Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Đảo chiều kỹ thuật trên nền thanh khoản thấp

(VNF) - Các Futures chính của thị trường Mỹ bật tăng mạnh trong lúc thị trường Việt Nam giao dịch là một nhân tố hỗ trợ đúng lúc. Cầu bắt đáy xuất hiện đã giúp thị trường có được một phiên phục hồi.

Góc nhìn chứng khoán: Đảo chiều kỹ thuật trên nền thanh khoản thấp

Hôm nay thị trường phục hồi nhẹ với thanh khoản giảm đáng kể.

Nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ phục hồi rõ nét hơn, trong khi các blue-chips thì kém và nhất là thanh khoản giảm nhiều. Đây là điều bất lợi vì blue-chips là niềm hi vọng cho các chỉ số vào lúc này.

Trong nhóm VN30 cổ phiếu ngân hàng tăng khá nhưng cũng chưa ăn thua so với mức giảm trước đó. CTG ấn tượng nhất với mức tăng 2,2% và đóng cửa ở giá cao nhất phiên. Tuy vậy khối lượng đã giảm 31% so với hôm qua còn mức tăng thì vẫn yếu hơn đáng kể khi so với mức giảm 3,8% phiên trước. CTG sau khi đạt đỉnh cao nhất 26.600 đồng hôm 3/9 thì đến hôm nay vẫn là điều chỉnh giảm khoảng 4%.

Các mã khác như VPB tăng 1,78%, TCB tăng 1,42%, STB tăng 0,45%, BID tăng 0,62%, MBB tăng 0,56% thì so với mức giảm hôm qua còn đuối hơn nữa và thanh khoản đều giảm so với hôm qua.

Dù sao thị trường cũng vẫn có được một phiên đảo chiều hồi mang lại hi vọng. Cổ phiếu tăng giá khá nhiều và nhóm tốt nhất là các mã nhỏ. Tuy nhiên nếu nhìn từ các chỉ số thì mức tăng 1,89 điểm của VN-Index hay 3,21 điểm của VN30-Index là quá nhẹ, mang tính đảo chiều kỹ thuật nhiều hơn. Động lực của nhóm dẫn dắt đã không rõ ràng. Nhóm vốn hóa lớn nhất như VNM, VIC, VHM, VCB giao dịch kém, thanh khoản cao nhưng giá lại giảm.

Giá trị khớp lệnh của HSX đã giảm tới 26% so với hôm qua, trong đó VN30 giảm 18%, Midcap giảm 34% và Smallcap giảm 25%. Việc giá đảo chiều trên nền thanh khoản thấp đi thường phản ánh diễn biến phục hồi kỹ thuật nhiều hơn vì sau khi xả lớn các phiên trước, áp lực bán cũng giảm đi. Điều quan trọng là cầu bắt đáy đã không tận dụng được điều đó để đẩy thị trường hồi mạnh hơn.

Thị trường đã có 10 phiên giao dịch với thanh khoản rất tốt với mức khớp lệnh trung bình hơn 6.300 tỷ đồng/ngày trên hai sàn. Hôm nay giao dịch giảm 15% so với ngưỡng bình quân này, đạt chưa tới 5.400 tỷ đồng. Một vài phiên tới thị trường sẽ phải kiểm tra lại xem khả năng bắt đáy có tăng lên hay không.

Lý do là lúc này thị trường đang xung đột giữa hai quan điểm trái ngược: Những người tin rằng phiên giảm đột ngột mạnh với thanh khoản rất lớn hôm qua (trên 7.000 tỷ khớp lệnh, gần 8.300 tỷ tổng giao dịch) chỉ là bước lùi rung lắc để lấy đà đột phá vượt đỉnh sẽ bắt đáy mua vào. Ngược lại, những người cho rằng thị trường không thể vượt đỉnh được và nhiều cổ phiếu cũng đang đạt đỉnh sẽ tạm thời dừng lại chờ đợi. Những người bán ra trong tuần trước hay phiên đầu tuần này cũng chưa thấy có lý do gì để quay lại mua. Thanh khoản giảm trong diễn biến tăng giá hôm nay phản ánh một phần tiền đang tạm thời nghỉ ngơi.

Thực tế là không phải ai cũng tin rằng thị trường sẽ vượt đỉnh 900-905 ở thời điểm hiện tại. Khi ở đỉnh cao thanh khoản thường rất lớn so với trung bình tức là phải có người nghĩ ngược lại trào lưu chung, lặng lẽ chốt lời và rút đi. Thời điểm đỉnh tháng 6 cũng vậy, ai cũng nghĩ khi dỡ bỏ cách ly xã hội, thị trường sẽ bùng nổ, nhưng hóa ra lại ngược lại. Lúc này dịch bệnh cũng êm êm, thanh khoản cũng rất tốt trên đường tăng và tưởng như chỉ cần một cú nhảy qua đỉnh, thị trường sẽ bước vào sóng tăng mới khác về chất, nhưng thực tế lại gặp khó khăn.

Sự thiếu đồng thuận kiểu này chỉ có thể giải quyết được khi một bên mạnh vượt trội. Thị trường vẫn chưa xuất hiện phiên giao dịch nào đột biến thanh khoản ấn tượng như đầu tháng 6 vừa qua. Các vị thế T3 gần nhất hiện đang trong tình thế bất lợi và hôm nay vẫn có một lượng lớn cổ phiếu được giữ lại chưa kể mức lãi giảm đi đối với các vị thế dài hơn. Diễn biến đảo chiều về giá hôm nay góp phần hỗ trợ tâm lý không nhỏ vì ranh giới giữa việc tạo đỉnh ngắn hạn hay điều chỉnh nhỏ trong xu thế tăng vẫn chưa rõ ràng.

Tin mới lên