Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Nguy cơ đổ vỡ?

(VNF) - Những nỗ lực đảo chiều cuối phiên hôm qua đã hóa thành “công cốc”: Dù chứng khoán thế giới tăng tốt, thị trường trong nước vẫn xuất hiện lực bán mạnh đẩy VN-Index thủng luôn cả 860 điểm.

Góc nhìn chứng khoán: Nguy cơ đổ vỡ?

Thị trường đã không phản ứng tốt với kết quả kinh doanh quý 2 thì có nguy cơ suy yếu sau khi thông tin hỗ trợ kết thúc.

Những điểm tựa tâm lý đã không thể giúp sức mua trên thị trường mạnh hơn. Kết quả kinh doanh quý 2 cũng rơi tõm vào vô vọng và nhà đầu tư cố gắng thoát khỏi cổ phiếu nhiều hơn, dẫn tới một cú sụt giảm khá nhanh về cuối phiên.

Tình trạng giằng co của VN-Index một lần nữa kết thúc với trạng thái tiêu cực. Nếu như hôm qua khả năng duy trì trên mốc 860 điểm vẫn còn nhen nhóm hi vọng, hôm nay chỉ số đã có mức giảm rõ ràng hơn, xuống 855,08 điểm.

Điểm khác biệt chính là mức thanh khoản tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp. Cả hai sàn hôm nay chỉ khớp lệnh 3.694 tỷ đồng, giảm hơn 10%. Nếu như hôm qua thanh khoản thấp và thị trường hồi nhẹ thể hiện áp lực bán yếu thì hôm nay thanh khoản thấp hơn nữa và giá giảm, thể hiện sức mua là quá tệ.

Riêng sàn HSX có số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng giá cũng đủ cho thấy tình trạng giảm giá diễn ra khá đồng đều. Sự trái ngược sẽ nổi lên rõ ràng hơn nếu nhìn nhận trong bối cảnh đáng lẽ kết quả kinh doanh quý 2 phải tạo sự hưng phấn ở người mua. Thực tế là người mua không thấy đâu, chỉ thấy người bán xả hàng nhiều hơn và kết cục là cổ phiếu giảm giá.

Bối cảnh tĩnh lặng của thị trường quốc tế cũng giúp đánh giá rõ hơn kỳ vọng của nhà đầu tư trong nước: Giao dịch của các thị trường quan trọng bình thường, thậm chí chứng khoán Mỹ đêm qua còn tăng tốt. Hôm qua lực cầu bắt đáy kéo được thị trường phục hồi vừa đủ để có màu xanh, hôm nay khả năng duy trì mức tăng chỉ đến cuối phiên sáng. Buổi chiều nhà đầu tư quyết định bán ra nhiều hơn và cổ phiếu sụt giảm đồng loạt, kết thúc bằng việc VN-Index đóng cửa tại ngưỡng thấp nhất phiên và giảm 0,77% so với tham chiếu.

VN-Index để mất ngưỡng 860 điểm là một sự kiện dễ dẫn tới tình thế nguy hiểm, vì vùng dao động 860-880 đã bị phá vỡ theo hướng tiêu cực. Hai tuần đầu tiên của tháng 7 thị trường phục hồi lên 880 điểm và có khả năng lên cao hơn nữa, thử thách ngưỡng 900 điểm. Đó cũng là thời điểm kết quả kinh doanh sắp xuất hiện. Tuy nhiên thị trường hai tuần qua đã quay đầu giảm và ngày càng giảm nhanh hơn. Có thể kết luận rằng kết quả kinh doanh quý 2 đã không có tác dụng nâng đỡ thị trường. Vậy thì sau khi kết quả kinh doanh ra hết, thị trường sẽ còn yếu hơn nữa.

Đó là suy luận không có gì phức tạp và có thể lý giải tình thế mua ngày càng yếu đi và bán ngày càng tăng lên. Thị trường chứng khoán thường nhìn về phía trước và đó là lời giải thích duy nhất cho xu thế tăng từ tháng 3 vừa qua. Vậy thị trường đang nhìn thấy gì phía trước ở thời điểm hiện tại? Kết quả kinh doanh đã xuất hiện. Thông tin vĩ mô không có cho tới hết quý 3. Thanh khoản ngày càng yếu thể hiện dòng tiền rút ra ngày càng nhiều.

Một thực tế cần báo động là cổ phiếu giảm giá luôn mạnh hơn chỉ số. Sự thất vọng thể hiện rất rõ trong 2 tuần đầu tháng 7 (khi VN-Index tăng) nhưng rất ít cổ phiếu tăng cùng chỉ số. Với 4 phiên giảm vừa qua, chỉ số giảm thì ít mà cổ phiếu giảm thì nhiều, nghĩa là nguy cơ lỗ của nhà đầu tư cao hơn chỉ số. Vì vậy nếu các phiên tới xuất hiện tình trạng cắt lỗ mạnh tay ở nhiều cổ phiếu bất chấp VN-Index tăng hay giảm thì cũng không có gì lạ. Nhà đầu tư phải hành động dựa trên khả năng chịu đựng của tài khoản chứ không phải là chỉ số.

Tin mới lên