Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Hoảng loạn lan tràn

(VNF) - Thị trường diễn biến đầy kích động trong phiên cuối tuần khi hội tụ nhiều yếu tố bất lợi từ trước, lại dính thêm thông tin xuất hiện ca nhiễm Covid mới.

Góc nhìn chứng khoán: Hoảng loạn lan tràn

Cầu bắt đáy đã tạo thanh khoản rất lớn hôm nay và kéo được VN-Index hồi lên nhẹ cuối phiên.

Nhà đầu tư bán đổ bán tháo được cho là có tin bất ngờ liên quan tới bệnh dịch, nhưng đó cũng chỉ là tâm lý đổ lỗi thông thường. Mới tháng trước, càng nhiều ca bệnh thị trường càng tăng khỏe thì giờ không lý gì chỉ một ca bệnh lại khiến thị trường đổ vỡ như vậy được.

Cần phải thừa nhận rằng thị trường đã yếu sẵn từ hai tuần nay: Những kết quả kinh doanh tốt không giúp thị trường tăng vượt ngưỡng kháng cự yếu tức là thị trường đang thiếu động lực. Những sai lầm trong phán đoán xu thế qua phân tích kỹ thuật, chẳng hạn hi vọng VN-Index vào sóng tăng mới và sẽ vượt 900 điểm khiến quy mô sử dụng margin tăng cao. Các blue-chips lớn đã quay đầu điều chỉnh sẵn và chỉ số chỉ được duy trì nhờ hiện tượng kích trụ.

Nếu thống kê về cổ phiếu, hai tuần qua VN-Index dập dình đi ngang nhưng cổ phiếu phần lớn là tạo thua lỗ trong ngắn hạn T3, T5. Vì vậy mức giảm mạnh trong một ngày như hôm nay sẽ khiến nhà đầu tư phải cắt lỗ. Dòng tiền mua mấy ngày qua cũng rất yếu, hầu hết căng giá thấp thì để bán được khối lượng lớn ắt giá phải giảm đủ sâu.

Thanh khoản hôm nay đã tăng vọt lên gần 7.500 tỷ đồng (không kể thỏa thuận) tức là vừa có một lượng cổ phiếu lớn tháo chạy, vừa có dòng tiền bắt đáy xuất hiện ở giá rất thấp. Hàng trăm cổ phiếu ngay cả khi có nhịp hồi nhẹ cuối phiên vẫn đóng cửa với mức giảm 3-5% tức là cầu bắt đáy chỉ chờ mức chiết khấu rất rộng.

Trên cả thế giới, các thị trường chứng khoán đều đang ở thời điểm giống nhau, đối diện câu hỏi: Liệu đà tăng dài mấy tháng trước có đi quá xa so với thực tế của nền kinh tế hay không? Tâm lý phớt lờ tin xấu đã kéo rất lâu thì cũng phải đến lúc nhạt đi. Nếu như trước đây khi số ca nhiễm tăng vọt, thị trường càng tăng dữ dội hơn nhờ kỳ vọng thì lúc này kỳ vọng đã trở thành con số cụ thể: Kết quả kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, con số thất nghiệp... Thị trường cần điều gì đó khác để có kỳ vọng mới.

Không một xu thế nào kéo dài mãi mãi trên thị trường và việc dùng kỳ vọng để lý giải xu thế là không hợp lý. Nếu cứ nhìn mãi về phía trước - thực trạng xấu sẽ tới lúc tốt - thì thị trường chỉ có duy nhất một hướng là tăng. Sự thay đổi diễn ra âm thầm ngay trong cộng đồng nhà đầu tư: Những người lãi lớn bắt đầu rút dần ra, họ có thể vẫn hô hào cổ vũ thị trường nhưng là để có giá bán tốt hơn.

Lực cầu bắt đáy hôm nay xuất hiện trong buổi chiều và chặn được đà lao dốc chung. VN-Index phục hồi khoảng 12 điểm so với đáy. Khá nhiều cổ phiếu cũng phục hồi tốt trên 2%. Nếu nhà đầu tư nào dũng cảm bắt đúng đáy thì trước mắt sẽ có lợi nhuận, nhưng khả năng giữ số lợi nhuận đó tùy thuộc vào có sẵn cổ phiếu để bán hay không và trong vài phiên kế tiếp giá có duy trì được không.

Thông thường khi có lượng tiền lớn bắt đáy, thị trường rất dễ phục hồi trong phiên kế tiếp vì lượng cổ phiếu khổng lồ đã được giải phóng. Tuy nhiên phiên tăng kế tiếp luôn có thanh khoản giảm mạnh vì điểm mua tốt nhất đã không còn nữa và những người chưa bán được sẽ bán ra, cộng với hoạt động lướt sóng T+1, T+2 xuất hiện. Để lướt sóng nhanh như vậy cần lượng cổ phiếu sẵn có nên tổng thể danh mục vẫn sẽ bị lỗ.

Hoạt động “cưa chân bàn” thường không hiệu quả nếu thị trường nằm trong một xu thế giảm, vì giá cổ phiếu sẽ vẫn tiếp tục đi xuống trong thời gian chờ về tài khoản. VN-Index giảm sâu hôm nay chạm tới ngưỡng hỗ trợ tương đương với đáy thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. Vì vậy cơ hội phục hồi sẽ xuất hiện cùng với kỳ vọng thị trường đã chạm đáy. Tuy nhiên nếu thị trường tiếp tục giảm sâu hơn nữa thì sẽ bước vào một đợt bán cắt lỗ mới.

Tin mới lên