Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Cổ phiếu dầu khí bùng nổ

(VNF) - Thị trường lấy lại đà tăng mạnh mẽ hôm nay nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá, đặc biệt là nhóm dầu khí. GAS đã có phiên tăng kịch trần đầu tiên của năm 2020 khi giá dầu tăng với kỳ vọng OPEC+ sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Góc nhìn chứng khoán: Cổ phiếu dầu khí bùng nổ

VN-Index (đường màu đen) hôm nay chủ đạo được GAS (màu xanh) và VCB (màu đỏ) đẩy lên rất mạnh.

Mức sụt giảm hơn 42% kể từ đầu năm của GAS khiến cổ phiếu này bốc hơi khoảng 2,2 tỷ USD vốn hóa (hơn 52.800 tỷ đồng). Tuy vậy GAS vẫn là cổ phiếu lớn thứ 6 trong VN-Index. Trong 3 tháng đầu năm giá dầu thế giới cũng sụt giảm gần 67%, dầu WTI thậm chí rơi xuống vùng 20 USD/thùng. Tuy nhiên kể từ đầu tháng 4/2020, giá dầu đã phục hồi hơn 30% khi các tín hiệu về sự đồng thuận cắt giảm sản lượng có thể đạt được.

OPEC+ sẽ có cuộc họp trực tuyến hôm nay (9/4) và hy vọng một thỏa thuận cắt giảm từ 10 tới 15 triệu thùng/ngày tăng. Giá dầu đồng loạt tăng mạnh hơn 4% trong phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này đã tác động rất tích cực đến các cổ phiếu dầu khí.

Ngoài GAS tăng kịch trần, nhiều mã dầu khí khác cũng có mức tăng rất tốt: PLX tăng 4,17%, PVD tăng 4,7%, PVS tăng 3,36%, PVC tăng 6,12%.... Mặc dù GAS vừa thông báo lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, nhưng thị trường lại cho thấy phản ứng ngược hoàn toàn. GAS tăng giá hết biên độ nâng mức tăng chung trong 6 phiên đầu tháng 4/2020 lên gần 22,3%.

Việc các cổ phiếu dầu khí đạt kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 1 là điều không có gì bất ngờ vì giá dầu thế giới giảm quá sâu. Tuy nhiên với việc giá dầu chạm đáy cuối tháng 3/2020 và triển vọng đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, thị trường có thể cho rằng mức giảm giá cổ phiếu đã phản ánh đầy đủ những rủi ro. Nếu thị trường dầu quốc tế được bình ổn, giá dầu phục hồi nghĩa là kết quả kinh doanh các quý tới của nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ cải thiện. Thị trường chứng khoán đã không nhìn vào hiện tại đã biết, mà dự phóng tương lai.

Trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường hôm nay, GAS tăng mạnh nhất nhưng chưa phải là cổ phiếu kéo chỉ số VN-Index nhiều nhất. GAS chỉ xếp thứ hai sau VCB khi cổ phiếu này tăng 5,19% và vốn hóa VCB lớn gấp đôi GAS. VCB đã quay lại trở thành cổ phiếu tăng giá tốt nhất nhóm ngân hàng sàn HSX khi các mã khác bắt đầu chững lại: CTG tăng 0,51%, MBB tăng 0,64%, TCB tăng 1,2%, HDB, EIB tham chiếu, BID giảm 0,66%, STB giảm 0,97%, VPB giảm 0,53%...

Nhóm cổ phiếu Vingroup cũng đóng góp VIC tăng 2,13% và VRE tăng 5,33% trong nhóm Top 5 cổ phiếu hỗ trợ VN-Index tốt nhất. Rất tiếc là VHM đã quay đầu giảm 1,43% và cổ phiếu này là một trong những lý do chỉ số trượt dốc nhẹ trong những phút cuối phiên.

Mặc dù VN-Index đóng cửa hôm nay đã tăng 1,65%, VN30-Index tăng 0,97% nhưng thị trường có dấu hiệu yếu đi nhẹ từ sau 14h. Ngay trước khi trượt dốc, VN-Index đạt đỉnh tăng 2,39% và VN30-Index tăng 1,88%. Nguyên nhân của nhịp trượt này là các blue-chips bị chốt lời và suy yếu. Thời gian khá ngắn – hơn 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và 15 phút đóng cửa – đồng thời đa số cổ phiếu vẫn tăng so với tham chiếu, nhưng mức trượt giảm cũng tương đối lớn. Chẳng hạn SAB trượt giảm 5,15% so với đỉnh, POW trợt 3,2%, MWG trượt 3,1%, CTG trượt 2,7%, BVH trượt 4,8%...

Tổng thể thị trường vẫn có số lượng cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo số lượng giảm giá và đặc biệt là nhóm đầu cơ tăng rất nóng. Hai sàn có 56 cổ phiếu kịch trần và riêng HSX là 30 mã. Cổ phiếu đầu cơ như ROS gây ấn tượng mạnh với hàng chục triệu đơn vị chặn mua trần.

Sau phiên chững lại tăng rất nhẹ hôm qua cộng với thanh khoản giảm đột ngột, thị trường đã lấy lại phong độ nhờ dòng tiền quay vòng mua lớn. Tổng giá trị giao dịch lại đạt trên 5.000 tỷ đồng và mức khớp lênh đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Rất có thể là các nhà đầu tư chốt lời sớm đã mua tiếp khi thị trường tăng mạnh cả phiên, đặc biệt là nhịp tăng rất dài trong phiên kéo từ 10h sáng tới 2h chiều.

Riêng nhà đầu tư nước ngoài vẫn gây khó chịu khi bán ròng riêng với cổ phiếu trên 284 tỷ đồng phiên này. POW, HPG, HDB, STB, VPB, PVT, VIC bị bán ròng cực lớn. Chuỗi ngày bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, riêng 4 phiên của tuần này đã rút khỏi thị trường cổ phiếu hai sàn trên 1.537 tỷ đồng và xác lập 6 tuần liên tục, tuần nào cũng bán ròng vượt 1.000 tỷ đồng.

Tin mới lên