưng thị trường vẫn đánh giá một cách tích cực.

Nếu nhìn từ góc độ tâm lý thì việc cách ly xã hội như trong 15 ngày đầu tháng 4 không phải là biện pháp quá tiêu cực đối với thị trường chứng khoán. Ngay khi có quyết định cách ly ngày 30/3 vừa qua, thị trường suy sụp trong một phiên (VN-Index giảm 4,9%) nhưng sau đó đã bình tình trở lại và tăng suốt cho tới tận hôm nay. Điều đó nghĩa là thị trường đã chiết khấu cho yếu tố “căng thẳng” nhất và trong những tuần tới, thay đổi sẽ mang nét tích cực hơn giai đoạn 15 ngày đầu tiên.

Thị trường chứng khoán tăng trong 10 phiên vừa qua là do yếu tố kỳ vọng khi nhìn về phía trước. Khi các yếu tố tác động không thể xấu hơn nữa thì thị trường đi lên. Đó là đặc điểm của thị trường chứng khoán mà các phân tích định lượng không lý giải được. Chẳng hạn các dự báo về tăng trưởng vĩ mô, kết quả kinh doanh quý 1/2020 đều kém, nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá, thị trường vẫn tăng điểm. Có thể thấy sự mâu thuẫn này xuất hiện ngay cả ở thị trường chứng khoán hiệu quả như Mỹ, chỉ số S&P 500 vẫn tăng hơn 27% trong 15 phiên vừa qua bất chấp số ca tử vong vì dịch Covid-19 ở quốc gia này vẫn tăng từng ngày cũng như hàng loạt dự báo về tăng trưởng kinh tế âm.

VN-Index hôm nay tăng 1,28% với số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,6 lần số giảm giá. Điều này thể hiện một phiên tăng rất tích cực và ở bình diện rộng. Chu kỳ tăng hiện tại cũng đã kéo dài 11 phiên kể từ sau ngày có quyết định cách ly hôm 30/3, mức tăng khoảng 17,4%. Đây là nhịp phục hồi dài và mạnh hiếm thấy dù bức tranh toàn cảnh về cơ bản vẫn khá u ám. Sự thay đổi trong tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư là yếu tố chính thúc đẩy thị trường đi lên.

Mặc dù vậy đây vẫn chỉ là yếu tố tăng trong ngắn hạn. Các dự báo phân tích về khó khăn trong trung dài hạn vẫn chưa bị phủ định. Các biến động vài chu kỳ T+3 hay vài tuần là dễ dàng khi tâm lý thay đổi và cung cầu thay đổi trên thị trường. Vài chục phần trăm lợi nhuận ở cổ phiếu những ngày qua không có nghĩa là nền kinh tế nói chung đã thoát được “kiếp nạn” dịch bệnh, hay đã trải qua giai đoạn xấu nhất.

Biến động của giá các hàng hóa cơ bản như dầu thô cho thấy mối lo về khả năng phục hồi kinh tế là đúng như các chuyên gia dự báo. Giá dầu giao tháng 5/2020 đã xuống dưới 20 USD/thùng, giá dầu kỳ hạn tháng 7 cũng chỉ quanh 30 USD/thùng. Chính sách kích cầu toàn thế giới vẫn đang được cho rằng chỉ có thể tạo hiệu ứng tăng sức mua nếu như dịch bệnh được kiểm soát bằng vắc-xin. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế sẽ đến lúc trở lại ngăn cản khả năng tăng cao hơn của thị trường chứng khoán.

Tin mới lên