Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Hơn 12.000 tỷ đồng bắt đáy, giải chấp xong chưa?

(VNF) - Mặc dù bước vào phiên hôm nay thị trường đón nhận tín hiệu tốt hơn từ giá dầu thế giới tăng, các thị trường quốc tế phục hồi, nhưng với hàng chục blue-chips còn mất thanh khoản hôm qua, khả năng quay đầu sớm là rất thấp.

Góc nhìn chứng khoán: Hơn 12.000 tỷ đồng bắt đáy, giải chấp xong chưa?

VN-Index đã đảo chiều phục hồi thành công hôm nay với thanh khoản rất cao.

Thị trường tiếp tục chịu sức ép mạnh trong thời gian ngắn đầu phiên. Đối với những ai đã nằm trong thị trường đủ lâu thì có thể biết rằng việc giải chấp không liên quan đến giá, mà là bán bằng hết thì thôi. Vì vậy VN-Index “sập” thêm gần 29 điểm nữa đầu phiên là điều bình thường.

Điều quan trọng hôm nay là lực cầu bắt đáy tốt, dường như chờ đợi đợt bán “vét” này. Hàng loạt cổ phiếu từ chỗ giảm rất sâu đã quay đầu tăng giá. Thông thường khi thị trường phục hồi, nhà đầu tư mắc kẹt coi đó là cơ hội để cắt lỗ. Vì vậy trên đường giá tăng, lực bán ra cũng tăng theo. Thậm chí buổi chiều VN-Index còn thể hiện một nhịp tụt dốc nhẹ. Cuối cùng thị trường vẫn đảo chiều thành công, đóng cửa chỉ số tăng 0,24%.

Tổng giá trị giao dịch của hai sàn cổ phiếu hôm nay đạt ngưỡng 5.863 tỷ đồng sau phiên kỷ lục 6.455 tỷ đồng hôm qua. Như thế đã có tới trên 12.300 tỷ đồng giao dịch trong hai phiên hoảng loạn nhất của thị trường. Những nhà đầu tư có nhu cầu cắt lỗ, thậm chí là giải chấp dồn dập thoát ra mới có thể tạo nên quy mô giao dịch lớn như vậy.

Trong những sức ép hiện tại thì nhu cầu cắt lỗ và giải chấp là yếu tố phát sinh sau khi thị trường giảm quá mạnh. Nếu sức ép này được giải tỏa thì thị trường sẽ bớt đi mối lo lớn vì suy cho cùng, cung cầu sẽ quyết định giá cổ phiếu. Khi nhà đầu tư cầm cổ còn dư địa cân nhắc có nên bán hay không – mà không bị bắt buộc phải bán - tức là giá có cơ hội tăng.

Đối với các sức ép khác, điều duy nhất có thể làm là chờ đợi. Liệu phiên giảm 8% đã đủ giúp thị trường chứng khoán Mỹ cân bằng? Liệu mức giảm 30% ở giá dầu đã chiết khấu đủ các lo ngại về cuộc chiến giá giữa các cường quốc xuất khẩu? Thực tế thị trường chứng khoán Mỹ đã có nhiều phiên giảm 2-3% trước đây nhưng thị trường trong nước không bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy nếu thị trường chứng khoán quốc tế quay trở lại diễn biến tăng giảm bình thường mà không bị những cú sốc như hôm qua thì tâm lý nhà đầu tư có thể tự tách rời khỏi các ảnh hưởng đó.

Việc giảm giá đột biến ở nhiều cổ phiếu blue-chips đến lúc nào đó cũng sẽ trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn. Với diễn biến dịch bệnh và sản xuất đình trệ, kết quả kinh doanh quý 1/2020 chắc chắn gặp khó khăn. Tuy nhiên nếu là các khoản đầu tư dài hạn với tầm nhìn 6 tháng tới một năm hoặc hơn, câu chuyện nằm ở chỗ liệu tình hình có cải thiện hay không và khả năng phục hồi của doanh nghiệp như thế nào chứ không phải quý 1 lỗ hay giảm lãi bao nhiêu phần trăm. Cũng phải nhấn lại rằng chỉ mới tuần trước, thị trường ổn định và giá cổ phiếu như thể đã chiết khấu các rủi ro về hoạt động sản xuất kinh doanh trong cùng bối cảnh. Hai thay đổi duy nhất là xuất hiện thêm người mắc bệnh tại Việt Nam và giá dầu sụt giảm.

Giới đầu tư thường thuộc câu châm ngôn “thị trường luôn luôn đúng”, nhưng thực tế chưa chắc như vậy. Ở thời điểm đạt đỉnh của bong bóng giá hay thời điểm chạm đáy khủng hoảng, thị trường đúng hay sai? Những yếu tố cảm tính là một phần quan trọng trong thị trường và điều đó khiến mọi thứ luôn có xu hướng quá đà.

Tin mới lên