Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: HSX 'sập sàn' cuối phiên, 'điềm gở' có lặp lại?

(VNF) - Phiên giao dịch hôm nay sàn HSX bất ngờ kẹt lệnh trong đợt ATC và không thể khớp được. Lãnh đạo HSX cho biết sẽ thực hiện huỷ đợt giao dịch ATC này và lấy giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày làm giá đóng cửa.

Góc nhìn chứng khoán: HSX 'sập sàn' cuối phiên, 'điềm gở' có lặp lại?

Các cổ phiếu blue-chips mà đại diện là chỉ số VN30-Index đã cho thấy sự đuối sức ngay trong phiên giao dịch chứ không đợi đến đợt ATC.

Sàn HSX đã từng kẹt lệnh và phải hủy đợt ATC trong phiên ngày 22/1/2018. Sau đó sàn tạm dừng giao dịch 2 phiên. Điểm chung của thời điểm 22/1/2018 và hôm nay 9/6/2020 là thị trường đang trong giai đoạn bùng nổ thanh khoản lên mức lịch sử.

Trước phiên ngày 22/1/2018, thị trường chứng kiến mức tăng giá vũ bão của chỉ số VN-Index. Riêng 16 phiên đầu tháng 1/2018 chỉ số đã tăng 10,5% và xu thế đi lên đã kéo dài suốt từ đầu năm 2018. Thị trường liên tục xuất hiện các phiên giá trị khớp lệnh hai sàn bùng nổ hơn 8.000 tỷ đồng, thậm chí phiên ngày 19/1/2018 còn giao dịch trên 9.000 tỷ đồng. Phiên ngày 12/1/2018 giao dịch tới gần 10.200 tỷ đồng.

Hiện tại thị trường cũng đang xuất hiện liên tục các phiên khớp lệnh vượt 8.000 tỷ đồng. Trước phiên hôm nay, thị trường đã khớp lệnh hơn 8.200 tỷ đồng và nếu tính cả thỏa thuận là trên 9.500 tỷ đồng. Ngay cả khi không khớp được đợt ATC ngày hôm nay, giá trị giao dịch hai sàn cũng đã tới xấp xỉ 8.000 tỷ đồng (khớp lệnh đạt 6.959 tỷ đồng).

Không rõ nguyên nhân khiến sàn giao dịch kẹt lệnh là do thanh khoản quá cao hay không, nhưng đây là việc lặp lại cùng một sự cố với biểu hiện giống nhau. Nhìn vào quá khứ, sau khi thị trường giao dịch trở lại, VN-Index đã tăng tiếp 2 phiên và đạt đỉnh trước khi rơi thảm 10% đến ngày 9/2/2018.

Liệu đó có phải là “điềm gở” đối với thị trường? Hiện tại thị trường đang trong xu thế tăng cực mạnh suốt từ đầu tháng 4 tới nay. VN-Index đã lên 36,44% so với đáy mà chưa điều chỉnh. Tuy nhiên thời điểm thị trường rơi mạnh cuối tháng 1/2018 có nguyên nhân quan trọng là hiện tượng nghịch đảo đường cong lợi suất trái phiếu trên thị trường Mỹ, khiến thị trường này gần như rơi tự do cùng thời điểm. Thị trường Việt Nam khi đó bị ảnh hưởng dây chuyền hơn là do sự cố “sập sàn”.

Khả năng điều chỉnh nếu xảy ra thì không phải là do sự cố kỹ thuật mà do yếu tố nội tại tăng trưởng quá nhanh trong thời gian ngắn của thị trường. Động lực chủ yếu giúp thị trường tăng liên tục mấy tháng nay là dòng tiền vào quá nhiều. Các nhà đầu tư mua mới đã được các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Đến một thời điểm nào đó lượng tiền mua sẽ được đáp ứng hết và làm suy kiệt khả năng mua thêm. Đó mới là nguyên nhân chính nếu thị trường quay đầu.

Thực tế giao dịch hai hôm nay cho thấy tuy giá cổ phiếu vẫn tăng, VN-Index vẫn tăng, nhưng diễn biến kém phần mạnh mẽ. Sau khi công phá hết ngưỡng kháng cự này tới ngưỡng kháng cự khác, thị trường có dấu hiệu chậm lại quanh mốc 900 điểm. Thanh khoản duy trì rất cao nhưng tốc độ tăng lại không bùng nổ tương xứng thể hiện áp lực bán ra cũng không phải là nhỏ. Tình trạng giằng co này sẽ kết thúc bằng một bên chiến thắng. Nếu lượng tiền từ các nhà đầu tư mới vẫn còn dồi dào, xu thế tăng sẽ tiếp tục kéo dài hơn. Ngược lại, nếu các nhà đầu tư mới mua hết tiền, thị trường sẽ không còn lực đỡ và điều chỉnh giảm.

Phiên giao dịch hôm nay thị trường cũng suy yếu về cuối phiên, dù có đợt ATC hay không. VN-Index một lần nữa vượt qua mốc 900 điểm, lên sát 905 điểm tương tự phiên đầu tuần, sau đó không thể duy trì được và tụt xuống. Chỉ trong 1 tiếng cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index để mất hơn 5 điểm mà lại xuống dưới ngưỡng 900 điểm. Nếu thị trường thật sự mạnh mẽ thì áp lực chốt lời đã có thể được ngăn chặn, thậm chí là tạo nên một phiên bùng nổ tăng, chứ không phải đuối dần.

Tin mới lên