Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Nhiều cổ phiếu T3 vẫn lãi nhẹ, thị trường đang phân hóa sức mạnh

(VNF) - Tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn khiến thị trường rơi vào cảnh khó khăn khi tâm lý nhà đầu tư không ổn định được.

Góc nhìn chứng khoán: Nhiều cổ phiếu T3 vẫn lãi nhẹ, thị trường đang phân hóa sức mạnh

Thị trường đang thể hiện có cầu bắt đáy quanh ngưỡng 780 của VN-Index, tương đương mức điều chỉnh giảm 50% so với sóng tăng trước đó.

Phiên đảo chiều mạnh mẽ hôm qua tưởng như một món quà bất ngờ cho những nhà đầu tư bắt đáy sớm cuối tuần trước. Tuy nhiên tình hình thay đổi quá nhanh nên phần lớn các giao dịch lướt sóng ngắn gặp bất lợi.

Chẳng hạn tính cho nhóm VN100, đến cuối phiên hôm qua kể cả khi nhà đầu tư bắt đáy ở giá tốt nhất ngày 24/7 thì cũng chỉ có 51/100 cổ phiếu có lãi. Nếu bắt ở giá bình quân hôm đó thì 11 cổ phiếu có lãi. Thời điểm bán tốt nhất hôm nay là ngay đầu phiên nhưng thanh khoản cực nhỏ tức là không mấy người canh được giá tốt. Nếu bán từ sau 10h thì tất cả là cắt lỗ.

Tình thế là khá hơn đối với các nhà đầu tư bắt đáy ở phiên đầu tuần này. Mặc dù cổ phiếu còn chưa về tài khoản, nhưng tính trên sổ sách với VN100 thì vẫn đang có 47 cổ phiếu lãi trên 1%. Mức lãi này còn được bao nhiêu phụ thuộc vào biến động ngày mai, nhưng ít nhất cũng thể hiện rằng mức an toàn cao hơn đáng kể. Đặc biệt khi hôm nay thị trường một lần nữa xuất hiện lực cầu bắt đáy và giữ được VN-Index không thủng ngưỡng 780 điểm.

Đại đa số cổ phiếu đóng cửa ở mức giá đỏ phiên này, với khoảng 200 mã giảm trên 2%, 110 mã giảm trên 4% ở sàn HSX. Mặc dù vậy so với thời điểm thị trường thê thảm nhất (VN-Index giảm hơn 4%) thì cầu bắt đáy đã kéo giá hồi ở mức độ nhất định. Kể cả không tính phiên hào hứng quá mức hôm qua thì thị trường vẫn đang cho thấy có dòng tiền bắt đáy quanh ngưỡng 780 điểm.

Lực cầu bắt đáy thường có tính chọn lọc cao nên mức độ giữ giá ở cổ phiếu cũng khác nhau. Sau phiên nhắm mắt đua giá hôm qua, lực cầu sẽ bắt đầu thận trọng trở lại vì thị trường rõ ràng là thiếu dòng tiền đẩy giá. Mặt khác, với những thông tin bất lợi còn chưa biết ở mức độ nào, nhà đầu tư sẽ thận trọng chọn giá rẻ hơn là hào phóng giúp các nhà đầu tư cắt lỗ giá tốt.

Việc thị trường đột ngột rơi với biên độ lớn đã rất nhanh đẩy các nhà đầu tư cầm cổ phiếu vào tình thế kẹt. Ngoài sức ép margin bắt buộc phải giải phóng, phần còn lại là khả năng chịu đựng của nhà đầu tư mua bằng vốn tự có. Yếu tố kỹ thuật chỉ là một khía cạnh nhỏ ở thời điểm hiện tại vì thông tin mới là điều thay đổi suy nghĩ và tâm lý của nhà đầu tư. Ngưỡng 780 điểm của VN-Index là tương đương mức điều chỉnh khoảng 50% của sóng tăng từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên nếu thông tin bất lợi xuất hiện nhiều hơn, thị trường hoàn toàn có rủi ro điều chỉnh sâu hơn.

Chính vì vậy việc mua thận trọng sẽ chiếm ưu thế thay vì đua giá như hôm 28/7 khiến gần như cả thị trường tăng rừng rực. Mua chọn lọc cũng sẽ đưa thị trường vào tình thế phân hóa cổ phiếu và khó có thể tạo một xu thế tăng rõ rệt.

Thực tế thị trường vẫn đang không có nhiều yếu tố hỗ trợ, ngoại trừ tâm lý lướt sóng nhờ biên độ dao động lớn. Để lướt sóng ngắn hơn T+3 nhà đầu tư phải có sẵn cổ phiếu, nghĩa là phải chịu lỗ cho số lượng đó nên tổng thể danh mục chưa chắc đã hiệu quả. Đối với các vị thế mua hoàn toàn mới, thị trường chưa thật sự có được nền tảng tích lũy an toàn đáng tin cậy, nên chỉ có thể mua dần với khối lượng nhỏ và chấp nhận một cuộc “thi lặn” đến đáy thật sự.

Giai đoạn tháng 4 tới tháng 6 vừa qua tuy dịch bệnh nhiều hơn về số lượng so với lúc này nhưng thị trường vẫn tăng tốt. Tâm lý đó rất khó lặp lại vì cú sốc cách ly xã hội khi đó mới thể hiện một phần lên hoạt động kinh tế. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài hơn trong quý 3, sức chịu đựng của doanh nghiệp sẽ là câu chuyện rủi ro đáng kể. Mặc dù nhiều công ty niêm yết vẫn có các con số lợi nhuận tốt quý 2 vừa rồi, nhưng sức mua của người dân đang suy yếu và sẽ còn yếu hơn nữa nếu dịch bệnh tiếp tục. Nếu một kịch bản xấu hơn về dịch bệnh xảy ra, thị trường chứng khoán không thể mãi bỏ qua các yếu cơ bản được.

Tin mới lên