Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Không còn trụ thay thế, VN-Index quay đầu giảm

(VNF) - Thị trường có vài phút đầu tiên bất ngờ tăng khá nhưng không thể kéo dài hơn do lực bán vẫn tiếp tục xuất hiện kìm giữ giá cổ phiếu. VN-Index vẫn đang loay hoay quanh ngưỡng cản kỹ thuật mà chưa thoát ra được.

Góc nhìn chứng khoán: Không còn trụ thay thế, VN-Index quay đầu giảm

Thị trường bò ngang rất khó chịu nhiều phiên gần đây vì không có sức cầu đột biến để thay đổi.

Mức giảm chung cuộc của chỉ số là rất nhẹ (-0,12 điểm) chủ yếu do SAB và VIC gục cuối phiên nhưng diễn biến không tốt là giao dịch trong phiên. Lẽ ra thị trường đã có thể tăng tốt hơn, nếu như đà hưng phấn ban đầu duy trì ổn định.

VN-Index bật tăng lên 847,54 điểm (trên tham chiếu 0,52%) tưởng như đã đưa chỉ số thoát ra khỏi trạng thái lình xình hẹp khó chịu suốt mấy ngày nay. VIC mở cửa rất khá với mức tăng 1,13%, VCB tăng 0,85%, BID tăng 1,31%, CTG tăng 2,19%. Các trụ lớn dẫn chỉ số khởi động tích cực giống như các phiên trước. Tuy vậy một lần nữa lực bán lại xuất hiện và phá hỏng những nỗ lực đó.

Thị trường điều chỉnh kéo dài sau đó và giao dịch rất luẩn quẩn do không có cổ phiếu dẫn dắt nào ổn định. VIC, VHM, VNM, GAS, SAB, VCB bị ép bằng khối lượng bán tương đối nhỏ mà bên mua không “thanh toán” nổi. Hầu hết các mã này bị kiềm chế suốt cả phiên. VIC đóng cửa giảm 0,79%, GAS giảm 0,71%, VHM giảm 0,25%, VNM tham chiếu, SAB giảm 0,78%. Thậm chí mạnh nhất là BID và CTG cuối phiên cũng không giữ được giá đỉnh, chỉ còn tăng 1,05% và 1,75%.

Tình trạng này thực tế là lặp lại những phiên trước khi giá được đẩy lên cao rồi bị chốt lời và tụt xuống dần theo thời gian. BID và CTG chưa đủ lớn thay cho VIC hay SAB. VN-Index kết phiên ở 843,08 điểm và dao động trong phiên vẫn hẹp như những phiên trước. Lực bán dai dẳng đã kéo sang ngày thứ 4 và chưa biết sẽ kết thúc như thế nào. Với mức giảm khá nhẹ ở cả cổ phiếu lẫn chỉ số, rõ ràng là sức ép không mạnh. Có lẽ yếu tố quyết định là bên mua không đẩy lên dứt khoát.

Rất nhiều cổ phiếu giảm thanh khoản đáng kể hôm nay. HPG giảm giao dịch tới 32% so với phiên trước, VNM giảm 40%, VIC giảm 60%, VHM giảm 46%... Thanh khoản chung vẫn phụ thuộc vào những mã như HSG, DBC, GEX, thậm chí là SHC, DHC và đặc biệt là ACB bên sàn HNX. ACB giao dịch đột ngột lớn với 15,3 triệu cổ và giá trị tương ứng gần 382 tỷ đồng, gấp 6,1 lần phiên trước. Sàn HNX tăng giá trị khớp lệnh gần 257 tỷ đồng thì riêng ACB tăng giao dịch 320 tỷ đồng. Tính chung 2 sàn giá trị khớp lệnh giảm 462 tỷ đồng bất chấp ACB tăng khủng. Như vậy các mã khác giảm giao dịch đáng kể.

Nhìn vào cổ phiếu, số mã tăng hôm nay cũng khá nhiều (HSX có 154 mã) nhưng vẫn ít hơn số giảm (222 mã). Các mã đầu cơ nhỏ tăng tốt nhất và vẫn là đích đến của dòng tiền. Tính theo các nhóm cổ phiếu thì blue-chips VN30 hôm nay giảm giá trị giao dịch khoảng 25% so với hôm qua, Midcap giảm 17% và Smallcap chỉ giảm chưa tới 5%. EVG, HAP, TIP, IDI, TLD kịch trần với thanh khoản tốt.

Với tình trạng yếu ớt và mất khả năng xoay vòng giữa các trụ nên thị trường không bùng nổ được, VN-Index cứ lình xình đi ngang với biên độ hẹp. Các nhà đầu cơ tranh thủ giao dịch ở các mã nhỏ là chính. Trong khi các thị trường quốc tế cơ bản tăng mạnh phiên này thì thị trường Việt Nam rất thiếu lực.

Hiện tại diễn biến tốt của thị trường quốc tế là yếu tố hỗ trợ chính giữ cho tâm lý chung ổn định vì mạch thông tin trong nước không có gì đặc biệt. Cuối phiên chiều nay khi thị trường tương lai Mỹ bật tăng, VN-Index cũng có một đoạn hồi lên vượt qua tham chiếu nhưng lại không bảo toàn được. Nguyên nhân có thể là do dòng tiền chung không có cải thiện gì, đặc biệt là tiền vào các blue-chips lại giảm đi. Vì vậy khả năng đi ngang hẹp vẫn là cơ hội “sáng” nhất lúc này dựa trên áp lực bán không mạnh dứt khoát, ít nhất là tới khi thị trường quốc tế kiểm định lại đỉnh cao cũ.

Tin mới lên