Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Không mong kéo NAV

(VNF) - Thị trường lao dốc mạnh phiên đầu tuần do lực bán mạnh và ngày càng nhiều nhà đầu tư chấp nhận rằng nguy cơ điều chỉnh rõ hơn. Chỉ còn phiên ngày mai là kết thúc quý 2/2020, nhưng những trông đợi vào hành động nâng đỡ thị trường để làm đẹp NAV (giá trị tài sản ròng) của các quỹ vẫn chưa diễn ra.

Góc nhìn chứng khoán: Không mong kéo NAV

VN-Index đã tạo đỉnh thấp hơn và đang trong quá trình tạo đáy thấp hơn, tín hiệu chuẩn của một xu thế giảm.

Việc làm đẹp danh mục đầu tư cuối mỗi quý vẫn hay xảy ra trên thị trường trong điều kiện bình thường, nhưng hiện tại thị trường là không bình thường. Mức tăng đột biến kéo dài hơn 2 tháng là quá đủ để đẹp danh mục, thậm chí có thể các tổ chức đầu tư đã chuyển bớt cổ phiếu thành tiền mặt trong các phiên thanh khoản chục ngàn tỷ vừa qua.

Số liệu tăng trưởng GDP quý 2/2020 được công bố không hề gây sốc. Đó là điều thị trường có thể dự báo được và đó cũng là lý do để nói rằng thị trường chứng khoán đang xa rời các yếu tố cơ bản. Chỉ có điều khi thị trường bùng nổ tăng, không mấy nhà đầu tư chú ý điều đó vì mải chạy theo dòng tiền đầu cơ giá lên. Khi dòng tiền rút ra ngày càng rõ và thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng thì thị trường chỉ còn được duy trì độ cao bằng hi vọng của những nhà đầu tư cầm cổ phiếu chưa muốn bán ra.

Sức mua giảm đi nhiều nên khi số lượng nhà đầu tư cầm cổ muốn thoát khỏi thị trường tăng lên, cơ hội duy nhất là bán giá thấp để có thể khớp được. Hàng trăm cổ phiếu sụt giảm vượt 2% trong ngày hôm nay thể hiện điều này. Lực cầu bắt đáy là có, nhưng chỉ ở giá rất thấp. Với lượng cổ phiếu thua lỗ trong ngắn hạn đang dày lên từng ngày thì nhu cầu cắt lỗ cũng sẽ tăng theo.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng bất ngờ đẩy mạnh bán ra trong phiên lao dốc nặng hôm nay. Cổ phiếu sàn HSX bị rút đi trên 168 tỷ đồng. Đây là điều khác lạ vì các phiên cuối quý vốn ngoại thường mua ròng mà nhà đầu tư cho rằng đó là động thái đỡ NAV. Thực tế từ đầu tháng 6 đến giờ nhà đầu tư nước ngoài cũng vẫn rút vốn cực mạnh trên thị trường cổ phiếu. Thương vụ mua thỏa thuận lô lớn với VHM trị giá tới trên 15.000 tỷ đồng khiến con số thống kê vốn vào ròng hơi lóa mắt một chút, còn thực sự khối này rút khỏi cổ phiếu trên sàn tới gần 900 tỷ đồng. Mua thỏa thuận có ích cho 1 công ty, có ích cho con số thống kê chung, nhưng là bất lợi cho tất cả các thành phần còn lại của thị trường vì bán thẳng trên sàn sẽ gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu.

Nếu như xu thế tăng hai tháng trước được gia tốc bằng sức mua mới mẻ từ các nhà đầu tư thì hiện tại sức mua này đã không còn nhiều. Hoặc các nhà đầu tư thông minh nhìn thấy cơ hội giá rẻ hơn vẫn còn phía trước và giữ tiền mặt, hoặc các nhà đầu tư mới đã hết tiền và chỉ còn cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang tung ra các con số lợi nhuận khá đẹp cho quý 2 nhưng giá không thể tăng được, thậm chí giảm mạnh cũng bởi vì khả năng mua đã giảm đi rất nhiều.

VN-Index hôm nay xuống dưới ngưỡng 930 điểm tức là thấp hơn đáy đáy cách đây 2 tuần là tín hiệu xấu. Khi chạm ngưỡng này lần đầu tiên ngày 15/6 vừa rồi, thị trường đảo chiều phục hồi. Trong hai tuần kế tiếp thị trường tăng chậm với thanh khoản thấp và được cho rằng đó là biểu hiện của sự tích lũy và nhịp điều chỉnh đã kết thúc. Nếu kịch bản đó là đúng thì thị trường sẽ không suy giảm tiếp như hôm nay và VN-Index thủng đáy tham chiếu 930 điểm.

Về mặt kỹ thuật tín hiệu như vậy góp phần khẳng định thị trường đã tạo đỉnh sau thấp hơn (lower High) và đang trong quá trình tạo đáy sau thấp hơn (lower Low). Đó là dấu hiệu của một xu hướng giảm. Khi kết quả kinh doanh xấu của quý 1/2020 xuất hiện, thị trường vẫn tiếp tục tăng mạnh. Nguyên nhân được cho là điều xấu nhất ai cũng biết và thị trường hướng tới kỳ vọng cho quý 2. Vì vậy hoàn toàn có khả năng mức tăng vừa rồi đã phảnh ánh kỳ vọng cho kết quả kinh doanh quý 2. Để tiếp tục xu thế đi lên thị trường cần câu chuyện gì đó mới mẻ hơn, tạo kỳ vọng khác mới có thể thu hút dòng tiền quay lại.

Tin mới lên